Vì sao Nam bộ vào mùa mưa mà vẫn nắng nóng gay gắt?

Chí Nhân
Chí Nhân
19/05/2023 16:24 GMT+7

Dù những cơn mưa đầu mùa đã xuất hiện nhiều hơn nhưng vì sao người dân TP.HCM và nhiều tỉnh thành ở Nam bộ vẫn cảm nhận nắng nóng gay gắt?

Phải thay máy lạnh ngay trong mùa mưa

"Đã thật sự vào mùa mưa chưa mà sao mới 9 giờ sáng đã thấy nắng nóng gay gắt, nhiều ngày tới chiều tối vẫn còn nóng hầm hập?", chị Thanh Thủy bày tỏ thắc mắc khi vừa di chuyển từ Q.7 đến văn phòng công ty ở khu vực trung tâm thành phố. Theo chị Thanh Thủy, những ngày gần đây, buổi chiều trời kéo mây đen dày đặc nhưng cuối cùng để lại cái nóng khoảng 37 - 38 độ C. Từ sau đợt nghỉ lễ đến nay, dù mưa có xuất hiện nhưng vẫn còn thưa nên nắng vẫn cứ gay gắt.

Vì sao Nam bộ vào mùa mưa mà vẫn nắng nóng gay gắt? - Ảnh 1.

Một số người dân TP.HCM vẫn phải thay máy lạnh mới dù đã qua mùa nắng nóng

CHÍ NHÂN

Anh Tuấn An ngụ Q.10 nhận xét "Dù vài cơn mưa gần đây có giúp hạ nhiệt chút ít nhưng thời tiết vẫn còn rất nóng. Nhà tôi gần như phải mở máy lạnh 20/24 tiếng mới có thể chịu đựng nổi với nắng nóng. Tháng vừa qua, hóa đơn tiền điện tăng hơn gấp đôi so với bình thường. Cứ tưởng vào mùa mưa có thể hạn chế việc sử dụng máy lạnh nhưng đến thời điểm này vẫn chưa giảm được. Do máy đã cũ, tiêu tốn điện nhiều nên mới tuần trước phải thay một máy mới để tiết kiệm hơn về lâu dài".

Tài xế, bảo vệ ở TP.HCM những ngày tia UV ở mức nguy hại: ‘Hở chỗ nào, rát chỗ đó’

Theo dõi thời tiết trên ứng dụng của các thiết bị di động có thể thấy, từ sau 11 giờ nhiệt độ khí tượng tại TP.HCM đã 34 - 36 độ C kéo dài đến 15 giờ; còn nhiệt độ cảm nhận từ 39 - 41 độ C.

Giải thích về tình trạng nắng nóng hiện nay, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết: Từ ngày 12.5, gió mùa tây nam đã hoạt động mạnh hơn; cả khu vực Nam bộ hình thành kiểu thời tiết đặc trưng của mùa mưa ở Nam bộ là sáng nắng chiều mưa. Tuy nhiên, do mới đầu mùa nên lượng mưa vẫn còn khá hạn chế nên nắng nóng vẫn chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, áp thấp nóng Ấn - Miến ở phía tây hoạt động mạnh cũng ảnh hưởng đến nhiệt độ hiện tại ở Nam bộ và Việt Nam. "Tuy nhiên, thời gian nắng nóng trong ngày có thu hẹp lại so với trước đây, chỉ còn từ 9 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Hiện nay, gió mùa tây nam đang tiếp tục mạnh lên và mưa sẽ nhiều dần lên, theo đó nhiệt độ tiếp tục giảm thêm", bà Lan cho biết.

Nhiệt độ trung bình tăng 0,5 - 1 độ C

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Trong tháng 4.2023, nhiệt độ trung bình (NĐTB) tại khu vực Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ phổ biến cao hơn từ 1 - 1,5 độ C; riêng khu vực phía đông Bắc bộ, Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Vì sao Nam bộ vào mùa mưa mà vẫn nắng nóng gay gắt? - Ảnh 2.

Nắng nóng gay gắt dù đã vào mùa mưa

CN

Trong nửa đầu tháng 5.2023, NĐTB trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đáng chú ý, khu vực Tây Bắc bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Ngãi, Tây nguyên cao hơn từ 1,5 - 2 độ C, có nơi trên 2 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nắng nóng và tổng lượng mưa trong tháng 4 trên phạm vi cả nước phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 30 - 60%. Còn trong nửa đầu tháng 5, tổng lượng mưa ở Bắc bộ và Nam bộ hầu hết thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30 - 80%.

Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 19.5

Dự báo từ nay đến hết tháng 8, nắng nóng tiếp tục có khả năng xảy ra tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ, số ngày nắng nóng năm nay xảy ra nhiều hơn trung bình nhiều năm và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022.

Nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm; riêng khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ giai đoạn tháng 7 - 8.2023 phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm.

Tổng lượng mưa hầu hết các khu vực trên cả nước thời kỳ từ tháng 6 - 8.2023 phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng tháng 8 tổng lượng mưa tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ phổ biến cao hơn từ 5 - 20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan, nhiệt độ trung bình năm sau luôn tăng cao hơn so với trước đó chính là xu thế mà chúng ta vẫn gọi là hiện tượng "trái đất ấm lên". Nguyên nhân sâu xa là do các hoạt động kinh tế xã hội của con người đặc biệt là các hoạt động khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chúng tạo ra nhiều khí CO2 khiến bầu khí quyển nóng hơn. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta còn chịu ảnh hưởng của tình trạng El Nino (nắng nóng). El Nino không chỉ gây nắng nóng kéo dài và mưa ít hơn mà chính là các hình thái thời tiết như EL Nino và La Nina sẽ gây ra các kiểu thời tiết cực đoan. Chẳng hạn mùa hè sẽ nóng và kéo dài hơn, ngược lại mùa đông cũng sẽ lạnh và kéo dài hơn, còn chỗ khô hạn cũng sẽ khô hạn hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.