TP.HCM và các tỉnh miền Tây đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài với mức nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm. Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa, các địa phương này sẽ đón những cơn mưa chuyển mùa, sau đó là thời điểm chính thức bước vào mùa mưa.
Theo dự báo, mùa mưa ở TP.HCM sẽ đến sớm hơn các tỉnh miền Tây. Vì sao như vậy?
Mùa mưa phụ thuộc nhiều yếu tố
Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, mỗi khu vực có tiêu chí để xác định, dự báo ngày bắt đầu mùa mưa khác nhau. Đối với Nam bộ, qua quá trình áp dụng các chỉ tiêu, có 2 chỉ tiêu được cho là tương đối phù hợp.
Theo đó, chỉ tiêu 1 là ngày bắt đầu mùa mưa được tính khi có các yếu tố:
- Tổng lượng mưa của 5 ngày liên tiếp trên 25 mm.
- Ngày bắt đầu và ít nhất 2 ngày trong chuỗi 5 ngày liên tiếp đều có lượng mưa trên 0,1 mm/ngày.
- Không có quá 7 ngày liên tiếp không có mưa trong chuỗi 30 ngày tiếp theo.
Mùa mưa ở Nam bộ cũng có thể tính theo chỉ tiêu 2: Ngày bắt đầu mùa mưa là ngày có lượng mưa lớn hơn 5 mm, tổng lượng mưa 10 ngày sau đó lớn hơn 50 mm với ít nhất 5 ngày có mưa và sau thời kỳ này không có chuỗi ngày gián đoạn mưa liên tục quá 5 ngày.
Theo thạc sĩ Lê Đình Quyết, khu vực Nam bộ mặc dù địa hình khá bằng phẳng, không có sự khác biệt nhiều về phân bố địa hình, nhưng do khu vực rộng lớn, vị trí các tỉnh thành nơi giáp biển, nơi không gần biển nên có sự khác nhau về diễn biến mưa hằng năm.
Nắng nóng ở Nam bộ kéo dài đến hết tháng 4
Mùa mưa ở TP.HCM, Nam bộ ảnh hưởng rất lớn bởi hoạt động của gió mùa tây nam, nguồn gốc gió từ phía nam bán cầu vượt qua xích đạo gió lệch phải chuyển hướng thành tây nam. Do có nguồn gốc từ biển và hình thành trên vùng có nhiệt độ mặt nước biển cao, không khí nóng ẩm, tiềm năng ẩm dồi dào, từ biển thổi vào đất liền gây mưa.
"Ngày bắt đầu mùa mưa ở các tỉnh Nam bộ có năm trùng vào thời kỳ bắt đầu gió tây nam hoạt động, nhưng cũng có năm không trùng - nghĩa là bước vào mùa mưa chính thức, nhưng gió chưa phải hướng tây nam thịnh hành. Diễn biến mưa phụ thuộc nhiều vào vị trí địa lý, điều kiện địa hình, do đó hàng năm mưa ở mỗi tỉnh cũng khác nhau về tổng lượng, về ngày bắt đầu, kết thúc mùa mưa", ông Quyết giải thích.
Vì các yếu tố trên, Trưởng phòng Dự báo cũng thông tin, năm 2024 nhận định mùa mưa sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, từ đầu tháng 5, trên khu vực sẽ xuất hiện những cơn mưa chuyển mùa, từ ngày 10 - 15.5, TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ bước vào mùa mưa (trừ Bà Rịa - Vũng Tàu); sau đó các tỉnh miền Tây như: Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang; những tỉnh mùa mưa đến muộn nhất vào khoảng 17 - 22.5 gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre...
Người dân cần lưu ý gì khi có mưa?
Ông Quyết cho hay, tuy bước vào mùa mưa, nhưng tháng 5 và 6 tổng lượng mưa trên khu vực vẫn thấp. Người dân cần sử dụng nguồn nước mưa cho sản xuất một cách tiết kiệm, hợp lý. Đặc biệt là ở miền Tây hay các tỉnh Đông Nam bộ cần nước mưa phục vụ nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nước mưa của những trận mưa đầu mùa thường cuốn theo các chất ô nhiễm trong không khí nên người dân lưu ý không sử dụng để nấu nướng, sinh hoạt, đồng thời hạn chế tối đa không để dính nước mưa vào cơ thể, nếu bị mưa ướt, cần nhanh chóng tắm rửa để tránh những bệnh về da do nước mưa chứa ô nhiễm gây ra.
"Những trận mưa đầu mùa thường rất hay kèm theo giông, sét, gió giật nguy hiểm đến tính mạng. Người dân cần đặc biệt lưu ý để đề phòng, trú tránh an toàn", Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ khuyến cáo.
Bình luận (0)