Vì sao học sinh quay lưng với môn sử? - Kỳ 1: Không thích giáo viên dạy sử

04/06/2014 10:15 GMT+7

(TNO) Trong gần 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2014 sáng 2.6 trên cả nước, chỉ có 11,52% chọn thi môn sử. Nhiều người ngạc nhiên khi biết nhiều trường chỉ có... một thí sinh thi môn sử. Ở vài nơi khác, câu chuyện được bàn tán là cả hội đồng thi mấy chục người, lập ra chỉ để phục vụ 2 thí sinh chọn môn thi này.

>> Cần đưa vào môn sử những sự kiện có trong thực tế

Khảo sát bỏ túi “Bạn có thích môn Sử?” - Kỳ 1: 49% học sinh nói “không thích” giáo viên dạy sử 1

Thanh Niên Online khởi đăng loạt bài "Vì sao học sinh quay lưng với môn sử?" để phần nào lý giải được nguyên nhân tại sao học sinh Việt Nam lại ngán môn học có tác động không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách mỗi người này.

Kỳ 1: Không thích giáo viên dạy sử

Nhóm phóng viên Thanh Niên Online đã thực hiện một khảo sát bỏ túi dựa trên độc giả online, với 143 người tham gia khảo sát, đa số là học sinh cấp 2, 3 tại TP.HCM.

Học sử để làm gì?

Trịnh Mai Dung (lớp 11, quận Tân Bình, TP.HCM) kể rằng: “Em chỉ thích môn sử khi nào có giáo viên dạy hay. Hồi lớp 9, cô giáo em dạy rất hay. Năm nay, em học một thầy giáo chỉ đứng lên và đọc bài cho cả lớp chép. Tụi em có một quyển vở bài học, có để các chỗ trống để học sinh nghe giảng xong hiểu bài thế nào thì điền vào các chỗ trống ấy. Thầy giáo chỉ đứng lên bảng, ghi hết các chữ đó ra, rồi cho tụi em chép vào. Em học vậy chứ đâu có nhớ gì đâu. Đến lúc thi học kỳ thì cứ có bao nhiêu bài đề cương học thuộc hết thôi”.

Khảo sát bỏ túi “Bạn có thích môn Sử?” - Kỳ 1: 49% học sinh nói “không thích” giáo viên dạy sử 4
Nhiều học sinh ngán sử vì phải thuộc quá nhiều con số - Ảnh: Thanh Vạn

Cũng như Mai Dung, nhiều học sinh tham gia khảo sát hiểu rằng học lịch sử trong trường “để biết về những gì đã xảy ra trong quá khứ và lý do tại sao có hiện tại”, hoặc “ở nhà thì bạn cũng nên biết tổ tiên bà con dòng họ... sử cũng thế thôi, học để biết nguồn gốc của mình và của người khác”, hoặc “học để biết qua về lịch sử nước nhà, về truyền thống ông cha ta”. Các câu trả lời về lý do học sử còn có: “Cần biết thế giới đã hình thành như thế nào và đã trải qua nhưng sự kiện gì để đến được ngày hôm nay”...

Tuy nhiên, 60% các ý kiến được khảo sát lại cho rằng học lịch sử vì... “sở giáo dục bắt để thi” hoặc “để lấy điểm làm kiến thức xã hội”, hoặc “vì nó là môn học bắt buộc nên phải học thôi”. Có học sinh khi được hỏi còn "chất vấn" ngược lại: “Có phải để có điểm không ạ?”.

Nhiều lý do không thích học môn sử được các thành viên tham gia khảo sát đưa ra. 39% cho rằng không thích học sử vì phải nhớ quá nhiều các con số như ngày tháng, số sự kiện, số binh lính... Với lý do tương tự, 18% số người được hỏi cho rằng mình ngán môn sử vì phải học thuộc số lượng bài quá nhiều.

Khảo sát bỏ túi “Bạn có thích môn Sử?” - Kỳ 1: 49% học sinh nói “không thích” giáo viên dạy sử 2

Khảo sát bỏ túi “Bạn có thích môn Sử?” - Kỳ 1: 49% học sinh nói “không thích” giáo viên dạy sử 3
Kết quả của khảo sát được vẽ lại thành biểu đồ hình tròn

Khảo sát bỏ túi “Bạn có thích môn Sử?” - Kỳ 1: 49% học sinh nói “không thích” giáo viên dạy sử 5
Sau buổi thi tốt nghiệp sáng 2.6 ở một hội đồng thi tại TP.HCM - Ảnh: Thanh Vạn

Lối thoát nào cho môn sử?

 
Khảo sát bỏ túi được thực hiện trên 150 người, nhưng có 7 bản khảo sát không hợp lệ vì không trả lời đủ các câu hỏi, nên kết quả chỉ tính trên 143 người. Khảo sát được thực hiện trong thời gian từ 25-31.5. Khảo sát chỉ có tính tương đối sử dụng cho một bài báo, không phải một công trình khoa học.

