Vì sao nên 'tránh xa' cà phê sau khi uống rượu?

Liên Châu
Liên Châu
14/02/2024 14:11 GMT+7

Không uống rượu nếu lái xe, khi mang thai và dùng một số thuốc. Bên cạnh đó cũng không nên uống rượu với nước ngọt có ga và cà phê vì có thể làm tăng 'hiệu ứng' say rượu.

Không có ngưỡng an toàn khi uống rượu, bia

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với đồ uống có cồn như rượu, bia, không có mức độ uống nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy chỉ cần uống một lượng rất nhỏ rượu, bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả cho sức khỏe.

Nguy cơ do uống rượu, bia phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của người uống cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu, bia.

Việc phân loại các mức độ nguy cơ chỉ có tính chất tương đối. Nguy cơ với sức khỏe tăng rõ rệt nếu một người uống trên 2 đơn vị cồn trong một ngày và trên 5 ngày trong một tuần.

Vì sao nên 'tránh xa' cà phê sau khi uống rượu?- Ảnh 1.

Không nên dùng đồ uống chứa caffeine để "giải" rượu

SHUTTERSTOCK


Đặc biệt không sử dụng rượu, bia nếu điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc; phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú và một số trường hợp sử dụng thuốc.

Lưu ý thêm về việc sử dụng rượu, bia, một chuyên gia của Viện Dinh dưỡng lưu ý, bảo vệ sức khỏe thì không nên uống rượu, bia. Nếu uống nên cân nhắc và lưu ý về cách uống để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.

Không nên uống rượu với đồ uống có ga (nước giải khát có ga, bia) vì lượng ga làm tăng khả năng hấp thu rượu vào trong máu.

Sau khi uống rượu cũng nên tránh các loại nước có chứa caffeine (cà phê và trà), vì chúng có thể làm tăng hiệu ứng say xỉn.

Vì sao nên 'tránh xa' cà phê sau khi uống rượu?- Ảnh 2.

Không uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe. Nếu uống, nên uống đúng cách và sử dụng rất hạn chế

CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG

Nguyên nhân do rượu là một chất ức chế làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ. Caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim và trong một số trường hợp, gây nhịp tim đập nhanh và nhịp tim không đều.

"Caffeine có thể gây bồn chồn, kích động. Nếu sử dụng caffeine để "tỉnh táo" khi uống rượu là một sai lầm. Bởi uống đồng thời rượu và caffeine không có sự trung hòa giữa chất ức chế và chất kích thích, ngược lại nó làm tăng nguy cơ cho sức khỏe do mắc hội chứng "sốc độc tố", chuyên gia dinh dưỡng lưu ý.

Nên uống nhiều nước, không uống các loại rượu khác nhau

Ngoài ra, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo không uống nhiều loại rượu, bia cùng lúc vì mỗi loại có thành phần và liều lượng cồn (ethanol) khác nhau. Khi uống lẫn lộn, khiến gan quá tải, sẽ dễ bị say (ngộ độc rượu) vì phần lớn rượu khi vào cơ thể được chuyển hóa tại gan.

Theo Viện Dinh dưỡng, để bảo vệ sức khỏe thì không nên uống rượu, bia. Nếu uống nên cân nhắc và uống đúng cách để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nên uống nhiều nước lọc khi sử dụng đồ uống có cồn vì nước sẽ giúp phá vỡ cấu trúc rượu, làm giảm độ say. Nên bổ sung đủ nước để tránh tình trạng cơ thể mất nước. Có thể bổ sung nước trước, trong và sau khi uống rượu, bia.

Uống rượu từ từ cũng là cách giảm cơn say, giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày đồng thời giúp gan có thời gian để kịp ô xy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu.

Không nên uống rượu lúc đói vì uống rượu khi đói làm lượng cồn phối hợp với dịch vị tăng khả năng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày.


Không nên uống rượu, bia; không có mức độ uống nào là an toàn với rượu, bia. Nếu uống, cần rất hạn chế và lưu ý cách uống để giảm tác hại.

Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả hoặc súp, nước canh và đồ ăn, đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.

(Cục Y tế dự phòng, Viện Dinh dưỡng)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.