Vì sao không nên 'khoe' sở hữu bitcoin trên mạng xã hội?

Thu Thảo
Thu Thảo
16/09/2018 18:19 GMT+7

Đây là chia sẻ của sếp Google chuyên trách các vấn đề về gian lận, lạm dụng email và nhận dạng, ông Mark Risher.

Theo CNBC, ông Risher cho rằng tất cả mọi người đều có thể là mục tiêu có giá trị với tội phạm. Kẻ lừa đảo nhắm mục tiêu vào mọi người, bất kể họ bình thường hay đặc biệt. Ông Risher là người giám sát các phát kiến nhằm bảo vệ Gmail và nhiều sản phẩm, công cụ khác của Google trước việc bị tấn công mạng.
“Bọn xấu có thể dùng một người nào đó có vẻ như có giá trị thấp để nhắm mục tiêu đến người mà chúng cho là mục tiêu có giá trị cao hơn, chẳng hạn như một nhân vật chính trị. Chúng còn có thể nhắm mục tiêu vào bạn nếu thấy bạn đang bàn về bitcoin trong tin nhắn hay thông điệp công khai”, ông Risher nói.
Trong nhiều trường hợp, kẻ tấn công có thể sử dụng hồ sơ mạng xã hội và tài khoản email để đánh cắp thông tin giá trị, hoặc đột nhập vào tài khoản email của bạn để đổi mật khẩu, lấy từ khóa các tài khoản quan trọng như tài khoản tài chính hoặc ví tiền mã hóa. Vì thế, sếp Google có vài lời khuyên cho mọi người nói chung, và những người sở hữu tiền mã hóa, bitcoin nói riêng.
Rủi ro khi bàn về bitcoin, tiền mã hóa đang có
Ông Risher cho hay tội phạm đang tăng tấn công những người trữ tiền mã hóa trong ví kỹ thuật số. Những đợt tấn công này thường có thể được truy từ bài post của nạn nhân trên nền tảng tin nhắn công khai hoặc mạng xã hội. Tội phạm sau đó nhanh chóng tiếp cận với địa chỉ email của nạn nhân.
Lý do khá đơn giản. Một số nhà cung cấp ví hoặc sàn giao dịch tiền mã hóa cho phép người dùng đặt lại mật khẩu ví thông qua email. Những kẻ tấn công có thể dùng tính năng reset email để mở ví và ăn cắp tiền mã hóa.
Tin nhắn lừa đảo có nội dung cá nhân
Loại tin nhắn lừa đảo kiểu mới thường đến dưới dạng khó phân biệt, hệt như một tin nhắn cá nhân mà bạn có thể nhận được từ bất cứ ai trong vòng tròn bạn bè và người thân. Thông tin về cuộc sống cá nhân của bạn có thể khiến thông điệp lừa đảo trông rất thật. Thông điệp dạng này có thể dễ lừa người khác hơn nếu lượng thông tin chúng ta chia sẻ tăng lên.
Ông Fisher cho rằng dữ liệu của con người ngày nay có thể ở khắp mọi nơi. Người ta có khuynh hướng quên đi những bài đăng về địa chỉ email, tài khoản mạng xã hội trong khi thông tin thì hiếm khi biến mất khỏi internet, ngay cả khi người đăng tải chúng đã quên.
Tấn công đường vòng
Tội phạm ngày nay cũng giỏi hơn trong việc tiếp cận “các mục tiêu cấp cao”, như sếp của doanh nghiệp lớn hoặc chính trị gia, thông qua đường vòng với những người làm việc cho họ hoặc có kết nối khá lỏng lẻo với họ. Những “mục tiêu cấp thấp” có thể là bất cứ ai từng đi tình nguyện cho một chiến dịch chính trị hay làm việc, đến dự tiệc do một doanh nghiệp tổ chức.
Tội phạm có thể tìm đường vào tài khoản email của bất cứ ai bằng cách thực hiện một chuỗi cài lại mật khẩu, thông qua một tài khoản bị lãng quên lâu. Google từng gửi cảnh báo đến khách hàng rằng các tin tặc do chính phủ hậu thuẫn có thể cố gắng lấy cắp mật khẩu của họ.
Một mẹo nhỏ để xử lý vấn đề là ghi chú tất cả địa chỉ email liên kết với các tài khoản tài chính của bạn, và chú ý đến vấn đề bảo mật, an ninh liên quan đến các địa chỉ đó. Giới hạn lượng thông tin bạn chia sẻ trên mạng xã hội cũng là một cách tốt, theo ông Risher.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.