Vì sao 'khách sộp' đến Việt Nam không chịu mở hầu bao?

28/07/2023 06:34 GMT+7

Nổi tiếng thế giới về độ "phóng tay" khi đi du lịch nước ngoài nhưng gần 20 năm qua, Trung Quốc luôn nằm top những thị trường khách chi tiêu ít nhất tại Việt Nam.

Nghịch lý khách đến nhiều, chi tiêu ít vẫn là nút thắt mà ngành du lịch VN gỡ mãi chưa ra.

Vì sao 'khách sộp' đến Việt Nam không chịu mở hầu bao? - Ảnh 1.

Khách quốc tế đến VN chủ yếu chỉ ra chợ truyền thống ăn và mua những món đồ lưu niệm lặt vặt

NHẬT THỊNH


Top thị trường đông nhất "đội sổ" chi tiêu

Theo Niên giám thống kê 2022, chi tiêu bình quân một lượt khách quốc tế đến VN đã tăng nhẹ từ mức 1.141,5 USD năm 2017 lên 1.151,7 USD năm 2019.

Trong đó, chi tiêu bình quân tính trên một lượt khách dẫn đầu là Philippines với 2.257,8 USD/người; tiếp theo có Bỉ 1.995,3 USD; Mỹ 1.709,7 USD; Úc 1.416,5 USD; Đan Mạch 1.383,5 USD… Đáng chú ý, đứng đội sổ trong danh sách lại là những thị trường đóng góp lượng khách lớn nhất cho chúng ta. Điển hình, thị trường đang được các công ty du lịch đánh giá kỳ vọng nhất mùa cuối năm nay là Nhật Bản chỉ đạt mức chi tiêu bình quân trên đầu người là 972,5 USD; Malaysia 900,7 USD; Trung Quốc 884,3 USD; Thái Lan 846,6 USD; Hàn Quốc 838,4 USD; Campuchia 734,9 USD. Trong đó, khách Lào có chi tiêu bình quân thấp nhất của thống kê với chỉ 343,5 USD/người.

Sự góp mặt của Trung Quốc trong top thị trường chi tiêu ít nhất khi đến VN khiến không ít người bất ngờ. Bởi từ trước đến nay, khách Trung Quốc luôn được mệnh danh là "con gà đẻ trứng vàng" của các quốc gia du lịch, không chỉ nhờ số lượng mà mức độ chi tiêu, mua sắm rất lớn.

Anh Thanh Tùng, một hướng dẫn viên tại thị trường Nhật Bản, dùng từ "kinh hoàng" để diễn tả hình ảnh một đoàn khách Trung Quốc khi tới Ginza - khu mua sắm giàu có bậc nhất ở Tokyo. Anh kể: "Xe vừa dừng là họ tỏa đi khắp nơi. Lịch trình tour chỉ dừng ở đây 2,5 tiếng, nhưng họ xin đổi hành trình, dành 5 tiếng đồng hồ ở khu mua sắm này. Dior, Gucci, Balenciaga… họ đều mua. Không một thương hiệu xa xỉ nào mà họ bỏ qua. Họ vào khu vực hàng hiệu xa xỉ mà "vét" hàng, 2 tay, mỗi tay đầy túi to, túi nhỏ. Khi đến khu factory outlet ở gần Fukushima, họ cũng rào rào càn quét, lúc về ai cũng đăng ký đóng thêm mấy thùng đồ. Mình chỉ nhìn hộp đựng thôi đã muốn choáng rồi, chưa nói đến tính nhẩm "tổng thiệt hại".

Các nghiên cứu, thống kê về du lịch thế giới cũng chỉ ra rằng khách Trung Quốc có xu hướng chi tiêu mạnh tay cho kỳ nghỉ hơn bất cứ thị trường nào. Số liệu công bố của Statista cho thấy năm 2016, khách Trung chiếm 21% chi tiêu du lịch toàn thế giới, với 261 tỉ USD. Năm 2019, con số đó là 292,8 tỉ USD, đứng đầu bảng xếp hạng khách quốc tế chi tiêu nhiều nhất thế giới, xếp trên Mỹ (182,3 tỉ USD) và Đức (99,8 tỉ USD). Thế nhưng, theo thống kê từ năm 2004 của Tổng cục Du lịch VN, khách Trung Quốc có mức chi thấp nhất với 517,6 USD. Gần 2 thập kỷ trôi qua, dù Trung Quốc đã vươn lên chiếm tới gần 50% khách quốc tế đến VN nhưng mức chi tiêu vẫn lẹt đẹt ở nhóm cuối bảng.

Tương tự, khách Malaysia, Thái Lan khi đi du lịch tới Nhật, Anh, Mỹ chi hàng trăm triệu đồng mua hàng hiệu, vài chục triệu chỉ để mua quà lưu niệm trong những khu mua sắm bình dân. Vậy mà khi tới VN lại khá chắc tay.

Trong tổng cơ cấu chi tiêu của du khách tại VN, tiền thuê phòng chiếm nhiều nhất nhưng cũng có xu hướng giảm, từ mức thuê 360,3 USD năm 2017 (chiếm 31,6% trong tổng chi tiêu) giảm xuống mức 347,2 USD (30,1%).

