Vì sao lại xuống đây?

23/03/2014 17:45 GMT+7

Cái triết lý xưa 'cùng tất biến' thể hiện tính linh hoạt hai chiều của nó, vì thế, nếu như nói 'nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất' thì ngược lại 'nơi an toàn nhất cũng có thể là nơi nguy hiểm nhất'.

Cái triết lý xưa “cùng tất biến” thể hiện tính linh hoạt hai chiều của nó, vì thế, nếu như nói “nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất” thì ngược lại “nơi an toàn nhất cũng có thể là nơi nguy hiểm nhất”.


Ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay của gia đình và người thôn Me sau khi được tạm đình chỉ thi hành án chung thân vì tội "giết người". Vậy là sự thật cuối cùng đã được công lý thực thi, nhưng điều dư luận thắc mắc mãi là vì sao ông Chấn lại “nhận tội”... vẫn còn là một dấu chấm hỏi thật lớn! - Ảnh: Hà An

Mà triết lý thường trừu tượng, mênh mông, cao siêu khó hiểu, nên khái niệm “an toàn nhất” hay “nguy hiểm nhất”… cũng chỉ là tương đối, phải đặt trong từng đối tượng, thời điểm so sánh cụ thể may ra mới có thể định tính, định lượng được.

***

Diêm Vương cau mày chăm chú xem hồ sơ, ngạc nhiên vì dạo này nhiều người “xuống đây” định cư khi chưa “đến tuổi” gọi, Ngài vội ra lệnh cho lính mời những “công dân đặc biệt” ấy đến thăm dò, tìm hiểu nguyên nhân.

- Vì sao bà xuống đây sớm vậy?
- Tâu Diêm Vương, con tự treo cổ bằng áo gió trong nhà vệ sinh của đồn công an ạ!

- Còn anh, vì sao anh xuống đây?
- Bẩm Ngài, con đang đi xe máy bị ai đó… xịt hơi cay vào mắt, loạng choạng tự đâm vào trụ điện bên đường mà chết ạ!

- Cháu học lớp mấy rồi, vì sao cháu xuống đây?
- Dạ thưa ông, cháu mới học lớp 9, cháu đánh nhau với bạn và bị mời về đồn công an. Khi về nhà, cháu tự bị hôn mê nên nhập viện và tử vong sau ca mổ chấn thương sọ não ạ!

Thì ra là vậy! Tất cả đều “tự” xuống đây. Diêm Vương trầm ngâm suy nghĩ, từ xưa đến nay Ngài luôn tưởng rằng Ngài và cuốn sổ của Ngài mới có quyền định đoạt số mệnh của tất cả mọi người, thế nhưng bây giờ chưa hẳn đã vậy, Ngài thất vọng và cay đắng thét lên: “Ta đã thua các ngươi thật rồi sao?”.

***

Hồi nhỏ về quê, thường thấy một cụ bà “lang thang, thẫn thờ” quanh làng. Mọi ngày bà rất hiền, không nói không rằng, im lặng, nhưng nếu như trong xóm có cảnh bắt bớ gì đó thì bà lão lại nổi cơn, gào thét thật kinh sợ. Người ta kể rằng, trước đây một người ruột thịt của bà đã chết tại đồn cảnh sát mà không biết rõ nguyên nhân, bà “lang thang” từ dạo ấy.

Bà lão cũng đã về trời được gần chục năm, âm thầm mang theo luôn nỗi đau rất thật, rất riêng của chính bà.

***

Lớn lên thích la cà, giao du với đủ mợi giới. Thỉnh thoảng cũng được gặp những người mới mãn hạn tù, họ kể lại những câu chuyện “khó hiểu” như phim hành động. Trong thời đại thông tin bùng nổ này, nếu những câu chuyện ấy được lên báo mạng thì lượng bạn đọc sẽ được nhanh chóng tăng lên gấp nhiều lần, nhưng rồi chợt nghĩ lại, ‘'khó hiểu” thì “khó hiểu” thật nhưng chẳng ai có một lấy “bằng chứng” nào cả. Thầm nghĩ, nếu như họ viết lại nhật ký trong thời gian ấy, người mà họ ấn tượng nhất, nhớ nhất có lẽ là những điều tra viên.

***

Ngày 10.3 vừa qua, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án 5 cán bộ công an dùng nhục hình ở Phú Yên có một so sánh thật tương phản. Bức hình cháu bé Ngô Thị Kim Oanh ôm hôn di ảnh người cha xấu số Ngô Thanh Kiều khiến cho mọi người xúc động rơi nước mắt, khi cháu sinh ra đã không được nhìn thấy mặt cha. Còn một cận cảnh khác tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, cán bộ điều tra) vẫn giữ được nét mặt tươi cười hớn hở… Phiên tòa đã bị hoãn vì lý do thiếu vắng nhiều nhân chứng.

Ngày 25.1, đầu năm, người tù án oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn được chính thức tuyên bố vô tội từ quyết định của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an. Vậy là sự thật cuối cùng đã được công lý thực thi, nhưng điều dư luận thắc mắc mãi là vì sao ông Chấn lại “nhận tội”... vẫn còn là một dấu chấm hỏi thật lớn!

***

Nhiều ý kiến đề xuất sử dụng camera trong các phòng điều tra, đây là một đề xuất đúng. Nhưng nghĩ cho đến cùng, camera do con người sáng tạo ra, được sử dụng tùy mục đích “tốt, xấu” của con người, và camera chưa thể, không thể đọc được suy nghĩ của con người.

Nhiều người đã đề xuất có sự “can thiệp” ngay từ đầu của các luật sư, đây cũng là đề xuất đúng. Nhưng để nó được thực thi cần phải có sự đoàn kết của một “bó đũa” không rời rạc, sự đồng thuận của dư luận, sự đồng thuận của các nhà chuyên môn ngành tư pháp, và cuối cùng là sự đồng thuận của Quốc hội.

Khi dư luận bức xúc, sẽ có những lý do biện dẫn về đặc thù công việc và áp lực của “tính phức tạp của các loại tội phạm”. Nhưng xét đến cùng, mọi nghề nghiệp trong xã hội đều có đặc thù và áp lực riêng của nó. Người giỏi nghề là chịu được áp lực, các tình huống càng khó càng thể hiện bản lĩnh của người thực thi.

Khi dư luận bức xúc, sẽ có những lý do biện dẫn về tâm lý “bản năng con người”, không ai hoàn thiện, có sai sót, có nóng nảy, bực bội. Nhưng xét đến cùng với tinh thần thượng tôn pháp luật, cần có sự công bằng trên cán cân công lý, công bằng cho tất cả mọi người.

Minh Phước (*)

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người viết tự do đang sinh sống tại Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.