Vì sao lãi vay thấp nhưng vốn chưa 'thông'?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
27/07/2024 06:19 GMT+7

Lãi suất cho vay được xem là thấp nhất trong vòng 20 năm qua, thế nhưng tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng vẫn khá ì ạch.

Lãi vay thấp nhưng không dễ tiếp cận

Ông Trương Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư cao su VN, nhận xét: Giai đoạn này lãi suất cho vay của ngân hàng (NH) ổn nhưng hồ sơ giải quyết lại lâu hơn trước đây. Hiện công ty ông vay có tài sản đảm bảo và hạn mức chiết khấu bộ chứng từ với mức lãi suất là 4,2 - 4,3%/năm đối với vay USD, tiền đồng từ 4,6 - 4,8%/năm, tùy ngành hàng. 

"Với doanh nghiệp (DN), dù lãi vay thấp nhưng cũng phải tính toán, cân nhắc làm sinh lời thì mới vay. Riêng DN xuất khẩu thuộc nhóm khuyến khích tín dụng nhưng cũng hoạt động cầm chừng vì sợ khâu hoàn thuế chậm, bị găm vốn lâu nên chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa nhiều hơn. Còn các NH, dù tín dụng khá dồi dào nhưng họ cũng cho vay có chọn lọc để hạn chế nợ xấu. Do đó hồ sơ vay tập trung xét duyệt ở hội sở nên thời gian giải quyết lâu hơn so với chi nhánh duyệt trước đây", ông Bắc giải thích và kể vừa rồi NH mời chào thêm tín dụng đối với công ty ông nhưng nhu cầu vốn hiện nay chưa cao nên công ty cũng đang vay cầm chừng. "Lãi suất huy động USD từ nhiều năm nay chỉ 0% mà cho vay USD hơn 4%/năm thì chênh lệch quá cao. Các DN nhập khẩu không những chịu lãi vay này mà còn phần tỷ giá nên có thể sẽ khó khăn", ông Trương Văn Bắc nói thêm.

Vì sao lãi vay thấp nhưng vốn chưa 'thông'?- Ảnh 1.

Lãi suất tiết kiệm tăng gây sức ép lên lãi vay trong thời gian tới

Ngọc Thắng

Vừa mới ký nhận giải ngân vào chiều 25.7 với NH, ông T.T.P, Giám đốc Công ty T.B, cho biết lãi suất vay ngắn hạn tiền đồng vào khoảng 5 - 6%/năm. "Với mức lãi suất này thì chúng tôi vẫn có thể hoạt động để duy trì, giữ khách hàng, chứ vay nhiều mở rộng thì chỉ có nuôi lỗ", ông P. chia sẻ.

NHNN cần chỉ đạo các NH khai thông dòng vốn vào sản xuất, ưu tiên sản xuất là trên hết, kể cả thuế cũng phải ưu tiên lúc này cho DN sản xuất. Cán bộ NH thẩm định cũng phải thực tế, sâu sát với DN để nắm bắt và hỗ trợ họ vay vốn. Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 3 - 6 tháng hiện ở mức thấp, vào khoảng 6%/năm nhưng vốn vay trung dài hạn là 9%/năm, điều này không khuyến khích DN vay thực hiện đầu tư mở rộng sản xuất.

Bà H.C (Giám đốc Công ty M.M)

Là cán bộ NH hơn 20 năm, sau khi ra mở DN mấy năm gần đây, bà H.C, Giám đốc Công ty M.M, thừa nhận: "Tôi có kinh nghiệm NH nhưng khi đi làm hồ sơ vay cũng đuối luôn. NH hô hào cho vay, hỗ trợ DN nhưng đi vào các quy định thì mới thấy được sự vô lý nên DN tiếp cận vốn không nhiều như mình tưởng". Theo bà H.C, các DN sản xuất kinh doanh trải qua các năm dịch bệnh khó khăn đủ thứ, rất ít DN có lãi lũy kế mấy năm nay mà ngược lại, đa số lỗ lũy kế. Thế nhưng khi vay là phải làm có lãi mới được vay. Chính vì vậy, DN muốn vay thì cũng phải có cách. Ở chiều ngược lại, mặc dù hạn mức tín dụng của NH hiện còn nhiều, lãi vay giai đoạn này được xem là thấp nhưng NH quản lý cho vay rất chặt, không dễ gì tiếp cận vốn. 

