Vì sao nên nghĩ kỹ trước khi nhận công việc dưới sức mình?

05/06/2016 15:38 GMT+7

Nhận việc dưới sức luôn là một quyết định khó khăn với người lao động nhưng đây không phải là điểm dừng của sự nghiệp.

Bạn từng có một công việc tuyệt vời đúng chuyên ngành mình theo đuổi nhưng rồi nhiều thứ thay đổi, chẳng hạn như công ty cắt giảm nhân sự, giải thể, hay chuyển đi. Thế là bạn đang đứng trước nguy cơ phải nhận một công việc đơn giản hơn, hoặc chịu mức lương thấp hơn. Đây là tình huống rất dễ làm người lao động lo lắng hay thậm chí là suy sụp.
Theo một chuyên gia tư vấn nhân sự giàu kinh nghiệm thì sự nghiệp không phải là những bậc thang bằng phẳng mà là một con đường dài ghập ghềnh và một bước lùi chưa phải là thất bại. Nhưng đứng trước thay đổi này, tỉnh táo để lựa chọn đúng là điều rất quan trọng. Sau đây là một số yếu tố mà bạn nên xem xét trước khi quyết định nhận việc dưới sức:
Nhà tuyển dụng vẫn ưu tiên người phù hợp
Các ứng viên từng làm công việc dưới khả năng ít nhận được phản hồi tích cực từ nhà tuyển dụng hơn so với những người làm đúng năng lực, dù có vẻ như họ dư sức đảm đương yêu cầu công việc. Theo nghiên cứu từ Đại học Texas-Austin (Mỹ) 5% số ứng viên từng làm việc dưới trình độ nhận được phản hồi không tốt khi đi xin việc, trong khi tỷ lệ này ở người làm công việc phù hợp chỉ khoảng 2,5%.
Nghiên cứu cho thấy cả nam và nữ từng làm việc dưới khả năng đều phải chịu nhiều bất lợi. Ngoài ra, nam giới nếu từng làm việc bán thời gian trong một khoảng thời gian dài thì sự nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng xấu hơn so với nữ giới.
Bù lại, bạn có nguồn thu nhập ổn định và bớt nỗi lo thất nghiệp
Tuy vậy, thất nghiệp vẫn còn tệ hơn. Các chuyên gia tuyển dụng cho biết hầu hết người lao động muốn làm tạm việc gì đó dưới sức hơn là đắm mình trong tình trạng ăn không ngồi rồi trong nhiều tháng liền. Công việc dù không được lý tưởng và phù hợp với năng lực vẫn là một cơ hội để mở rộng các mối quan hệ, cập nhật kỹ năng mới và giữ cho bản thân gắn liền với môi trường làm việc năng động. Thêm vào đó, nhiều người lao động không có sự lựa chọn nào khác để kiếm thu nhập ổn định.
Có một khoảng trống trong sơ yếu lý lịch của bạn có thể là bất lợi khi đi xin việc. Dữ liệu khảo sát cho thấy hồ sơ của những người thất nghiệp dài hạn chỉ đạt tỉ lệ phản hồi thấp từ nhà tuyển dụng. Ngoài ra, khi đến phỏng vấn với nhà tuyển dụng thì bạn sẽ phải chuẩn bị tinh thần để giải thích rất nhiều thứ.
Năng động để nắm bắt cơ hội
Để vượt qua tình huống này, bạn cần đầu tư làm sơ yếu lý lịch thật hiệu quả để hướng nhà tuyển dụng đến những điều bạn sẽ làm được trong tương lai thay vì tập trung khai thác công việc của bạn trong quá khứ. Bạn cần ghi rõ, ở vai trò này bạn đã làm được gì, học được gì và cho dù đó là một bước lùi thì bạn cũng đã nỗ lực như thế nào để biến nó thành cơ hội.
Các chuyên gia khuyên bạn nên cân bằng công việc kỹ năng thấp bằng các hoạt động tình nguyện hay các hợp đồng làm việc ngắn hạn khác. Những hoạt động này chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn vẫn duy trì những kỹ năng vượt bậc của bản thân mọi lúc, ngay cả khi bạn đang phải làm việc đơn giản hơn rất nhiều. Công việc tình nguyện luôn là điểm sáng trong hồ sơ và nó không chỉ dành cho các bạn trẻ mới ra trường, và đó cũng là một cơ hội tuyệt vời để bạn vận dụng những kỹ năng sẵn có vào việc có ích cho cộng đồng, xã hội.
Thật lý tưởng nếu sự nghiệp của bạn ngày càng thăng tiến nhưng nếu không may gặp trắc trở thì bạn vẫn cần tiến lên phía trước với tinh thần kiên trì và một cái đầu tỉnh táo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.