Vì sao học sinh cần trở lại trường?: Sốt ruột vì chất lượng

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/11/2021 08:05 GMT+7

Chưa thể học trực tiếp, cũng như một số địa phương rốt ráo lên kế hoạch đón học sinh, đã trả lời cho câu hỏi vì sao học sinh cần trở lại trường.

Học trực tuyến đã “đến ngưỡng” chịu đựng ?

Sở GD-ĐT An Giang vừa có quyết định cho giáo viên (GV) và học sinh (HS) tiểu học nghỉ dạy học trực tuyến, học qua truyền hình trong một tuần. Lý giải của Phó giám đốc Sở GD-ĐT An Giang Nguyễn Quốc Khanh với báo chí thì với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình được xem là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, sau 9 tuần dạy trực tuyến và qua truyền hình, nhằm đảm bảo sức khỏe, giảm căng thẳng cho GV và HS tiểu học, Sở GD-ĐT tỉnh này đã có quyết định trên.

Quyết định của Sở GD-ĐT An Giang rất đáng suy nghĩ với những địa phương và cả với Bộ GD-ĐT, nếu đang “hài lòng” với dạy trực tuyến.

Tại Hà Nội, dịch bệnh đang phức tạp hơn, nhưng TP cũng tích cực hơn trong việc chuẩn bị cho HS trở lại trường. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng khẳng định: “Việc cho HS đến trường là rất quan trọng, tôi trực tiếp hỏi HS thì hầu hết các cháu đều mong học trực tiếp”. Do vậy, Hà Nội đang nỗ lực để cho HS trở lại trường khi HS lớp 9 ở 18 huyện, thị xã đã đi học trực tiếp.

Học sinh Hà Nội tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Phụ huynh mong muốn TP sẽ thay đổi chính sách và linh hoạt hơn trong việc mở cửa trường

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Từ ngày 23 - 25.11 vừa qua, Hà Nội đã bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin cho HS từ 15 - 17 tuổi. Tỷ lệ phụ huynh đăng ký và cho con đến tiêm đạt mức gần 100% với mong muốn sau khi HS tiêm xong, TP sẽ thay đổi chính sách và linh hoạt hơn trong việc mở cửa trường.

Còn gần 50.000 học sinh chưa về lại TP.HCM vì dịch Covid-19

Chọn cách, dù có khó để học sinh đến trường

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục VN, chia sẻ ông cảm thấy rất “sốt ruột” khi thấy nhiều địa phương dù không thuộc nguy cơ cao nhưng vẫn “nhốt” trẻ ở nhà học trực tuyến. Tuy nhiên, chất lượng của việc học toàn diện thế nào thì họ lại không quan tâm. Trong khi đó, một số địa phương thì tìm đủ mọi cách để tận dụng cơ hội và thời gian cho trẻ đến trường.

Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết sở này đã có hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Theo đó, chỉ dừng học tập trực tiếp ở những địa bàn cấp độ dịch ở mức 4 (nguy cơ rất cao), còn lại kể cả địa bàn cấp độ 3 (nguy cơ cao) cũng tiến hành dạy trực tiếp, kết hợp trực tuyến.

Tỉnh Phú Thọ cũng đã cho HS ở vùng “tâm dịch” như TP.Việt Trì và H.Phù Ninh đi học trở lại từ nửa cuối tháng 11, dù địa phương này vẫn phát sinh các ca mắc và chưa xác định được điểm dừng của dịch Covid-19. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ, cho biết đây là quyết định mạnh dạn nhưng vì chất lượng dạy học nên Sở đã chọn cách làm không dễ dàng.

Để đảm bảo phòng chống dịch khi dạy trực tiếp, sở này yêu cầu dạy học 2 ca theo khối buổi sáng và buổi chiều; bố trí thời điểm ra, vào lớp, bố trí thời điểm bắt đầu và kết thúc buổi học, thời gian nghỉ giữa các tiết học… đối với HS cấp tiểu học, tạm thời chỉ dạy 1 buổi/ngày, 1 buổi còn lại kết hợp học trực tuyến.

Báo cáo tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ GD-ĐT mới đây, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, cũng cho biết: “Mặc dù một số cơ sở giáo dục vẫn xuất hiện F0, F1 nhưng việc tổ chức dạy học của Quảng Nam vẫn diễn ra bình thường. Khi trường học có F0, F1 thì cách ly lớp học có ca nhiễm chứ không đóng cửa cả trường. Đối với những cơ sở giáo dục tổ chức nội trú, bán trú, hằng tuần địa phương tổ chức test nhanh cho HS; khu vực “điểm nóng” thì xét nghiệm 2 lần/tuần.

Khoanh vùng hẹp, truy vết nhanh, khử khuẩn khẩn trương, để HS trường có ca nhiễm chỉ học trực tuyến 2 - 3 tuần rồi trở lại trực tiếp, cũng là cách mà ngành giáo dục Khánh Hòa đang triển khai. Song song với đó là linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học khi chia đôi lớp và luân phiên mỗi nửa học trực tuyến, trực tiếp vào buổi sáng, chiều.

Bộ trưởng GD-ĐT: Ảnh hưởng lâu dài, chưa đo đếm được

Tổng hợp của Bộ GD-ĐT cho thấy hiện nay trên cả nước vẫn có 3 hình thức dạy học: trực tuyến, trực tiếp và kết hợp cả hai. Tuy nhiên, số địa phương, trường học dạy trực tiếp hoàn toàn vẫn ít hơn. Cả nước có 713 quận, huyện, thị thì có khoảng 350 quận, huyện, thị đang dạy học trực tuyến và truyền hình.

Trả lời Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng ngành giáo dục đã triển khai đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh, bước đầu có những con số và chỉ số về tác động tiêu cực, có điều đã nhìn thấy ngay và đã thấy, nhưng cũng có những điều còn ảnh hưởng lâu dài, chưa đo đếm được. Đặc biệt là những chỗ hổng về kiến thức, những tác động tâm lý tinh thần, tình cảm của HS.

Để HS được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng những địa bàn thuộc cấp độ dịch khác nhau, các địa phương cần có nhiều giải pháp và tạo điều kiện tốt nhất cho HS, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.