Vì sao hồ sơ nhà đất tại TP.HCM ùn ứ?

Đình Sơn
Đình Sơn
17/07/2024 19:02 GMT+7

Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra tình trạng một số ngày hệ thống thông tin đất đai bị cắt khiến hồ sơ đất đai bị ùn ứ.

Tại một số nơi người dân đến nộp hồ sơ nhà đất đã không được tiếp nhận, hoặc tiếp nhận nhưng cũng chỉ để đó, không xử lý.

Trao đổi với Báo Thanh Niên, đại diện của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Gò Vấp cho biết, tất cả các quận huyện đều bị lỗi phần mềm thông tin đất đai VBDLIS (Vietnam Land Database and Land Information System) nên bị tắc, không thể xử lý ngay lập tức. Những ngày hệ thống bị "cắt", cán bộ vẫn tiếp nhận hồ sơ nhưng bằng biên nhận tay nhưng không thể xử lý vì tất cả các dữ liệu đều lưu trữ trên máy tính, trên hệ thống.

"Tại thời điểm phần mềm không chạy, cán bộ tiếp nhận hồ sơ chỉ kiểm tra xem thành phần đã đủ chưa, nếu đủ thì nhận, nhưng không thể xử lý trực tiếp được. Bởi dữ liệu lưu trữ trên hệ thống nên không thể kiểm tra được hiện trạng ngôi nhà, thửa đất có bị tranh chấp. Khi phần mềm mở lại, chi nhánh phải ngồi đến 20 - 21 giờ để xử lý hồ sơ tồn đọng vì mỗi ngày hồ sơ liên quan đến nhà đất tại quận hơn 200 hồ sơ", vị này cho hay.

Tại các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai khác cũng diễn ra tình trạng tương tự khi phần mềm quản lý, lưu trữ, xử lý hồ sơ nhà đất bị ngừng hoạt động.

Vì sao hồ sơ nhà đất tại TP.HCM ùn ứ?- Ảnh 1.

Phần mềm VBDLIS đã bị đơn bị cung cấp cắt dịch vụ một số ngày

ĐÌNH SƠN

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do TP.HCM đang sử dụng phần mềm VBDLIS miễn phí do Viettel nên có thể bị ngưng cung cấp dịch vụ bất kỳ lúc nào.

Trong báo cáo gửi đoàn giám sát số 3 của Quốc hội mới đây, UBND TP.HCM cho biết hệ thống quản lý đất đai VBDLIS đã bị dừng gần 5 ngày trong tháng 6, từ 7 giờ 30 ngày 6.6 đến 12 giờ ngày 10.6. Trong thời gian này, hệ thống phần mềm chuyên ngành VBDLIS đã tạm dừng cung cấp dịch vụ kết nối, dẫn đến toàn bộ hồ sơ đất đai trên hệ thống của văn phòng đăng ký đất đai bị dừng hoàn toàn, từ khâu tiếp nhận, đồng bộ dữ liệu dịch vụ công, xử lý hồ sơ đất đai, cập nhật quản lý hồ sơ quét, sổ địa chính điện tử. Các dịch vụ kết nối chia sẻ thông tin trong liên thông thuế điện tử và công chứng... cũng bị ngưng, ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình xử lý hồ sơ đất đai. Trong khi đó hiện nay mỗi ngày TP tiếp nhận, xử lý gần 2.000 hồ sơ qua hệ thống VBDLIS.

Cũng theo UBND TP.HCM, phần mềm này đang được Viettel cung cấp miễn phí cho TP.HCM theo dự án "Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai" do Chính phủ thực hiện từ năm 2017, World Bank tài trợ. Dự án đã kết thúc cách đây hai năm. Kông còn nguồn tài trợ doanh nghiệp không thể vận hành miễn phí mãi được. Và cũng do đang cung cấp miễn phí, Viettel có quyền ngưng bất kỳ lúc nào. TP.HCM là địa phương đầu tiên bị ảnh hưởng. Khi xảy ra sự cố, UBND TP.HCM đã đề nghị Viettel hỗ trợ mở lại dịch vụ, nhưng doanh nghiệp chỉ đồng ý cung cấp một số ngày trong tuần.

Về lâu dài, UBND TP HCM cho biết đã giao các sở ngành triển khai quy trình, thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng hạng mục thuê phần mềm và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thành phố. Kinh phí dự kiến hơn 69 tỉ đồng cho 3 năm, từ 2024 đến 2027.

Vì sao hồ sơ nhà đất tại TP.HCM ùn ứ?- Ảnh 2.

Người dân rồng rắn đi nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Gò Vấp

ĐÌNH SƠN

Được biết, hệ thống VBDLIS được kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin cơ quan thuế, hành chính công, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tất cả hoạt động nghiệp vụ như: vận hành, cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu địa chính (đồng bộ dữ liệu dịch vụ công, lập và ký số sổ địa chính, cập nhật quản lý hồ sơ quét, liên thông thuế điện tử…), quản lý quy trình xử lý hồ sơ đăng ký cấp sổ hồng, hồ sơ duyệt bản vẽ nội nghiệp, thống kê báo cáo tháng, quý, năm, thống kê đất đai... đều thông qua hệ thống VBDLIS. Khi tiếp nhận, xử lý hồ sơ đất đai, cán bộ chỉ cần nhập thông tin một lần cho đến khi trả kết quả, giúp giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan đất đai thời gian qua.

Không chỉ TP.HCM, hệ thống này được Viettel cung cấp miễn phí cho 36 tỉnh thành. Ở một số tỉnh, 100% thủ tục hành chính về đất đai đều thông qua hệ thống này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.