Kế đến là ăn uống, chiếm 21,9% (khoảng 251,9 USD), đi lại tại VN 16% (khoảng 184,6 USD), tham quan 9% (103,2 USD). Chi phí dành cho y tế là 13,1 USD (1,1%) và các chi phí khác chiếm 9,5% (109,0 USD) trong tổng chi tiêu bình quân khi du khách du lịch ở VN. Du khách chi một mức khoảng 142,7 USD (12,4%) để mua sắm.

So với số liệu điều tra của Tổng cục Du lịch (giờ là Cục Du lịch quốc gia) hồi 2014, mức chi tiêu cho mua sắm của du khách giảm mạnh gần 6% (năm 2014, mua sắm chiếm 18,34%). Như vậy, dù trước dịch là thời kỳ hoàng kim của du lịch VN, song, chi tiêu của du khách vẫn có xu hướng giảm.

Khách Trung Quốc đến Việt Nam chưa nhiều

Mất mặt trận mua sắm

Nhìn Trung Quốc đứng cuối bảng chi tiêu của du khách khi đến VN, "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), tiếc nuối: "Đây là thị trường khách chi tiêu số 1 thế giới. Họ rất thích hàng hiệu và chi tiêu không cần suy nghĩ. Đến VN họ chi tiêu ít vì không có gì đặc biệt cho họ mua".

Phân tích kỹ hơn về hệ thống sản phẩm nghèo nàn của VN, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói: Cả về hàng địa phương lẫn hàng hiệu, VN đều chưa có sản phẩm tốt. Khách đến Nhật muốn mua hàng nội địa Nhật, sang Thái Lan muốn tìm mua đồ Thái, tới Hàn Quốc là "lao" đến các khu mua sắm đồ nội địa Hàn, nhưng hầu như không ai tới VN tìm mua đồ Việt. Tại các điểm tham quan, khu chợ đêm, khu phố đi bộ chỉ bày bán lẻ tẻ những món đồ tạp nham, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc. Các mặt hàng lưu niệm tại địa phương cũng chưa được chú trọng đầu tư, hàng hóa nội địa không được cam kết chất lượng, không có những địa điểm mua sắm phù hợp để du khách tiêu tiền. Trong khi đó, "trận địa" hàng hiệu gần như bỏ trống khi chưa có chính sách để phát triển các khu factory outlet, cửa hàng miễn thuế dưới phố…

Dẫn chứng khu cửa hàng miễn thuế Lotte Duty Free tại trung tâm TP.Đà Nẵng vừa khai trương chưa đầy 1 năm đã trở thành "thỏi nam châm" hút khách Hàn Quốc với những đoàn khách lớn từ hàng trăm chuyến charter, "vua hàng hiệu" khẳng định một sản phẩm du lịch mua sắm hấp dẫn sẽ là "chìa khóa" để hút khách quốc tế đến tiêu tiền tại VN.

Nếu xét về tài nguyên và tốc độ tăng trưởng, VN tương đương Thái Lan. Tuy nhiên, về lượng khách, chúng ta mới chỉ bằng 50% và mức chi tiêu của khách quốc tế thì chỉ bằng 40%. Nguyên nhân, Thái Lan tập trung cải thiện về các loại hình dịch vụ, sản phẩm, nâng cao các trải nghiệm cho du khách. Du lịch mua sắm của Thái Lan có đầy đủ các mô hình, từ trung tâm thương mại trung cấp, cao cấp tại các trung tâm TP, trung tâm thương mại factory outlet hàng hiệu bán hàng qua mùa, tới cửa hàng miễn thuế dưới phố, mô hình ẩm thực đường phố cùng nhiều hoạt động bán lẻ đặc biệt khác như chợ vải, chợ thời trang…

Du lịch mua sắm Thái Lan góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28,2% trong năm 2020. Singapore hay Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đều đang làm rất tốt lĩnh vực này.

"Mặc dù VN có nhiều tiềm năng tăng trưởng về số lượng, nhưng về chất lượng và dịch vụ cần được xem xét một cách nghiêm túc. Nếu chỉ tăng về số lượng mà khách chi tiêu ít, chất lượng không cải thiện thì đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế không thể tương xứng", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch VN (TAB), cũng cho rằng du lịch mua sắm đang là một khoảng trống quá lãng phí của du lịch VN. Trong đó, hệ thống factory outlet, cửa hàng miễn thuế dưới phố là điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với cả khách du lịch quốc tế và nội địa. Singapore là điển hình cho thấy một nền công nghiệp du lịch mua sắm lợi hại như thế nào. Không chỉ hút một lượng khách "khủng" quanh năm mà còn mang về doanh thu rất lớn.

Nên có chính sách miễn thuế riêng cho du khách

Tổng mức thuế đang áp vào các mặt hàng cao cấp lên tới 40%. Dù các doanh nghiệp như IPPG đàm phán được với các nhà cung cấp để đạt được mức giá nhập hàng bằng giá tại Pháp hay tại Singapore nhưng áp thêm thuế vào, giá bán cũng cao hơn 40%. Cần có chính sách miễn thuế riêng cho du khách để tăng chi tiêu của họ. Bài học của Singapore, Thái Lan hay đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã chứng minh: chính sách miễn thuế không những mang lại hiệu quả về kinh tế xã hội, thu hút đầu tư mà việc du khách nội địa được mua sắm miễn thuế tại các khu thương mại tự do hoặc phi thuế quan… còn giữ lại được ngoại tệ trong nước, hạn chế dòng chảy ngoại tệ ra nước ngoài. 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.