Vì sao iPhone 6 GB RAM vẫn mượt hơn nhiều điện thoại Android RAM khủng?

Hiển Đạt
Hiển Đạt
29/12/2021 14:34 GMT+7

Mặc cho các điện thoại Android "chạy đua" dung lượng RAM - có thiết bị lên tới 18 GB, Apple vẫn trang bị 6 GB RAM cho iPhone 13 Pro/Pro Max. Thế nhưng, hai dòng thiết bị này có hiệu suất thuộc top đầu thị trường hiện nay.

Vậy đâu là những nguyên nhân để các mẫu flagship của Apple tạo nên sự khác biệt, luôn dẫn đầu về hiệu suất trên thị trường di động thông minh với cấu hình RAM khiêm tốn?

Các hãng Android đang "đua" đến 20 GB RAM, Apple vẫn "thong thả" 6 GB RAM

chụp màn hình

Được ra mắt gần đây, ZTE Axon 30 Ultra Space Edition nhận được nhiều sự quan tâm đến từ giới công nghệ vì chiếc điện thoại Android này được trang bị đến tận 18 GB RAM và 1 TB bộ nhớ trong. Đồng nghĩa các hãng Android đã và đang đua nhau đến "vạch" 20 GB RAM trong một ngày không xa.

Đứng ngoài cuộc đua này, các mẫu iPhone lại có sự nâng cấp khiêm tốn: dung lượng RAM 4 GB trên dòng iPhone 11 (2019) vẫn được giữ nguyên trên hai mẫu vừa ra mắt trong năm nay (2021) là iPhone 13 và iPhone 13 mini; hai dòng flagship là iPhone 13 Pro/Pro Max được "ưu ái" hơn một ít với RAM 6 GB.

Không phải là tất cả, thế nhưng RAM vẫn quyết định một phần hiệu suất. Tuy nhiên, để đảm bảo các hoạt động trên thiết bị được diễn ra trơn tru thì cơ chế quản lý RAM trên hệ điều hành iOS chính là điều cốt lõi tạo nên sự khác biệt, với ba nguyên lý: tiết kiệm, bảo mật nghiêm ngặt và cơ chế nhận thông báo thông minh.

Tiết kiệm là vàng

RAM (random access memory) là một loại bộ nhớ khả biến cho phép truy xuất đọc - ghi ngẫu nhiên đến bất kỳ vị trí nào trong bộ nhớ dựa theo địa chỉ bộ nhớ, hay nói cách khác thì RAM chỉ là một bộ nhớ tạm thời.

Do đó, để bù lại cho dung lượng RAM có phần khiêm tốn thì Apple phát triển cơ chế quản lý "nền ảo". Với cơ chế thông minh này, các ứng dụng khi hoạt động nền sẽ bị giới hạn, hoặc thậm chí là bị suy xét "dọn chỗ" cho các tác vụ khác.

Trong khi đó, Android lại sử dụng cơ chế quản lý "nền thực". Điều này giúp trải nghiệm đa nhiệm (nhiều ứng dụng chạy song song) tốt hơn, thế nhưng cơ chế này "đốt" một lượng RAM rất lớn và phần nào đó ảnh hưởng đến hiệu suất chung của thiết bị.

Cơ chế bảo mật của iOS

Bên cạnh bảo vệ người dùng, cơ chế bảo mật trên iOS còn giúp tiết kiệm RAM đáng kể

HIỂN ĐẠT

iOS vốn nổi tiếng với cơ chế bảo mật gắt gao hơn nhiều so với Android. Chính vì đó, các ứng dụng trên App Store sẽ cần phải trải qua quá trình kiểm định của Apple trước khi lên kệ và luôn cần sự đồng ý của người dùng trước khi sử dụng bất kỳ một quyền can thiệp nào vào hệ thống.

Sự hoạt động độc lập, phân quyền cao này không những đảm bảo an toàn ở mức tối đa cho người dùng, mà còn giảm tải cho RAM khi iOS tự ngắt các ứng dụng và tiến trình ngay khi thoát khỏi ứng dụng, tiến trình đó.

Cơ chế nhận thông báo "một cửa"

Apple thiết kế riêng một cơ chế nhận thông báo hoàn toàn khác cho iPhone.

Cụ thể, cơ chế "một cửa" này không cho phép các nhà cung cấp dịch vụ gửi thẳng thông báo đến người dùng (theo mô thức peer-to-peer) như trên Android, mà thay vào đó thông báo phải được gửi trước qua máy chủ trung gian của Apple và việc gửi thông báo đi/đến iPhone sẽ hoàn toàn do server này đảm nhiệm.

Cơ chế gửi/nhận thông báo của Apple trên iPhone (và cả iPad, Mac…)

APPLE DEVELOPER

Trên thực tế, cơ chế này giúp người dùng có thể nhận được thông báo mà không cần phải khởi chạy ứng dụng tương ứng trên iPhone, đồng thời tiết kiệm được nhiều dung lượng RAM hệ thống cần sử dụng.

Như vậy, có thể kết luận rằng iOS chính là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt lớn nhất của các thiết bị iPhone khi so sánh với các mẫu máy Android được trang bị dung lượng RAM khủng hơn nhiều.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.