Vì sao lãi suất tiết kiệm tăng trở lại?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
12/04/2024 06:31 GMT+7

Nhu cầu tín dụng chưa cao, kinh tế vẫn khó khăn, nhưng hàng chục ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm sau một thời gian dài chỉ giảm. Điều gì đang xảy ra?

Lãi suất huy động rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4 tới nay, nhiều ngân hàng (NH) có động thái tăng lãi suất (LS) tiết kiệm thay vì giảm liên tục như trước. Đơn cử, VPBank tăng LS tiết kiệm thêm 0,3% ở các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng. LS huy động từ 12 - 18 tháng lên 4,8 - 4,9%/năm, kỳ hạn 24 - 36 tháng tăng lên 5,2 - 5,3%/năm. Các kỳ hạn dưới 12 tháng có LS huy động từ 2,4 - 4,4%/năm. Đây là lần điều chỉnh LS thứ 2 trong tháng của VPBank, nâng mức tăng lên 0,5%. NCB tăng LS huy động từ 0,1 - 0,2% ở kỳ hạn 4 và 5 tháng, lên 3,6 - 3,7%/năm; trong khi kỳ hạn 1 tháng giảm 1,1%, còn 3,2%/năm. Các kỳ hạn còn lại có LS từ 3,4 - 5,5%/năm.

Vì sao lãi suất tiết kiệm tăng trở lại?- Ảnh 1.

Tín dụng đang tăng trưởng khá tốt

NGỌC THẮNG

Trước đó, KienLong Bank tăng thêm 0,2% cho tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng. Kỳ hạn 6 tháng, NH này huy động 4,4%/năm, 8 tháng lên 4,8%/năm, 12 tháng 5,1%/năm, 15 tháng 5,2%/năm, từ 18 - 36 tháng lên 5,5%/năm… Một số NH tăng LS huy động như Techcombank tăng thêm 0,15% ở các kỳ hạn, dao động từ 2,3 - 4,6%/năm; Eximbank tăng thêm 0,2%, lên 2,6 - 4,8%/năm…

Sau đà giảm từ tháng 3 năm ngoái đến nay, đây là lần đầu tiên các NH "quay xe" tăng LS tiết kiệm. Nguyên nhân được cho là do tăng trưởng tín dụng thời gian gần đây khá nhanh, trong khi huy động lại giảm. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính đến 25.3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 trong khi cùng thời điểm năm ngoái tăng gần 1,2%. Còn dư nợ tín dụng tính đến 28.3 tăng 0,9% so với đầu năm, đạt 13,79 triệu tỉ đồng.

Riêng tại TP.HCM, tăng trưởng tín dụng tháng 3 ghi nhận mức tăng khá nhanh. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết tăng trưởng tín dụng tháng 3 tăng mạnh 1,9% so với tháng trước, lên 3,575 triệu tỉ đồng. Trước đó, tín dụng tháng 1 âm 0,93% và chỉ tăng 0,01% trong tháng 2. Tăng trưởng tín dụng cải thiện cũng cho thấy chính sách tiền tệ, tín dụng và LS phát huy tác dụng. 

Chính LS cho vay thấp, cùng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi đã và đang kích thích sản xuất phát triển, kích thích doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó có tác động tích cực đến sự phục hồi của thị trường bất động sản, với nhu cầu và giao dịch mua bán đã tăng trưởng hơn trong những tháng gần đây và tác động hiệu ứng đến tín dụng tiêu dùng trên địa bàn. Tín dụng tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong tháng 4. Trong khi đó, huy động vốn của các NH trên địa bàn tháng 3 tăng nhanh hơn cho vay, tăng 1,97%. Thanh khoản của các NH dồi dào.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, NH UOB Việt Nam, thừa nhận mặt bằng LS tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế. Mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý 1, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới vẫn cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc; từ đó hỗ trợ sự tự tin cho DN và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất và tiêu dùng. 

Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid-19 cũng cho thấy tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý 1 và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý 2 hằng năm. Từ nhận định đó, ông Quang cho rằng LS tiết kiệm sẽ có thể tăng lại 0,5 - 1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.

Lãi suất tiết kiệm tăng, kéo lãi vay tăng?

Trước sự tăng trở lại của LS tiết kiệm, người vay cũng lo ngại LS cho vay sẽ tăng lên trong thời gian tới. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, thông thường LS tiết kiệm tăng thì LS cho vay có độ trễ, mất từ 2 - 3 tháng để tăng lên. Về cơ bản, LS cho vay cao sẽ không hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng thời gian vừa qua, LS cho vay thấp mà tín dụng vẫn tăng trưởng âm khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu đi. "Các DN không có đơn hàng sản xuất nên trong trường hợp này LS vay thấp không phải là "cây đũa thần" thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. 

Một số DN hiện nay kêu giảm LS cho vay, nhất là các DN bất động sản. Nhưng so với LS tại Mỹ thì khách hàng ưu đãi có mức LS là 8,5%/năm; còn những DN vừa và nhỏ cộng thêm biên độ từ 2 - 3%, LS vay vào khoảng 10,5 - 11,5%/năm, cao hơn tại VN hiện nay", ông Hiếu dẫn chứng và cho rằng việc giảm LS tiết kiệm của các NH trong nước hiện nay chưa tạo thành xu hướng giống cuộc đua tăng cao như thời điểm đầu năm 2022. 

LS tiết kiệm chỉ có thể tăng mạnh khi nào nhu cầu vay vốn của nền kinh tế rầm rộ trở lại, lúc đó các NH chạy đua huy động vốn để cho vay. Điều này chỉ có thể xảy ra vào nửa cuối năm 2024. Trường hợp LS cho vay trong nước tăng theo LS tiết kiệm thì cũng chỉ tăng ở mức độ nào đó mà khách hàng chấp nhận được, chứ lên cao thì không khách hàng nào có thể trả nợ được cho NH.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH OCB, cho biết ngành NH đang khá dồi dào về thanh khoản và việc tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới cũng chưa tạo được áp lực. Vì thế, việc giảm thêm LS huy động trong thời gian tới cũng khó, vì hiện tại các NH dẫn dắt thị trường đang có mức LS khá là thấp trong bối cảnh kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn, lạm phát sẽ được giữ ở mức độ ổn định. 

Phân tích sâu hơn, ông Tùng cho hay từ giữa năm ngoái, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách thúc đẩy đầu tư công, gỡ rối trong các vấn đề pháp lý trong các dự án và có nhiều chương trình khuyến khích DN. Chính phủ cũng có những yêu cầu rất cao cho ngành NH trong việc tiếp vốn cho nền kinh tế, gia tăng tín dụng. Tất cả các chính sách đó đều được thực hiện từ năm ngoái và năm nay sẽ thấy tác dụng.

"Dĩ nhiên chúng ta không kỳ vọng một sự phát triển đột phá trong năm nay, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng một bức tranh cải thiện trong năm 2024. Vì vậy tôi tin rằng ngành NH trong năm nay cũng sẽ có cơ hội tốt để tăng trưởng về tín dụng và tăng trưởng hoạt động", ông Nguyễn Đình Tùng cho hay. 

Các NH cần chủ động tiết giảm chi phí cho DN sử dụng vốn, dịch vụ NH, mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tham gia tích cực các chương trình tín dụng ưu đãi và hoạt động kết nối NH, với tinh thần đồng hành cùng DN để phát triển.


Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.