Khi Brazil gặp Croatia ở vòng tứ kết sắp tới, đấy sẽ là một trong những trận đấu lớn, có thể “định hình” toàn bộ giải đấu này. Và đấy sẽ là cuộc so tài kỳ lạ Modric – Vinicius.
Modric (trái) |
AFP |
Họ là đồng đội của nhau ở siêu CLB số 1 thế giới Real Madrid. Họ là quá khứ (Modric), hiện tại (cả Modric lẫn Vinicius), và tương lai (Vinicius) của Real. Nói rằng Modric hiểu Vinicius đến tận chân tơ kẽ tóc, e là thừa thãi. Modric mà giúp được Croatia chặn đứng Brazil, hẳn nhiên anh sẽ được nâng tầm đến mức độ huyền thoại của cả lịch sử bóng đá, ngay trong những ngày cuối cùng khoác áo đội tuyển Croatia này.
Chưa ai quên được hình ảnh mang tính biểu tượng, khi lão tướng 37 tuổi Giorgio Chiellini (Ý) kéo ngược ngôi sao trẻ Bukayo Saka (Anh) trong trận chung kết EURO 2020? Vâng, đấy là giá trị kinh nghiệm của một ngôi sao lão làng. Nhưng tất nhiên, Chiellini dùng kinh nghiệm để thắng, để đưa Ý lên ngôi vô địch, theo phong cách Ý. Modric thì sẽ giúp Croatia theo phong cách Croatia!
Cách đây 4 năm, Modric đã tỏa sáng trong một trận đấu mà báo giới cố tìm mọi từ ngữ hay đẹp để viết về “sự thể hiện tốt nhất của một tiền vệ ở World Cup 2018”. Anh kéo một Croatia nhìn chung là đã mệt mỏi trở về với thế quân bình sau khi bị Anh dẫn điểm ở trận bán kết, rồi thắng ngược trong hiệp phụ để vào chung kết. Và anh đoạt “Quả Bóng Vàng châu Âu 2018” nhờ phong độ tuyệt vời ở kỳ World Cup ấy. Đấy là lần duy nhất trong 13 năm (2008-2021), Quả Bóng Vàng bị kéo ra khỏi cuộc tranh chấp tay đôi Lionel Messi – Cristiano Ronaldo!
“Phong cách Croatia” của Modric là dùng kỹ thuật và sự khôn khéo để làm chủ bản thân mình, hơn là để chống đỡ hoặc đối phó với các đối thủ vượt trội trong những lĩnh vực khác nhau. Bóng đá Anh nổi tiếng nhất thế giới suốt hàng trăm năm về khả năng “chạy và sút”, vậy Modric và đồng đội cứ phải chạy theo họ để làm gì! Nhìn ra cục diện tổng thể và làm chủ bước chạy của mình trong những mét đầu tiên, thế là quá đủ. Người ta có thể gọi Modric và đồng đội là những “chiến binh” tuyệt vời. Kỳ thực, cách khen theo hơi hướng chữ nghĩa này, đối với Modric, thường là không chuẩn, hoặc chưa đủ. Lão tướng Modric luôn can trường. Nhưng anh chơi bóng một cách khôn ngoan, theo phong cách riêng phù hợp với giá trị sở trường của mình (kỹ thuật, sáng tạo), hơn là “chiến đấu”. Đấy cũng là lý do để Modric vẫn đang tồn tại như một ngôi sao đích thực, ở tuổi 37. Với Modric và đồng đội, “đi bộ” trên sân là một nghệ thuật!
Modric rời sân trong hiệp phụ ở trận gặp Nhật Bản tại vòng 1/8, nhưng “tinh thần Modric” thì được giữ nguyên. Đối phương tìm cách xé nát đội hình Croatia, giằng xé theo mọi hướng, bằng cái hơn mang màu sắc trẻ khỏe. Ngược lại, cầu thủ Croatia chỉ… nhẹ nhàng di chuyển một cách chủ động, có tính toán. Họ cố giữ bóng đến mức nhiều nhất có thể, nhưng không phải để tấn công mà để đối phương không được chơi bóng. Muốn nói họ “bóp chết trận đấu” cũng được. Các cầu thủ Croatia chỉ cần có bóng là đủ làm cho đối phương phải ngán ngẩm, thận trọng. Khi Modric có mặt trên sân, anh luôn đáng gờm trong khía cạnh này.
Ở hai trong ba trận vòng bảng, “nghệ sĩ đi bộ” Modric được trao giải cầu thủ hay nhất trận. Còn trong trận hòa Nhật (và thắng ở loạt sút luân lưu) thì tất nhiên giải thưởng này phải được trao cho thủ môn Croatia. Mãi đến hết trận ấy, Modric… mới thật sự chạy, với niềm vui hình ảnh biểu tượng. Anh chạy ra sân để ôm lấy thủ môn của mình.
Bình luận (0)