"Để kinh tế phát triển, NH Nhà nước (NHNN) cần chỉ đạo các NH khai thông dòng vốn vào sản xuất, ưu tiên sản xuất là trên hết, kể cả thuế cũng phải ưu tiên lúc này cho DN sản xuất. Cán bộ NH thẩm định cũng phải thực tế, sâu sát với DN để nắm bắt và hỗ trợ họ vay vốn. Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 3 - 6 tháng hiện ở mức thấp, vào khoảng 6%/năm nhưng vốn vay trung dài hạn là 9%/năm, điều này không khuyến khích DN vay thực hiện đầu tư mở rộng sản xuất", bà H.C kiến nghị.

Theo báo cáo tài chính quý 1 của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, DN này hiện có nợ vay hơn 6.054 tỉ đồng tại hàng loạt các NH thương mại với lãi suất từ 4,5 - 10,75%/năm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế bị âm. Chi phí lãi vay của công ty tăng thêm hơn 20 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, lên gần 125 tỉ đồng. Theo giải trình của DN, lợi nhuận sau thuế thay đổi hơn 10% so với báo cáo cùng kỳ năm trước do tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần cao hơn so với cùng kỳ (giá vốn tăng 65% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu chỉ tăng 57%), đồng thời chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá hối đoái tăng nhanh hơn mức tăng của các khoản doanh thu/thu nhập khác nên lợi nhuận sau thuế giảm. Chi phí lãi vay cao cũng là nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty vào năm 2023 giảm hơn 346 tỉ đồng so với năm 2022.

Cần giảm thêm lãi suất cho vay

Có một thực tế không thể phủ nhận là các nhà băng cũng đang nỗ lực đẩy mạnh tín dụng. Từ đầu năm đến nay, các NH liên tục tung ra các gói tín dụng với lãi suất cho vay ở mức thấp, có NH xuống còn 4 - 5%/năm, có nhà băng còn đưa ra mức lãi suất vay 3%/năm. Lãi suất cho vay mới và cũ trong 6 tháng đầu năm cũng có xu hướng giảm. Cụ thể lãi cho vay tháng 6 bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới đang có xu hướng giảm chậm lại, tính đến ngày 30.6, lãi suất cho vay ở mức 6,47%/năm, giảm 0,62%/năm so với cuối năm 2023. Nguyên nhân là từ đầu tháng 5 đến nay, lãi suất huy động có xu hướng tăng lên, nhiều NH đã và đang điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, tạo sức ép lên lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Tại báo cáo kiến nghị quý 2/2024 vừa được Trường ĐH Kinh tế quốc dân công bố, nhóm nghiên cứu kiến nghị NHNN cần khẩn trương tiếp tục hạ lãi suất cho vay trong nền kinh tế thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ và biện pháp quản lý thuộc chức năng. Cụ thể, giảm 0,5% tất cả các loại lãi suất điều hành; giảm phí thông tin tín dụng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và đề nghị cấp có thẩm quyền giảm phí bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời, NHNN nên bổ sung thêm gói tín dụng ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn với lãi suất thấp cho các NH thương mại để cho vay một số đối tượng, lĩnh vực cần được ưu tiên, khuyến khích trong nền kinh tế. Linh hoạt cấp hạn mức tín dụng cho các NH thương mại có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt. Tốt nhất NHNN nên bỏ ngay hạn mức tín dụng trong năm 2024, thay vào đó là các cơ chế và biện pháp đảm bảo an toàn tín dụng.

Riêng các tổ chức tín dụng, nhóm nghiên cứu đề xuất tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết hỗ trợ DN, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Khẩn trương rà soát các dự án, các DN đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, hiệu quả, chia sẻ, hỗ trợ DN, khách hàng vay vượt qua khó khăn để tiếp tục quay vòng vốn, trả nợ. Tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục vay vốn, công khai phí, lãi suất… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, người dân tiếp cận vốn NH. Giảm lãi suất cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo xuống bình quân chỉ khoảng 5%, giảm lãi suất cho vay các đối tượng chính sách tại NH Chính sách xã hội, thấp hơn từ 1,5 - 2% so với mức lãi suất hiện nay. 

Lãi suất huy động tăng thì lãi vay sẽ tăng. Thế nhưng tăng trưởng tín dụng hiện nay chỉ mới đạt chưa được một nửa, ở mức 6% trong 6 tháng đầu năm, trong khi kế hoạch đề ra cho cả năm 2024 là 15%. Muốn đẩy mạnh tín dụng, hỗ trợ DN vay vốn sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tới thì lãi vay phải giảm và ổn định.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.