Vì sao mắc mưa không tốt cho sức khỏe?

Lê Cầm
Lê Cầm
15/10/2024 08:04 GMT+7

Việc đi dưới trời mưa, mắc mưa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp, da, tiêu hóa... nếu không chăm sóc sức khỏe tốt sau khi đi mưa về.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết dầm mưa hoặc mắc mưa, dù có mặc áo mưa, tưởng chừng là những việc vô hại nhưng thực tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhiều người sau khi mắc mưa đã chủ quan, dẫn đến các triệu chứng như uể oải, suy nhược cơ thể, buồn nôn, thậm chí là mắc các bệnh lý phức tạp liên quan đến da, hô hấp và nhiều vấn đề khác.

Khí hậu thay đổi đột ngột hoặc thất thường, các yếu tố này có thể xâm nhập vào cơ thể và trở thành nguyên nhân gây bệnh, được gọi là ngoại nhân (nguyên nhân bên ngoài). Các yếu tố gây bệnh ít khi xuất hiện đơn độc, mà thường kết hợp với nhau, đặc biệt là vào mùa mưa khi phong - hàn - thấp là những tác nhân chính gây ra nhiều bệnh lý. Nếu không có biện pháp bảo vệ hợp lý khi tiếp xúc với nước mưa, cơ thể rất dễ bị nhiễm các loại tà khí này, đặc biệt là khi cơ thể đang yếu hoặc chính khí suy giảm.

Tại sao dầm mưa dễ gây bệnh?

Theo bác sĩ Thủy, trước đây nước mưa từng được coi là rất sạch. Ông bà ta còn lưu trữ nước mưa để sử dụng cho sinh hoạt, bởi nước mưa có vị ngọt mát, chứa một số khoáng chất cần thiết và ít sắt. Nhiều người đã từng uống nước mưa mà không đun sôi nhưng vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, với sự phát triển của các ngành công nghiệp hiện nay, nước mưa đã không còn tinh khiết như trước. Trong quá trình rơi xuống, nước mưa cuốn theo nhiều vi khuẩn, tạp chất và các hóa chất độc hại từ không khí, như SO2, NO2 và H2S, tạo thành các axit như HNO3, H2SO4. Những chất này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe nếu cơ thể tiếp xúc trực tiếp với nước mưa mà không được bảo vệ đúng cách.

Vì sao mắc mưa không tốt cho sức khỏe?- Ảnh 1.

Người dân mặc áo mưa để che chắn khi đi lại dưới trời mưa

LÊ CẦM

"Trải nghiệm tắm mưa khi còn nhỏ mang lại cảm giác dễ chịu, nhưng đó chỉ là khi cơ thể khỏe mạnh và chính khí cường thịnh. Ngày nay, do ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nước mưa chứa nhiều axit, bụi bẩn và vi khuẩn. Nếu dầm mưa lâu mà không có biện pháp bảo vệ và xử lý hợp lý, cơ thể sẽ rất dễ bị bệnh, nhất là đối với trẻ nhỏ, người già, và những người có sức đề kháng yếu", bác sĩ Thủy chia sẻ.

Những bệnh lý thường gặp khi dầm mưa, mắc mưa

  • Bệnh hô hấp: Cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi theo mùa…
  • Bệnh về mắt: Đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ…
  • Bệnh tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng đường tiêu hóa…
  • Bệnh về da: Nấm chân tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt…
  • Bệnh thần kinh ngoại biên: Tê bì, liệt Bell (liệt dây VII ngoại biên nguyên phát).
  • Bệnh về xương khớp: Đau nhức, mỏi xương khớp ở người cao tuổi, khởi phát cơn đau thần kinh tọa…

Những điều cần chú ý để phòng ngừa bệnh khi dầm mưa, mắc mưa

Để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh những bệnh lý có thể xảy ra khi tiếp xúc với nước mưa, bạn cần lưu ý những biện pháp sau:

  • Sử dụng áo mưa chất lượng: Khi ra ngoài, hãy luôn đảm bảo rằng bạn có áo mưa tốt để tránh việc cơ thể bị ướt, tiếp xúc với nước mưa chứa nhiều vi khuẩn và tạp chất.
  • Giữ cơ thể: Ngay khi mắc mưa, cần thay ngay quần áo khô, giữ ấm cơ thể, đặc biệt là đầu và cổ, tránh để khí lạnh xâm nhập gây cảm lạnh.
  • Uống nước ấm: Sau khi mắc mưa, hãy uống một ly nước ấm, nước gừng hoặc trà thảo mộc để làm ấm cơ thể từ bên trong, đồng thời hỗ trợ hệ hô hấp và tiêu hóa.
Vì sao mắc mưa không tốt cho sức khỏe?- Ảnh 2.

Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giàu vitamin C và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp cơ thể tăng đề kháng, phòng bệnh

LÊ CẦM

  • Tắm nước ấm: Về nhà, bạn nên tắm bằng nước ấm để làm sạch cơ thể, đồng thời giúp thư giãn và giãn nở các mao mạch, tăng cường lưu thông khí huyết.
  • Thay quần áo khô ngay: Tránh để cơ thể trong tình trạng ẩm ướt quá lâu, dễ dẫn đến các bệnh về da như viêm lỗ chân lông, nấm da.
  • Tăng cường sức đề kháng: Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giàu vitamin C và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của tà khí và vi khuẩn từ môi trường.
  • Hạn chế ra ngoài khi thời tiết xấu: Khi trời mưa lớn hoặc thời tiết không thuận lợi, nếu không có việc thực sự cần thiết, bạn nên hạn chế ra ngoài để tránh nguy cơ mắc bệnh.
  • Bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương: Đặc biệt chú ý bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và những người có sức đề kháng yếu, bởi họ dễ bị tác động khi dầm mưa.
  • Đi khám bác sĩ khi có triệu chứng bất thường: Nếu có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, hoặc các vấn đề về da sau khi dầm mưa, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.