Vì sao miễn đăng kiểm vẫn phải đóng phí?

08/05/2024 06:31 GMT+7

Từ ngày 15.6, ô tô thuộc diện được miễn đăng ký lần đầu sẽ phải đóng phí và một số dịch vụ in lại giấy, tem kiểm định cũng sẽ thu phí.

Tránh thiệt thòi cho đơn vị đăng kiểm

Theo Thông tư số 02/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, từ ngày 22.3.2023, đối với ô tô được miễn đăng kiểm lần đầu, chủ xe, hoặc người được ủy quyền không phải đưa phương tiện đến các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) để kiểm tra mà chỉ cần mang các giấy tờ theo quy định đến TTĐK để lập hồ sơ phương tiện. Sau đó TTĐK sẽ cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cùng tem kiểm định để dán trên kính lái phương tiện.

Với việc không cần đưa xe đến để kiểm tra, chủ phương tiện sẽ không mất phí dịch vụ kiểm định (hiện nay dao động từ 250.000 - 570.000 đồng/xe, tùy từng loại xe). Tuy nhiên, chủ xe vẫn cần nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định, 40.000 đồng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, riêng với xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi (không bao gồm xe cứu thương) lệ phí này là 90.000 đồng. Trong thời gian tới, mức phí này sẽ được điều chỉnh tăng thêm. Cụ thể, từ ngày 15.6.2024, chủ ô tô thuộc diện được miễn đăng kiểm lần đầu sẽ cần phải trả thêm mức phí làm thủ tục lập hồ sơ phương tiện theo quy định tại Thông tư 11/2024/TT-BGTVT là 46.000 đồng/phương tiện (chưa bao gồm thuế VAT), nếu tính cả thuế VAT 8%, mức thu hiện nay sẽ là 49.680 đồng/phương tiện.

Sắp tốn thêm phí nhưng đa số chủ xe cho rằng việc tăng giá là hợp lý

Sắp tốn thêm phí nhưng đa số chủ xe cho rằng việc tăng giá là hợp lý

Q.T

Giải thích về việc miễn đăng kiểm lần đầu nhưng vẫn phải đóng phí, tại tờ trình gửi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm VN cho biết: Năm 2023 có khoảng 500.000 ô tô thuộc diện được miễn kiểm định lần đầu. Do chưa có quy định về việc thu phí dịch vụ lập hồ sơ phương tiện, chi phí phục vụ cấp tem kiểm định, giấy chứng nhận đăng kiểm đối với phương tiện được miễn đăng kiểm lần đầu nên gây thiệt thòi cho các đơn vị đăng kiểm do vẫn phải sắp xếp nhân lực, máy móc, thiết bị phục vụ việc lập hồ sơ phương tiện, in giấy chứng nhận và cấp tem kiểm định cho người dân. Việc điều chỉnh này nhằm tránh thiệt thòi cho các đơn vị đăng kiểm.

Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo một TTĐK tại TP.HCM chia sẻ: "Năm 2023, trung tâm của tôi kiểm định cho khoảng 5.000 xe mới. Thời điểm đó miễn phí nên các chủ xe hưởng lợi, không mất gì cả. Mặc dù vậy, theo nhiệm vụ được giao, chúng tôi vẫn làm dù phải gánh các chi phí in ấn, nhân công, máy móc… Trước khi ban hành thông tư điều chỉnh, Cục Đăng kiểm có gửi công văn để các TTĐK góp ý, với mức tăng này thì vẫn còn khá thấp tuy nhiên tôi không có đề xuất gì thêm vì nghĩ rằng có còn hơn không, tăng thêm được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu".

Chủ xe nói gì?

Dù vẫn phải đóng phí khi được miễn đăng kiểm nhưng đa số các chủ xe hay những người đang có dự định mua xe mới đều đồng thuận. Anh Nguyễn Duy, ngụ tại Hà Nội, nói: "Từ khi có quy định miễn kiểm định cho xe mới, một số TTĐK còn tỏ ra không mặn mà khi tiếp nhận kiểm định vì họ không thu được phí gì cả. Sắp tới có thêm loại phí lập hồ sơ phương tiện dành cho ô tô miễn đăng kiểm lần đầu, theo tôi cũng là phù hợp, thậm chí còn khá rẻ".

Anh Hoàng Huy, một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, cùng ý kiến: "Nếu chỉ cần lên mạng tải về rồi tự in tem ra dán thì rất đơn giản, không cần thu thêm phí cũng được. Nhưng ở đây xe miễn kiểm định lần đầu cần người nhập thủ công hồ sơ, thu bảo trì, hoàn thiện hồ sơ (photo, in ấn, ghép hồ sơ) và đặc biệt lưu trữ hồ sơ, xe con lưu cả đời, xe tải khách lưu đến sau khi hết niên hạn (ít nhất 22 năm) thì thu thêm 50.000 đồng cũng có thể nói là hơi ít. Đúng ra nên mỗi xe 100.000 đồng mới đủ".

