Báo chí hoang mang vì thuế:

Vì sao không được hạch toán chi phí lương thực tế ?

23/08/2023 06:32 GMT+7

Cơ quan báo chí vừa là đối tượng áp dụng của luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, luật Thuế giá trị gia tăng nhưng vừa phải theo quy định của đơn vị sự nghiệp công lập, nên vấp phải hàng loạt khó khăn, vướng mắc.

Chỉ được tính lương theo đơn vị hành chính sự nghiệp ?

Theo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), các cơ quan báo chí cũng là đối tượng được quy định cụ thể về mức thuế suất thuế TNDN. Nhưng đồng thời báo chí cũng bị áp dụng theo một số quy định của đơn vị sự nghiệp công lập trong việc xác định các chi phí hoạt động. Cụ thể, Nghị định 60/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, quy định về việc phân phối kết quả tài chính trong năm. Theo đó, chi phí tiền lương tăng thêm (thu nhập theo năng suất) sẽ được chi trả sau khi nộp thuế TNDN. Có nghĩa là các báo chỉ được chi trả lương theo hệ số nhà nước một lần vào chi phí hợp lý của hoạt động; phần chênh lệch thực tế trả cao hơn phải lấy từ thu nhập sau thuế TNDN.

Vì sao không được hạch toán chi phí lương thực tế ? - Ảnh 1.

Báo chí nộp thuế theo luật Thuế TNDN nhưng lại bị khống chế chi phí như đối với đơn vị sự nghiệp công lập

NGỌC DƯƠNG

Trong khi trước đó, báo chí được hướng dẫn thực hiện theo Thông tư 150/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế TNDN cho phép tiền lương được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của báo là số tiền lương thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp. Kế toán trưởng một đơn vị báo chí phân tích: Lâu nay nhờ vận dụng Thông tư 150/2010 mà báo mới đảm bảo được nguồn thu nhập ổn định cho cán bộ, phóng viên. 

Việc Bộ Tài chính bãi bỏ toàn bộ Thông tư 150/2010 khiến cơ quan báo chí đang lúng túng không biết thực hiện như thế nào. Một số tờ báo tự chủ về mặt tài chính, kinh doanh và nộp thuế như doanh nghiệp (DN), nhưng vẫn nằm chung trong nhóm các đơn vị hành chính sự nghiệp và bị chi phối bởi các quy định thuộc nhóm này. Chi phí tiền lương của báo chí nếu áp dụng theo Nghị định 60/2021 dẫn đến thu nhập trước thuế của các đơn vị báo chí tăng và phải nộp thuế TNDN nhiều hơn so với các DN khác có doanh thu tương đương. 

Trong khi các DN vẫn được khấu trừ hết toàn bộ tiền lương thực trả vào chi phí hằng năm trước khi nộp thuế. Đây là bất cập lớn nhất đối với cơ quan báo chí trên cả nước, đặc biệt trong tình hình kinh tế báo chí cũng đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, doanh thu lao dốc. Nếu chỉ được phép tính lương theo hệ số như đơn vị sự nghiệp công lập mà không được trả thêm thu nhập theo năng suất thì thu nhập của toàn bộ người lao động sẽ giảm mạnh, hàng trăm ngàn gia đình của các cơ quan báo chí sẽ vất vả để đảm bảo đời sống hiện nay. Do đó, vị này kiến nghị cần sớm có thông tư hướng dẫn chi phí tiền lương và kế thừa quy định này khi Thông tư 150/2010 đã bị bãi bỏ.

Nên hỗ trợ báo chí phát triển

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Tổng cục Thuế cho biết căn cứ pháp lý ban hành Thông tư 150/2010 không còn phù hợp, đó là luật Thuế GTGT và luật Thuế TNDN năm 2008 đã được sửa đổi vào năm 2013. Sau khi bãi bỏ thông tư này thì các quy định sẽ thực hiện theo những quy định chung từ luật, thông tư hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNDN mà không phân biệt theo một ngành nghề riêng nào cả. 

