Ngày 6.8, ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn ngành Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, đơn vị này vừa có công văn gửi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH để tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19.
Theo ông Phương, hiện nay, Tổng công ty ĐSVN đã dừng toàn bộ các đoàn tàu vận chuyển hành khách trên hệ thống đường sắt quốc gia. Doanh thu luỹ kế 7 tháng năm nay bằng 73,1% so với cùng kỳ và chỉ bằng 49,6 so với 7 tháng năm 2019.
Với tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, dự kiến hết năm 2021, Tổng công ty ĐSVN tiếp tục lỗ 1.036 tỉ đồng, đặc biệt số người lao động (NLĐ) phải tạm ngừng việc và nghỉ việc không hưởng lương lên tới trên 5.500 người. Trước đó, dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, Tổng công ty ĐSVN cũng đã lỗ 1.324 tỉ đồng.
Ông Phương cho hay, Tổng công ty ĐSVN đang tập hợp hồ sơ xin vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đồng thời cùng tổ chức công đoàn, NLĐ phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ việc do phải cách ly y tế… làm thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, gặp một số vướng mắc.
Chủ tịch Công đoàn ngành ĐSVN chia sẻ: “Do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại nên Cục thuế Hà Nội chưa tiến hành việc quyết toán thuế năm 2020 đối với Tổng công ty ĐSVN. Vì vậy, Tổng công ty ĐSVN không thể đáp ứng ngay được điều kiện “đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn” để người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh”.
Bên cạnh đó, về điều kiện “phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19” để NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo theo Quyết định số 23 cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp.
Thực tế, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát các địa phương phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, không cho phép các đoàn tàu đón trả khách tại các ga dọc tuyến đường sắt. Do đó, Tổng công ty ĐSVN phải dừng tất cả các đoàn tàu khách trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia mà không có bất cứ quyết định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc dừng hoạt động đối với doanh nghiệp.
“Việc dừng các đoàn tàu khách kéo theo hơn 5.500 người lao động của ngành không có việc làm, phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Đời sống của NLĐ vô cùng khó khăn nhưng vẫn không tiếp cận được với chính sách hỗ trợ”, ông Phương nói.
Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, Công đoàn ĐSVN đã gửi văn bản đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Chính phủ cho phép NLĐ ngành đường sắt phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (do ảnh hưởng đại dịch Covid-19) được xem như là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 để được hưởng chính sách hỗ trợ Covid-19, tương tự các doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ” phải dừng hoạt động.
Bên cạnh đó, Công đoàn ngành ĐSVN đề nghị sửa đổi điều kiện cho vay vốn theo hướng doanh nghiệp có báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán tại thời điểm thì được vay vốn.
Để giảm thiểu tác động, Tổng công ty ĐSVN đang tính toán cắt giảm các khoản mục chi phí, rà soát, đánh giá, sắp xếp lại lực lượng lao động trên cơ sở tình hình sản xuất kinh doanh thực tế. Đồng thời, thực hiện điều hành hoạt động kinh doanh trong toàn Tổng công ty ĐSVN linh hoạt để tổ chức chạy lại các đoàn tàu ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.
Bình luận (0)