Vì sao kinh tế TP.HCM tăng trưởng thấp?

Mai Phương
Mai Phương
01/04/2023 07:11 GMT+7

Là trung tâm kinh tế lớn nhất nước nhưng TP.HCM quý đầu năm nay lại có mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 TP trực thuộc T.Ư, thậm chí sau nhiều tỉnh thành khác.

Đứng sau nhiều tỉnh thành

Báo cáo từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy quý 1/2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố ước đạt 360.622,1 tỉ đồng tính theo giá hiện hành. Tính theo giá so sánh năm 2010 đạt 246.931,2 tỉ đồng, tăng 0,70% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá thấp khi so với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 3,32%. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP đứng thứ 56/63 địa phương và thấp nhất trong 5 TP trực thuộc T.Ư gồm Hải Phòng (tăng 9,65%), Đà Nẵng (7,12%), Hà Nội (5,8%) và Cần Thơ (4,02%).

Vì sao kinh tế TP.HCM tăng trưởng thấp? - Ảnh 1.

Kinh tế TP.HCM quý 1/2023 tăng trưởng thấp nhất trong 5 TP trực thuộc T.Ư

NTT

Thậm chí, kinh tế của TP được mệnh danh là đầu tàu của cả nước có mức tăng đứng sau khá xa nhiều tỉnh thành khác như Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận (9,86%); Khánh Hòa (9,07%); Cà Mau (9,05%)… Hay xét trong khu vực Đông Nam bộ, mức tăng trưởng GRDP của TP.HCM vẫn xếp sau Bình Phước (7,6%), Đồng Nai (3,25%), Tây Ninh (2,21%) và Bình Dương (1,15%).

Khách sạn hạng sang rao bán hàng loạt, người dân xót xa "mong du lịch hồi phục"

Chúng ta không thể kỳ vọng kinh tế TP tăng tốc nhanh trong năm 2023 được vì kinh tế thế giới nói chung vẫn đang khó khăn, các tập đoàn đa quốc gia khắp nơi đều bị ảnh hưởng vì suy thoái. Nhưng các chính sách đặc thù riêng có thể mở ra hướng hồi phục nhanh hơn trong những năm sau.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khu vực dịch vụ, chiếm 60,4% trong GRDP của TP nhưng có đến 4/9 ngành tăng trưởng âm. Cụ thể, vận tải kho bãi giảm 0,63%, thông tin và truyền thông giảm 2,70%, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82% và sụt mạnh nhất là kinh doanh bất động sản giảm 16,20%. Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp và xây dựng của TP.HCM cũng giảm 3,6% trong khi Hà Nội, Cần Thơ và đặc biệt là Hải Phòng đều ghi nhận tăng 2 - 10% so với cùng kỳ.

Cục Thống kê TP.HCM chỉ ra kinh tế TP phải đương đầu với khó khăn nhiều hơn thuận lợi khi triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới bị đe dọa bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu suy yếu trong khi xung đột quân sự Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại khiến tâm lý doanh nghiệp và niềm tin người tiêu dùng được cải thiện, giá lương thực và năng lượng giảm trở lại, song trong ngắn hạn sự cải thiện này vẫn còn mong manh. Trong nước, bên cạnh các chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm thuế, giãn thuế của các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát các hoạt động đầu cơ, phát hành trái phiếu...

TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng, cho rằng kinh tế TP.HCM tăng trưởng chậm đã được dự báo trước nhưng mức tăng dưới 1% vẫn thấp ngoài dự đoán. Tình hình thực tế của kinh tế TP đi xuống dễ dàng nhìn thấy. Ví dụ cảng Cát Lái vốn chiếm 40% lượng hàng container cả nước, đóng vai trò quan trọng trong GDRP của TP.HCM nhưng thời gian qua hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh khiến công suất cảng chỉ còn dưới 50%. 

Hay doanh nghiệp có đông công nhân nhất của TP là PouYuen đã chấm dứt hợp đồng với gần 2.500 lao động và nhiều doanh nghiệp khác cũng phải giảm nhân sự do thiếu đơn hàng. Song song đó, hàng loạt dự án bất động sản không triển khai được, thị trường giao dịch vắng lặng. Đặc biệt là TP về dịch vụ thương mại nhưng nguồn khách du lịch quốc tế chưa phục hồi kéo theo nhiều ngành dịch vụ từ lưu trú, ăn uống, mua sắm vắng vẻ. 