Cụ thể, theo quy định, thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT mới được khấu trừ, không căn cứ đến nguồn gốc hình thành tài sản cố định. Đơn vị vừa có hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế thì hạch toán riêng. Những gì liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì được khấu trừ, còn những gì không liên quan sản xuất kinh doanh thì không được khấu trừ (đưa vào chi phí, đưa vào nguyên giá tài sản). Trong trường hợp không hạch toán riêng được thì sẽ được phân bổ theo tỷ lệ trên doanh thu. 

Về thuế TNDN, cơ quan báo chí không hạch toán được sổ sách kế toán đầy đủ, tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì cũng có thể áp dụng thuế TNDN tính theo tỷ lệ trên doanh thu. Phương pháp thứ hai là nếu tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và hạch toán đầy đủ chi phí thì cũng như một DN, lấy doanh thu trừ đi chi phí, còn lãi thì sẽ nộp thuế, lỗ thì không phải nộp thuế. Đây là nguyên tắc chung.

"Chi phí tiền lương của báo chí nếu áp dụng theo Nghị định 60/2021 dẫn đến thu nhập trước thuế của các đơn vị báo chí tăng và phải nộp thuế TNDN nhiều hơn so với các DN khác có doanh thu tương đương. Trong khi các DN vẫn được khấu trừ hết toàn bộ tiền lương thực trả vào chi phí hằng năm trước khi nộp thuế. Đây là bất cập lớn nhất đối với cơ quan báo chí trên cả nước, đặc biệt trong tình hình kinh tế báo chí cũng đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, doanh thu lao dốc."- Kế toán trưởng một đơn vị báo chí nói.


"Đối với thuế suất TNDN, đối với trường hợp tính theo kê khai, nếu có lãi thì thuế suất TNDN nói chung là 20%, riêng với cơ quan báo chí hoạt động báo in và quảng cáo trên báo in thì thuế suất là 10%. Trước đây, Thông tư 150/2010 quy định nộp theo thuế suất 25% nhưng luật Thuế TNDN đã quy định theo mức là 10% và 20% với cơ quan báo chí ", vị đại diện Tổng cục Thuế cho hay.

Riêng quy định về chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của báo là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp trong Thông tư 150/2010 không còn áp dụng, vậy cơ quan báo chí sẽ thực hiện tính chi phí tiền lương như thế nào khi xác định thuế TNDN? Phía Tổng cục Thuế chưa phản hồi ngay về tiền lương thực nhận (gồm cả hệ số tăng thêm) có được tính vào chi phí hợp lý trước khi tính thuế TNDN hay không.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa (thuộc Hiệp hội DN TP.HCM), cho rằng báo chí hiện nay ngày càng phát triển, khác trước đây rất nhiều. Các cơ quan báo chí cạnh tranh, tìm các nguồn thu, hoạt động kinh tế báo chí ngày càng sôi động. Có nhiều báo không có nguồn ngân sách nhà nước cấp mà thông qua các hoạt động sau mặt báo như tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo… để có nguồn thu. Đó là sự cạnh tranh để tồn tại. Trong đó chế độ lương, thưởng cho cán bộ công nhân viên cũng là một trong những yếu tố phát triển tờ báo. Ở đây, nếu báo chí được xem như DN để hạch toán chi phí tiền lương thực nhận vào chi phí thì không có gì để nói. Nhưng do là đơn vị sự nghiệp hành chính có thu nên các cơ quan ban ngành cần xác định địa vị pháp lý ở đây là gì, nguồn thu đến từ đâu để có cách xử lý sau khi bỏ Thông tư 150/2010.

Các cơ quan quản lý cần nhanh chóng có hướng dẫn để không nhập nhằng trong việc xác định rõ ràng cơ sở pháp lý của báo chí theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển ổn định.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định khi Bộ Tài chính xác định báo chí cũng là đối tượng của luật Thuế TNDN thì về nguyên tắc, tiền lương của các đơn vị, DN đều được tính vào chi phí kinh doanh. Đây là tiền lương thực trả, có chứng từ hợp lệ và không vượt mức đặc biệt theo quy định chung của các ngành nghề. Nhất là đối với các cơ quan báo chí tự thu tự chi, không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí thì không nên áp dụng theo quy định như một đơn vị hành chính sự nghiệp được nhận lương trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Cần nên xác định rõ ràng khi áp dụng như một đối tượng đã được nêu cụ thể trong luật Thuế TNDN. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.