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện một số hiệp hội ô tô vận tải tại các địa phương nhận xét: "Việc tăng mức phí đối với xe miễn kiểm định lần đầu cũng là phù hợp vì không ai có thể làm miễn phí mãi được. Chưa kể, mức tăng hiện nay cũng khá thấp, không đáng bao nhiêu. Vấn đề quan tâm hiện nay của các chủ xe là các yêu cầu kiểm định được siết chặt, tỷ lệ rớt đăng kiểm khá cao khiến cho tài xế không yên tâm. Ngoài ra, tiêu chuẩn ở các TTĐK lại không thống nhất, nơi quá khó khăn nơi thì có thể xem xét cho qua, có nơi lại bảo rằng chưa được phổ biến quy trình, vì vậy các chủ phương tiện sợ rớt đăng kiểm còn khá nhiều".

Lãnh đạo một TTĐK trên địa bàn Hà Nội thừa nhận các khoản thu của đơn vị chủ yếu vẫn từ giá dịch vụ kiểm định xe (từ 240.000 - 560.000 đồng/xe), tiền trích lại từ việc thu hộ phí bảo trì đường bộ (1,32% tổng số tiền thu). Tuy nhiên, lượng xe đến kiểm định sụt giảm trong những tháng qua dẫn đến thu không đủ bù chi. Ví dụ, trước đây trung bình mỗi tháng, tiền thu được từ giá dịch vụ kiểm định xe khoảng 800 triệu đồng. Trong vòng 6 tháng nay thu nhập dao động chỉ khoảng 150 triệu đồng, tiền phí bảo trì đường bộ doanh thu giảm hẳn một nửa cũng kéo theo khoản tiền trích lại thu hộ từ phí bảo trì đường bộ chỉ được khoảng vài chục triệu đồng. Để duy trì hoạt động đăng kiểm, trung tâm đang gồng mình vượt qua khó khăn nhưng không thể kéo dài lâu, nếu không có kinh phí rất khó giữ đăng kiểm viên. Do đó, việc tăng giá kiểm định thực sự rất cấp thiết.

Giám đốc một TTĐK tại TP.HCM thì nửa đùa, nửa thật: "Mức tăng phí dịch vụ đối với xe miễn kiểm định lần đầu từ ngày 15.6 có thể xem là "cứu đói" cho TTĐK. Mặc dù mức giá không bao nhiêu và số lượng xe mới cũng đang sụt giảm nhưng có ít vẫn còn hơn không có. Về lâu dài, các TTĐK mong muốn được tăng phí dịch vụ đăng kiểm theo đề xuất lâu nay. Thời gian gần đây thời tiết nóng bức, giá điện tăng, nhân viên đăng kiểm hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt. Chi phí nào cũng tăng nhưng giá dịch vụ kiểm định 10 năm nay không tăng, điều này gây ra sự thiệt thòi và khó giữ chân được nhân lực đăng kiểm viên". 

Từ ngày 15.6.2024, chủ ô tô miễn đăng kiểm lần đầu khi đến TTĐK làm thủ tục lập hồ sơ phương tiện, nhận giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định, sẽ cần trả hai loại phí gồm: Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, tem kiểm định và giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện ô tô miễn đăng kiểm lần đầu. Ví dụ, đối với ô tô dưới 10 chỗ, tổng mức phí cần trả là 139.680 đồng/phương tiện (gồm 90.000 đồng lệ phí cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định và 49.680 đồng giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện, đã bao gồm thuế VAT). Trường hợp, chủ xe muốn in lại tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định, mức thu bằng 50% mức giá lập hồ sơ phương tiện (tức 23.000 đồng/lần/xe, chưa bao gồm thuế VAT).

Cảnh báo ùn tắc đăng kiểm tại Đồng Nai

Tối 6.5, Công an Đồng Nai thực hiện lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam Phó giám đốc phụ trách TTĐK 60-01S (TP.Biên Hòa) để điều tra. Ngay sau đó, TTĐK này đã dán thông báo dừng hoạt động từ ngày 7.5. Đây là TTĐK lớn nhất tỉnh Đồng Nai với 3 dây chuyền đăng kiểm, công suất khoảng 200 xe/ngày. Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn 4 TTĐK đang hoạt động gồm 60-04D và 60-05D (TP.Biên Hòa), 60-02S (TP.Long Khánh); 60-06D (H.Long Thành) với tổng số 9/14 dây chuyền, công suất ước tính gần 13.000 lượt xe/tháng. Ghi nhận trong sáng 7.5, tại các TTĐK trên đã xuất hiện tình cảnh chen chúc, xếp hàng kéo dài, có khả năng gây ùn tắc trong những ngày tới. Trước tình hình này, ban quản trị ứng dụng TTĐK (Cục Đăng kiểm VN) khuyến cáo tài xế có nhu cầu đăng kiểm tại Đồng Nai nên di chuyển sang các trạm khác hoặc các vùng lân cận để tránh mất thời gian.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.