"Hàng loạt mặt bằng ở trung tâm TP vẫn treo bảng cho thuê, vắng khách thuê. Điều này cho thấy dịch vụ thương mại của TP đã bị sụt giảm mạnh và có thể tình trạng này còn kéo dài trong quý 2/2023", TS Đinh Thế Hiển nhận xét.

Kỳ vọng vào đầu tư công, khách du lịch quốc tế

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành nhận định quý đầu năm nay, kinh tế cả nước nhìn chung không sáng sủa và điều này nằm trong dự báo từ trước. Bởi các khó khăn từ năm 2022 vẫn còn đó như tài chính tiền tệ thắt chặt, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, nhất là hoạt động xuất khẩu. Nhưng lo ngại nhất là sự sụt giảm mạnh ở TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước. Nhiều ngành nghề , lĩnh vực xuất khẩu quan trọng tập trung ở TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ hiện đã sụt giảm mạnh. Tiêu dùng thấp ảnh hưởng đến tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ từ hộ gia đình đến doanh nghiệp. 

"Nhìn vào những điều này thì khó khăn vẫn bủa vây trước mắt. Thế giới vẫn còn trong tình trạng suy thoái, nhất là các đối tác nhập khẩu nhiều hàng hóa của VN", TS Võ Trí Thành chia sẻ. Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng trong thời gian tới, kỳ vọng đầu tư công sẽ tăng dần theo mục tiêu Chính phủ đề ra. Đồng thời giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng được kỳ vọng sẽ khá hơn. 

Quan trọng nhất theo ông là làm sao tăng tốc để thu hút khách du lịch đến VN, tận dụng chuyện mở cửa du lịch của Trung Quốc để có thêm khách quốc tế. Kinh tế TP.HCM nói chung vẫn phải phụ thuộc vào thế giới và tình hình chung cả nước. Chính phủ cần phải nỗ lực hơn nữa vì khó khăn còn rất lớn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn để thúc đẩy hoạt động kinh doanh...

Còn theo TS Đinh Thế Hiển, kinh tế TP vẫn hy vọng có sự phục hồi trong quý 2 và quý 3/2023. Tuy nhiên về dài hạn, TP.HCM phải đẩy mạnh việc tạo ra những động lực mới thay thế cho động lực tăng trưởng cũ đã mất lợi thế. Ví dụ các nhà máy sản xuất đã có xu hướng chuyển dịch về các tỉnh thành lân cận do TP không còn thuận lợi về đất đai, chi phí lao động. Hay như cảng Cát Lái ngày càng bị cạnh tranh bởi cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) nên có thể công suất cũng khó tăng cao trở lại. Vì vậy TP đã xác định trở thành trung tâm thương mại, tài chính thì phải tập trung thực hiện, nỗ lực tăng tốc hơn nữa việc xây dựng phát triển mục tiêu này.

Đồng tình, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng mục tiêu tăng trưởng GRDP của TP.HCM năm 2023 từ 7,5 - 8% sẽ khá thách thức khi hàng loạt khó khăn đang hiện hữu và chưa thấy có dấu hiệu hồi phục rõ ràng. Bản thân là TP năng động, đầu tàu kinh tế cả nước nên sự tác động của thế giới đến TP.HCM cũng nhiều hơn, nhanh hơn các tỉnh thành khác. Nhưng nếu một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54) mà Chính phủ vừa trình để được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới cũng sẽ giúp TP có những giải pháp mang tính đột phá, dài hạn hơn. Chẳng hạn đó là cơ sở để TP có giải pháp thu hút nhiều hơn đầu tư vào lĩnh vực mới như công nghệ cao, tài chính.

Ông Nghĩa nhấn mạnh: "Chúng ta không thể kỳ vọng kinh tế TP tăng tốc nhanh trong năm 2023 được vì kinh tế thế giới nói chung vẫn đang khó khăn, các tập đoàn đa quốc gia khắp nơi đều bị ảnh hưởng vì suy thoái. Nhưng các chính sách đặc thù riêng có thể mở ra hướng hồi phục nhanh hơn trong những năm sau".

Dự thảo Chính phủ vừa trình Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đưa ra 7 nhóm chính sách, gồm chính sách về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM và TP.Thủ Đức (thuộc TP.HCM). Các chính sách này nhằm đưa TP.HCM trở thành TP thông minh, dịch vụ công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, cũng như là trung tâm tài chính, thương mại, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.