Hôm 2.6, tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), chỉ có... 2 thí sinh dự thi môn sử.

Nhiều năm trước, người làm giáo dục lo lắng trước những bài thi đại học môn sử ngô nghê, những con điểm 0, 1, 2... xếp hàng nhau chạy dài trên bảng điểm. Có năm, số thí sinh thi khối C với điểm sử cực thấp làm rúng động cả nền giáo dục. Người ta tốn không biết bao nhiêu giấy mực để mổ xẻ nguyên nhân, tìm ra lỗi lầm, tìm ra thủ phạm để “minh oan cho môn sử”.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của những người đi học được khảo sát, chúng tôi bất ngờ khi phát hiện ra, ngay trong mỗi học sinh đều có sẵn thành kiến dành cho môn sử mà mình “rất chán”.

Tạ Minh Vương (lớp 9, quận 11) cho rằng: “Lẽ ra các bài học về các đợt đánh nhau, hành quân, các thầy cô có thể làm infographic hoặc slideshow giống mấy bạn làm clip trên mạng, em xem qua 1-2 lần là nhớ. Bài học toàn gạch đầu dòng, nêu số quân đổ bộ, số quân bị đánh bại, toàn là số, em phải chép ra cả chục lần mới nhớ”.

Có học sinh ở trường tư thục hiến kế “giảng bài kết hợp xem clip và đi ngoại khóa”, hoặc “có phim tư liệu và thầy cô càng kể chuyện nhiều càng hấp dẫn”.

Có bạn được khảo sát đã nêu một cách chi tiết về những mong muốn của mình với môn học: “Phim lấy bối cảnh lịch sử: không nhiều số liệu như sách giáo khoa và vẫn khơi gợi lòng yêu nước. Sách lịch sử: cho học sinh chọn một quyển sách lịch sử (khách quan) đọc rồi viết luận về quyển sách đó. Thuyết trình: lớp mình có thuyết trình giờ sử nhưng không hiệu quả lắm vì chỉ cầm sách chỉ bản đồ. Có thể copy một bài báo và phân tích điểm đúng sai của những bài viết đó chẳng hạn”.


Phạm Khánh Linh là thí sinh duy nhất dự thi môn lịch sử tại hội đồng thi THPT Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhu cầu về việc học môn sử, xét về mặt “thực dụng”, rõ ràng đang trở nên "đuối" hơn so với các môn học khác, bởi các ngành học xã hội trong một số năm gần đây khó tìm được việc làm và ít được xã hội trọng dụng, đi kèm theo đó là thu nhập thấp. Thậm chí nhiều sinh viên học các ngành có liên quan đến môn sử không biết làm việc gì khi ra trường.

Tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Nguyễn Thị Quỳnh Như (lớp 12) cho biết không thi môn sử mà thi môn lý vì chọn theo khối thi đại học là A1. Tương tự, Minh Hiền (lớp 12) cho biết thi đại học khối A1 nên không chọn thi môn sử. Vì không còn nằm trong các môn bắt buộc, đồng thời các ngành học “hot” được ưu ái lại ít liên quan đến khối C, môn sử cũng vì thế mà bị... “ra rìa”.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố “thực dụng” đó, qua khảo sát nhỏ này, người học rõ ràng có nhu cầu tìm hiểu thêm về lịch sử, cũng như hiểu và tôn trọng giá trị của môn học.

 

Thầy giáo Lê Quang Dũng dạy ở một trường quốc tế tại TP.HCM cho biết: “Với một số bài giảng, như về đại chiến Bạch Đằng, tôi thấy có một nhóm bạn trẻ làm clip minh họa post lên YouTube, tôi đã gặp nhóm bạn đó và xin phép được chiếu lại clip trong lớp mình cho các em xem. Trong giờ học về người Chăm, tôi mời đến lớp nhà nghiên cứu Inrasara cho các em gặp, nghe ông trò chuyện và sau đó có thể đặt nhiều câu hỏi mà các em thích về người Chăm”.

Song song với những than phiền về bài giảng chán, lượng kiến thức chủ yếu tập trung vào mô tả, học thuộc, bài giảng chỉ thuần túy liệt kê sự kiện, không có câu chuyện hấp dẫn, không có sự thú vị của một cuộc “phiêu lưu” vào thế giới của ngày đã qua; một nguyên nhân quan trọng khác là có đến 49% số người được hỏi nói rằng mình không thích học vì thầy/cô giáo dạy sử của mình.

