Vì sao lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố giải trừ vũ khí hạt nhân?

28/03/2018 16:22 GMT+7

Giới chuyên gia nhận định lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân nhằm thu phục nhân tâm và làm giảm bớt những biện pháp trừng phạt nặng nề nhằm hướng đến phát triển kinh tế.

Triều Tiên vừa phát hành tem thư lưu niệm và xây dựng các tượng đài tôn vinh những vụ phóng tên lửa đạn đạo. Cùng lúc, những nhà khoa học hạt nhân và tên lửa được tôn vinh là anh hùng quốc gia, theo Reuters. Đối với lãnh đạo Kim Jong-un, giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ đồng nghĩa với việc đảo ngược hoàn toàn chính sách lâu nay của chính quyền Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng khẳng định vũ khí hạt nhân và tên lửa là cần thiết để tự vệ.
Tân Hoa xã ngày 28.3 đưa tin tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, lãnh đạo Kim tuyên bố ông “cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân” tại bán đảo Triều Tiên. Phản ứng ban đầu của dư luận là hoài nghi việc lãnh đạo Kim có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân mà cha và ông nội của ông đã nỗ lực phát triển hàng thập niên qua.
Tuy nhiên, đây được cho là chiến lược dài hạn của lãnh đạo Kim giúp ông trở thành người chiến thắng trong mắt nhân dân và giới quan chức nước nhà, theo nhận định của các chuyên gia. “Tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân mất ít nhất 10 năm mới hoàn thành. Trong khoảng thời gian đó, Bình Nhưỡng có thể đạt được hàng loạt thỏa thuận có lợi cho mình”, chuyên gia về Triều Tiên, ông Michael Madden thuộc Đại học Johns Hopkins nói với Reuters.
Nhân dân Triều Tiên theo dõi cuộc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 phát trên màn hình ở thủ đô Bình Nhưỡng hồi năm 2017 Reuters
Cần có sự nhượng bộ
Các cựu quan chức Hàn Quốc từng tham gia đàm phán với Triều Tiên nhận định Bình Nhưỡng sẽ giữ cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ nhượng bộ. “Lãnh đạo Kim muốn truyền bá thông điệp rằng ông đã khiến Mỹ và cộng đồng quốc tế phải ‘đầu hàng’ trước một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu đàm phán thành công, các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ được gỡ bỏ và nền kinh tế phát triển. Khi đó, nhân dân hiểu rõ được quyết định giải trừ vũ khí hạt nhân và ngày càng ủng hộ lãnh đạo Kim”, ông Kim Hyung-suk, cựu Thứ trưởng Thống nhất Hàn Quốc (2016-2017), nhận định.
Tuy nhiên, đây có lẽ không phải là điều dễ chấp nhận đối với Tổng thống Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Kim. Nhà Trắng khẳng định Triều Tiên chỉ chịu ngồi vào bàn đàm phán là nhờ chiến dịch gây áp lực tối đa do Mỹ dẫn đầu. Theo phát biểu gần đây của tân cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Tổng thống Trump nhấn mạnh cuộc hội đàm nào với lãnh đạo Kim cũng phải tập trung vào nội dung loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của Triều Tiên càng nhanh càng tốt.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đến nay vẫn im hơi lặng tiếng về tiến trình đàm phán hướng đến cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Kim và Tổng thống Trump. “Điều này cho thấy nội bộ chính quyền Triều Tiên vẫn đang tranh luận”, ông Christopher Green, chuyên gia thuộc tổ chức nghiên cứu về xung đột International Crisis Group, lưu ý.
Tranh cãi nội bộ
Các chuyên gia cho rằng lãnh đạo Kim sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo giải trừ vũ khí hạt nhân không ảnh hưởng đến hình ảnh của ông. Kể từ khi nhậm chức hồi năm 2011, nhằm giải quyết bất đồng giữa các phe trong nội bộ chính phủ, ông Kim đã theo đuổi chính sách “byungjin”, tức kết hợp quân đội hùng hậu với phát triển kinh tế, theo chuyên gia Green.
Kể từ năm 2013, phe ủng hộ quân đội giành ưu thế, nhưng cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump có thể là cơ hội để phe ủng hộ phát triển kinh tế giành sức ảnh hưởng, ông Green nhận định.
“Phe ủng hộ quân đội có thể phản đối quyết định của ông Kim và tiếp tục tranh cãi về việc giữ lại các quả bom nguyên tử”, cựu Thứ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Hyung-suk nói.
Khó dự đoán
“Quan điểm nhất quán của chúng tôi là cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, tuân thủ đúng di nguyện của hai cố lãnh đạo Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) và Kim Jong-il”, ông Kim nói với Chủ tịch Tập tại Bắc Kinh. Trước đây, ông và cha của lãnh đạo Kim đều công khai tuyên bố không theo đuổi vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Triều Tiên lại âm thầm tiến hành chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên diễn ra vào năm 2006, dưới thời lãnh đạo Kim Jong-il. Nhưng kể cả sau cuộc thử nghiệm này, ông Kim Jong-il vẫn nhấn mạnh trong cuộc họp thượng đỉnh với phía Hàn Quốc rằng ông “không có ý định sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Trước đây, nhiều vòng đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên đều không kết thúc khả quan. Chính vì thế, giới quan sát vẫn nghi ngại về khả năng thành công trong những cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa ông Kim với Tổng thống Hàn Quốc (dự kiến vào tháng 4), Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc. Triều Tiên gần đây tuyên bố sẽ cân nhắc từ bỏ vũ khí hạt nhân với điều kiện Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc và chấm dứt đe dọa quân sự cũng như ngừng tập trận chung. Tuy nhiên, Washington phản bác điều kiện này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.