Vì sao không ai lo khi đồng tiền thể hiện tệ nhất châu Á sụt giá?

15/08/2017 14:38 GMT+7

Nội tệ Philippines vừa chạm đáy 11 năm hôm nay 15.8 và nước này lần đầu thâm hụt thương mại trong 19 tháng qua. Dù vậy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines Nestor Espenilla không quá lo lắng.

Theo CNBC, dù đồng peso Philippines vừa về mức thấp nhất trong 11 năm qua, giới hoạch định chính sách quốc gia Đông Nam Á cho rằng đây là tin tốt. Thống đốc Nestor Espenilla của Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP) hay Ngân hàng Trung ương nước này cho hay ông không lo về cả chuyện thâm hụt thương mại, tiền tệ rớt giá hay dự báo tiền tệ có thể tiếp tục hạ giá trong tương lai.
Peso là đồng tiền thể hiện tệ nhất châu Á trong năm nay, USD tăng giá khoảng 3,7% so với peso. Trong khi đó, nhiều nội tệ khác nhìn chung tăng giá so với đồng bạc xanh. Hôm nay 15.8, 1 USD đổi được 51,159 peso. Giới phân tích cho rằng lý do của việc này là tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai của đất nước. Sự khác biệt trong số liệu xuất khẩu và nhập khẩu thường được xoay sở bằng nợ.
“Philippines là một thị trường đang phát triển và phát triển khá nhanh. Chuyện một thị trường như vậy có thâm hụt tài khoản vãng lai là bình thường. Điều quan trọng là chất lượng của thâm hụt. Nếu bạn nhìn sâu vào số liệu, hàng hóa nhập khẩu chính là lý do cho thâm hụt. Điều này sẽ tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế”, ông Espenilla cho hay. Thống đốc BSP nói thêm rằng thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ không tăng lên hơn 1% GDP.
“Hiện nay, Philippines có khả năng tiếp cận thị trường tốt, nợ nước ngoài thấp. Vì thế, thâm hụt tài khoản vãng lai là điều mà nền kinh tế có thể sẵn sàng để xoay sở về mặt tài chính”, ông Espenilla nói.
Thống đốc BSP cũng không quá lo lắng về việc peso giảm giá có thể kéo cao giá cả nội địa vì dự báo của giới chức là lạm phát sẽ tiếp tục ở ngưỡng cao hơn 3% một chút trong thời gian tới. “Vì chúng tôi có độ tin cậy khá cao trong mục tiêu lạm phát, những ảnh hưởng của tỷ giá giảm lên lạm phát trở nên rất thấp”, ông Espenilla cho hay.
Dù vậy, giới phân tích vẫn lo lắng về peso. Hôm 15.8, các nhà kinh tế tại ngân hàng ANZ cho hay lượng kiều hối trong quý 4/2016 của người lao động Philippines ở nước ngoài và vốn đổ vào ngành gia công phần mềm của nước này đang dần ngừng bù đắp thâm hụt thương mại của Philippines. ANZ cũng ghi nhận mức tăng trong nhập khẩu. Song nhìn chung, nền kinh tế Philippines vẫn thể hiện tốt. Capital Economics ước tính nước này tăng trưởng khoảng 6,5% trong quý 2/2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.