Vì sao khách du lịch Mũi Né chỉ 'sáng đi chiều về'?

Quế Hà
Quế Hà
02/04/2024 18:57 GMT+7

Khách quốc tế ít, chi tiêu ít, lưu trú ít là những vấn đề được các đại biểu tham dự hội nghị tổng kết năm du lịch 2023 và đề ra nhiều giải pháp cho năm 2024 do Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức ngày 2.4 đặt ra.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Bình Thuận, trong năm 2023, ngành du lịch đón trên 8,35 triệu lượt khách (có 240.000 lượt khách quốc tế) và doanh thu trên 23.000 tỉ đồng. Kết quả này nhờ hiệu ứng của năm Du lịch quốc gia 2023 và sự vận hành của 2 tuyến cao tốc, góp phần rút ngắn thời gian cho du khách từ TP.HCM đến Mũi Né từ 5 giờ, xuống còn chưa đầy 3 giờ.

Vì sao khách du lịch Mũi Né chỉ 'sáng đi chiều về'?- Ảnh 1.

Du khách quốc tế xông đất Mũi Né ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn

QUẾ HÀ

Khách quốc tế chỉ chiếm 1,7% là quá ít

Theo ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, hiện nay tỷ lệ bê tông hóa ở Mũi Né rất lớn. Mặt khác, vấn đề rác thải, mỹ quan đô thị, các khu vực ăn uống hải sản đang "nhếch nhác" không theo quy hoạch, gây phiền toái cho du khách. Nếu không có những chấn chỉnh kịp thời sẽ làm mất vẻ đẹp của "vùng lõi" Khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Còn theo ông Lê Ngọc Hà (đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận), trong năm qua, dù Bình Thuận đón 8,35 triệu lượt khách, nhưng chỉ có  240.000 lượt khách quốc tế, thì vẫn còn quá thấp, "một con số đáng suy nghĩ". Ông Hà phân tích: "Trong năm qua có 14 triệu lượt khách hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có tới 13 triệu khách đến từ khu vực châu Á. Di chuyển từ sân bay đến Mũi Né chỉ hơn 2 giờ, nhưng lượng khách quốc tế đến Bình Thuận chỉ chiếm 1,7% là quá ít".

Ông Hà cho rằng, nguyên nhân một phần là do công tác quảng bá, truyền thông của ngành du lịch Bình Thuận còn yếu. "Cần phải có trang quảng bá bằng tiếng Anh về du lịch Mũi Né - Bình Thuận", ông kiến nghị.

Vì sao khách du lịch Mũi Né chỉ 'sáng đi chiều về'?- Ảnh 2.

Du khách xem đua thuyền bên tháp nước bờ sông Cà Ty, TP.Phan Thiết

QUẾ HÀ

Trong khi đó, với 8,35 triệu lượt khách mà doanh thu của ngành du lịch Bình Thuận trong năm qua chỉ đạt 23.000 tỉ đồng, cho thấy khách đến Mũi Né "chi tiêu rất ít", chủ yếu từ TP.HCM ra theo dạng "sáng đi chiều về" hay "đại gia thì sáng ra đánh golf chiều về lại Sài Gòn" thì lấy đâu có thu nhập là bởi vì họ ít lưu trú qua đêm.

Trước đây, khi chưa có cao tốc, khách đến Mũi Né còn ngủ lại ít nhất 1 đêm. Nay lượng khách "sáng ra chiều về" do lợi thế của cao tốc, khiến doanh thu của ngành du lịch giảm đi. "Nếu không có những sản phẩm du lịch khác biệt, dịch vụ tốt thì lợi thế của cao tốc có khi trở thành bất lợi cho ngành du lịch tỉnh vì khách có thể bỏ qua Bình Thuận để đi tiếp đến tỉnh khác", một chuyên gia tại hội nghị phân tích.

Vì sao khách du lịch Mũi Né chỉ 'sáng đi chiều về'?- Ảnh 3.

Nghệ sĩ biểu diễn trong lễ bế mạc Năm du lịch quốc gia, đêm 26.12.2023

QUẾ HÀ

"Đi chợ Sài Gòn, ngắm hoa Đà Lạt và tắm biển Mũi Né"

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh, du lịch là một trong "3 trụ cột" mà nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đề ra. Ông Dũng ghi nhận và biểu dương những người làm du lịch đã nỗ lực làm nên thành công của Năm du lịch quốc gia 2023, đóng góp rất lớn vào GRDP của tỉnh.

Tuy nhiên, ông Dũng lưu ý du lịch Bình Thuận vẫn chưa tạo được sự khác biệt, còn manh mún, tự phát và chưa tương xứng với tiềm năng một khu du lịch quốc gia.

"Tiềm năng du lịch biển của Bình Thuận không thua kém các tỉnh khác. Chúng ta có bờ biển dài tới 192 km, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhưng ngành du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng", ông Dũng nói.

Vì sao khách du lịch Mũi Né chỉ 'sáng đi chiều về'?- Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng phát biểu tại hội nghị của ngành du lịch, sáng 2.4.2024

QUẾ HÀ

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, ngành du lịch cần đa dạng hơn nữa các sản phẩm, đặc biệt là phải tạo nhiều điểm vui chơi, mua sắm, phố đi bộ cho du khách. Ông Dũng cho biết hiện tỉnh đã phê duyệt khu kinh tế đêm ở TP.Phan Thiết.

"Chúng ta phải phát huy thế mạnh khu tam giác du lịch là TP.HCM, Đà Lạt và Mũi Né theo câu slogan "đi chợ Sài Gòn, ngắm hoa Đà Lạt và tắm biển Mũi Né" - ông Dũng chia sẻ.

Đối với điểm đến du lịch Phú Quý, Chủ tịch Bình Thuận lưu ý hiện đang vào mùa khách đến với đảo. Tuy nhiên, đảo chỉ khoảng 17 km2, nhưng dân trên đảo đã gần 30.000 người; trong khi nguồn nước ngọt khan hiếm, thiếu điện và du khách đến đảo quá đông đang làm cho vấn đề môi trường trên đảo quá tải. Ngành du lịch kết hợp chính quyền địa phương cần nghiên cứu sao cho du lịch trên đảo phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Ông Đoàn Anh Dũng thông tin thêm, năm 2024 là năm cải cách thủ tục hành chính. Do vậy, cần có thêm nhiều cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo sở ngành tỉnh, thành phố với cộng đồng DN làm du lịch để tháo gỡ những vướng mắc, nhằm phát triển du lịch tốt hơn nữa. Ông cũng cho biết, đường mới Hàm Kiệm - Tiến Thành (kết nối với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết) sẽ khánh thành dịp 30.4; sân bay Phan Thiết hiện đã xong đường băng dài 3.050m, dự kiến khai thác giữa năm 2025, cộng với việc khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, sẽ là điều kiện tốt nhất để đưa du lịch Bình Thuận cất cánh hơn nữa.

Cũng tại cuộc họp, sau khi nghe một doanh nghiệp lữ hành phản ánh, khi đưa khách đến Suối Tiên - Mũi Né tham quan thì bị phản ứng gay gắt vì nơi đây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết cho kiểm tra ngay. Nếu đúng phải xử lý, không để tái diễn cảnh này. Đồng thời ông Minh cũng yêu cầu chấn chỉnh việc tự phát đưa khách bằng xe jeep đến Khu du lịch Bàu Trắng, không để mất an toàn cho du khách và tránh để xảy ra tình trạng chặt chém.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.