Câu hỏi này vẫn thường xuyên xuất hiện trong đầu tôi kể từ khi biết đến tiếng hát của Mạnh Quỳnh qua những ca khúc như: Nhẫn cỏ cho em, Tình nghèo, Vì tôi nghèo...
Mạnh Quỳnh nổi tiếng với những ca khúc 'Nhẫn cỏ cho em', 'Tình nghèo', 'Vì tôi nghèo'... |
Trong ký ức của tôi và những người thế hệ 7X, 8X, Mạnh Quỳnh có lẽ được biết đến nhiều nhất qua những ca khúc gắn liền với chữ "nghèo". Thời đỉnh cao, anh xuất hiện trên sân khấu hải ngoại với dáng dấp gầy gò, ra vẻ một chàng thư sinh nghèo. Rồi khi nghe anh tỉ tê: Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương/Tặng em theo sính lễ tơ hồng... (Nhẫn cỏ cho em), không ít người còn tưởng rằng Mạnh Quỳnh là chàng trai nghèo "rớt mồng tơi" trong bài hát này thật.
Dĩ nhiên, đó chỉ là lời bài hát nhưng câu hỏi vì sao Mạnh Quỳnh khi hát những ca khúc về người nghèo, về kiếp nghèo lúc nào cũng "mùi" thì vẫn luôn xuất hiện trong đầu tôi cho đến khi được gặp và trực tiếp trò chuyện cùng nam ca sĩ này nhân dịp anh về nước chuẩn bị cho liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát sắp diễn ra vào ngày 16.4 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM)...
Từng bị đuổi khỏi sân khấu vì... hát hay
Mạnh Quỳnh là con lai, bố là người Mỹ còn mẹ là người Việt. Tuy nhiên, anh không có nhiều ký ức về bố vì từ nhỏ đã sống với mẹ và bà ngoại. Nhìn Mạnh Quỳnh, cũng ít ai nhận ra anh là con lai bởi cái chất Việt Nam dường như đã để lại dấu ấn quá đậm nét ở chàng ca sĩ này.
Đến bây giờ, quê ngoại vẫn là một phần không thể thiếu trong ký ức của Mạnh Quỳnh. Là cậu bé có tâm hồn nhạy cảm, từ nhỏ, Mạnh Quỳnh đã dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm với những cảnh đời nghèo khó xung quanh mình. Sự đồng điệu đó, về sau, đã quyện vào tiếng hát của anh. Đó cũng là một trong những lý do khiến sau này, anh thường hát những bài hát nói về cái nghèo. Đến cả giàn hoa bằng lăng tím trước sân nhà ngoại cũng từng khiến anh đau đau đến nỗi sau đó còn ra mắt một album lấy tựa là Hoa bằng lăng.
Mạnh Quỳnh vẫn rất Việt Nam - Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Mạnh Quỳnh mê hát từ nhỏ. Lúc còn ở Sài Gòn, nhà anh nằm trên đường Cao Đạt (Q.5, TP.HCM), gần nhà nghệ sĩ Ngọc Ẩn. Hằng ngày, được mẹ dắt đi chợ ngang qua đây, cậu bé Mạnh Quỳnh đã bị mê hoặc bởi tiếng đàn hát cải lương của ông. Thấy vậy, mẹ anh quyết định xin nghệ sĩ Ngọc Ẩn cho con trai mình được theo học.
Bởi thế, ít ai biết rằng Mạnh Quỳnh biết đến cải lương, cổ nhạc trước cả nhạc sến. Được một năm, vì lo con trai mê hát hơn mê học, mẹ của Mạnh Quỳnh yêu cầu anh sau khi tốt nghiệp xong mới được nghĩ đến chuyện học hát trở lại. "Xưa mơ ước của tôi là thành kép cải lương. Tôi mê chú Minh Phụng từ hồi nhỏ xíu. Từng câu, từng chữ chú luyến láy ra sao, tôi bắt chước y chang như vậy", Mạnh Quỳnh kể.