Hoàng Thanh Tài (Bình Thạnh) mô tả giờ học sử của mình: “Cô giáo em đọc tóm tắt những ý đã có sẵn trong sách giáo khoa, tụi em chép lại, hoặc nếu không chép thì cứ làm việc khác về nhà mượn vở bạn chép lại cũng không sao. Miễn sao đến cuối kỳ có chép đủ bài, học thuộc và viết ra khi thi học kỳ. Sau đó thì em chẳng nhớ gì hết nữa”. Tài cho rằng: “Nếu chỉ cần đọc trong sách thì em cũng đọc được ở nhà, nên em không chú ý lắm đến bài giảng”.

Tại một số trường có điều kiện vật chất, như các trường quốc tế, tư thục, khi tham gia khảo sát, các học sinh này cho biết, một số thầy cô cho các em đóng kịch theo bài học, cho về nhà tự chọn sách đọc, thuyết trình để thuyết phục cả lớp, xem clip, xem phim tài liệu ngắn. Việc giảm đi hàm lượng đọc - chép cũng khiến cho nhiều học sinh cảm thấy bớt gánh nặng khi bước vào giờ học.

Số lượng thí sinh khi được tự do chọn lựa đã “quay lưng” với môn sử không phải là biểu hiện cho thấy các học sinh giờ rất ghét môn học này, hoặc thực dụng đến nỗi quyết tâm chọn môn nào khi ra trường kiếm nhiều tiền. Nguyên nhân sâu xa hơn có lẽ bắt nguồn từ chính những giáo trình mà các học sinh đang phải “cày” như bị ám ảnh, học thuộc hết các con số, các sự kiện, đi thi chép hết ra, chép sai bị trừ điểm...

Hoặc tệ hơn, các học sinh ngán ngẩm môn sử vì chính những giáo viên dạy sử đã không còn đam mê và truyền cảm hứng trong môn học này nữa. 49% học sinh trong một cuộc khảo sát không thích học với giáo viên dạy sử của mình là một con số đáng suy ngẫm.

19 người "phục vụ" cho 1 thí sinh "dũng cảm" thi sử

Trong khi môn vật lý có đông đảo thí sinh thì ở ca thi môn lịch sử ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online ở các địa phương cho thấy nhiều hội đồng thi chỉ có một vài thí sinh trong ngày 2.6. 

Hôm 2.6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT dẫn đầu đoàn kiểm tra thi ở tỉnh Hưng Yên cho biết trong số 3 hội đồng mà đoàn công tác đến thì có hai hội đồng là THPT Trưng Vương (huyện Văn Lâm) và THPT Mỹ Hào (huyện Mỹ Hào) đều không có thí sinh thi môn sử.

Theo ông Nguyễn Văn Phê, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, tỉnh này có tới 15/36 hội đồng thi không có thí sinh thi sử. Hội đồng thi THPT Hồng Đức (huyện Mỹ Hào) chỉ có 1 thí sinh thi sử. Một số hội đồng khác cũng chỉ có vài ba thí sinh.

Tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) trong giờ thi môn sử hôm 2.6 chỉ có 2 thí sinh dự thi.

Chiều 2.6, tại hội đồng thi THPT Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội), Phạm Khánh Linh là thí sinh duy nhất dự thi môn lịch sử. Dù chỉ có 1 thí sinh dự thi nhưng hội đồng thi này vẫn bố trí 19 người phục vụ buổi thi môn sử, bao gồm lãnh đạo hội đồng, cán bộ an ninh, bảo vệ, thanh tra, giám thị… Lãnh đạo Trường THPT Quang Trung cũng đánh giá đây là học sinh rất “dũng cảm” khi kiên quyết chọn môn sử trong khi 7 - 8 thí sinh chọn môn này từ đầu sau đó đã xin thay đổi.

Nằm sâu trong rừng Nam Cát Tiên, Trường THPT Đắk Lua (huyện Tân Phú, Đồng Nai) được xem là hội đồng thi xa xôi và hẻo lánh nhất tỉnh, đồng thời cũng là trường có thí sinh ít nhất, chỉ với 80 người và không thí sinh nào chọn thi môn ngoại ngữ và lịch sử.

Ông Đặng Trọng Giang, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Lâm Đồng, cho biết toàn tỉnh có 48 hội đồng coi thi nhưng môn thi lịch sử chỉ có ở 3 hội đồng.

Tại Đà Nẵng, hội đồng thi Trường  Nguyễn Lương Bằng và Lý Thường Kiệt chỉ có 3 thí sinh dự thi môn lịch sử.


Đón xem Kỳ 2: Một phút nói thật về môn Sử

Khải Đơn - Lê Cầm - Thanh Vạn

>> Cách ôn để lấy điểm cao môn sử, địa
>> Học sinh chê môn Sử
>> Cần đưa vào môn sử những sự kiện có trong thực tế
>> Sau môn sử sẽ là môn gì?
>> Hiếm học sinh chọn thi môn sử
>> Gợi ý giải đề thi môn sử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.