Năm 1992, vừa tốt nghiệp phổ thông xong, Mạnh Quỳnh và mẹ rời Việt Nam sang Mỹ theo diện con lai. Tuy nhiên, anh không được suôn sẻ như một số trường hợp khác nên phải sang Philippines một thời gian. 6 tháng tại đảo quốc này, Mạnh Quỳnh phải học tiếng Anh và làm quen với điều kiện sống tại nước ngoài. Anh gọi đó là khoảng thời gian thử thách tính kiên nhẫn của mình ghê gớm nhất bởi 6 tháng ở đây, anh hầu như không đi đâu được.
"Buổi sáng, tôi đi phụ việc cho những người công chức làm giấy tờ, trưa về ăn cơm, tối thì 7 - 8 giờ đã phải đi ngủ. Niềm vui hiếm hoi của tôi là thỉnh thoảng được tham gia các chương trình văn nghệ, dĩ nhiên là dạng "cây nhà lá vườn" của những người cùng hoàn cảnh với nhau. Có lần tôi lên hát, được khán giả bên dưới yêu cầu hát tiếp nhưng ngay lúc đó lại bị một người trong ban tổ chức đuổi xuống để... họ tự hát. Đó cũng là lần đầu tiên tôi hát trên sân khấu và trước nhiều người như vậy nên tôi nhớ tới giờ", Mạnh Quỳnh kể.
Mạnh Quỳnh và NSƯT Hoài Linh - Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Sang Mỹ, thời gian đầu, Mạnh Quỳnh rất buồn vì nhớ nhà, có khi đến bật khóc. Phải mất 2 - 3 năm sau, anh mới lấy lại cân bằng. "Trước đó, có người nói cuộc sống ở Mỹ buồn lắm, chỉ ở trong nhà ngồi nhìn tuyết rơi, cũng có người bảo ở Mỹ vui lắm, xe cộ tấp nập. Khi bước chân sang Mỹ, giai đoạn đầu tôi cũng buồn thật, vì nhớ nhà, có khi bật khóc. Nếu tôi đi lúc 2 - 3 tuổi chắc sẽ khác, đằng này tôi ra đi khi đã trưởng thành, quê hương đã trở thành một phần trong cuộc sống rồi", Mạnh Quỳnh tâm sự.
Tại đất nước xứ cờ hoa, ban đầu Mạnh Quỳnh phải tranh thủ cùng lúc làm 2, 3 công việc để có tiền trang trải cuộc sống cũng là để mình không có thời gian rảnh mà nhớ nhà. Tuy nhiên, anh vẫn duy trì niềm đam mê ca hát bằng cách hát góp vui cho bạn bè trong những buổi tiệc.
Thời đó, dòng nhạc sôi động đang rất thịnh hành qua tiếng hát của Linda Trang Đài. Bản thân Mạnh Quỳnh không dám nghĩ rằng một ngày nào đó, mình sẽ trở thành ca sĩ với giọng hát bản năng và dòng nhạc sến vốn dĩ được cho là bình dân.
Nguyện gắn với chữ "nghèo"
Năm 1995, trong lần hát tại đám cưới của một người bạn, Mạnh Quỳnh góp vui bằng ca khúc Gõ cửa (của nhạc sĩ Mạnh Quỳnh). Với giọng hát ngọt ngào, anh được bạn bè động viên thu âm một số nhạc phẩm gửi đến các trung tâm ca nhạc trong đó có Trung tâm Người Đẹp Bình Dương và đây chính là nơi đầu tiên gọi anh đến thử giọng.
Háo hức, hồi hộp, Mạnh Quỳnh mấy đêm liền không ngủ được đến nỗi khi đi thử giọng, anh bước vào phòng thu và bị tắt tiếng, phải xin nghỉ 2 - 3 ngày để thu lại. Đợt đó, Mạnh Quỳnh hát thử 10 bài gồm Gõ cửa, Hai đứa giận nhau, Nói với người tình... và được ký hợp đồng ngay. Sau này, anh lấy nghệ danh Mạnh Quỳnh (tên thật của anh là Nguyễn Thanh Dũng) cũng vì duyên nợ với bài Gõ cửa.
Thời gian đầu, Mạnh Quỳnh hát theo bản năng, hoàn toàn không biết gì về thanh nhạc, cứ nghĩ đơn giản là khi hát, nhạc công sẽ theo mình. Sau này, được một số nhạc sĩ khuyên nên anh quyết định mướn thầy về dạy thanh nhạc.
Ngoài những sáng tác của các nhạc sĩ khác, Mạnh Quỳnh còn thể hiện những ca khúc được phổ thơ từ... chính anh. Nam ca sĩ bật mí, ngày sang Mỹ, anh vẫn mang theo cuốn tập học trò, nơi lưu giữ những bài thơ mà anh từng sáng tác thời đi học.
Thời đó, Mạnh Quỳnh tự nhận mình học rất "dốt" môn Toán nhưng lại rất thích học Văn và làm thơ. Những bài thơ này sau đó đã trở thành những ca khúc được anh thể hiện trên sân khấu như Trọn mối tình si, Kẻ sầu đời, Vì tôi nghèo, Cát bụi tình đời...
Mạnh Quỳnh thành công với những ca khúc gắn liền với chữ "nghèo" - Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Với giọng hát đặc trưng, Mạnh Quỳnh đã ra mắt gần 50 CD khi còn ở Trung tâm Người Đẹp Bình Dương. Thời đó chưa có DVD nhưng nhờ giọng hát đặc biệt làm say đắm lòng người mà cái tên Mạnh Quỳnh đã được biết đến nhiều và trở nên đắt show tại hải ngoại, đặc biệt là từ sau CD Hai đứa giận nhau kết hợp cùng ca sĩ Hương Lan.
Sau đó, Trung tâm ca nhạc Tình đã mời anh về thực hiện DVD đầu tiên mang tên Nhẫn cỏ cho em, sau đó là Trở về cát bụi... Đến đầu năm 2000, Mạnh Quỳnh chính thức về Trung tâm Thúy Nga. Tại đây, anh kết hợp cùng nữ ca sĩ Phi Nhung thành một cặp song ca ăn ý, rất được khán giả yêu thích. Lần đầu khán giả được gặp gỡ đôi song ca Mạnh Quỳnh - Phi Nhung với ca khúc Dù anh nghèo.
Thời kỳ đỉnh cao của Mạnh Quỳnh là vào năm 2000 - 2007. Những năm đó, Mạnh Quỳnh và Phi Nhung đi show liên tục. Có những tháng, cả hai đi 10 show. Lúc đó, Mạnh Quỳnh gầy nhom, chưa đến 50 kg. Thời gian sau đó, Phi Nhung về Việt Nam hoạt động nhiều nên sự kết hợp này bị gián đoạn.
Mạnh Quỳnh và Phi Nhung - Ảnh: T.L
|
Hiện tại, Mạnh Quỳnh là ca sĩ tự do. Anh bảo như vậy thoải mái hơn và có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn. Thỉnh thoảng, anh cũng về Việt Nam để đi hát ở các tụ điểm, thường là những vùng quê xa xôi, nơi có những người dân nghèo khó, chân phương.
"Tôi muốn mang lời ca tiếng hát đến với những người dân thiếu thốn điều kiện vì nó khiến tôi nhớ về tuổi thơ mê ca hát, thường xuyên lén mẹ đến những sân khấu "chuồng gà", Mạnh Quỳnh chia sẻ.
Mạnh Quỳnh bây giờ vẫn "rặt" Việt Nam, vẫn hít hà khi nghe ai đó nhắc đến canh chua, mắm chưng... dù đã nhiều năm sống ở nước ngoài. Anh cũng không ngại khi nghe ai đó bảo mình chỉ hát được dòng nhạc bình dân bởi với anh, đó là một niềm tự hào.
Bình luận (0)