Đáng lo hơn, dù kim ngạch xuất khẩu đến hàng tỉ USD nhưng nội lực của các doanh nghiệp (DN), giá trị gia tăng mang về rất khiêm tốn.
Những cuộc ra đi
5 năm trước, Nhà máy P.A là một trong những cơ sở chế biến hạt điều được đầu tư hiện đại, quy mô lớn, nổi tiếng nhất ở vùng Phước Long (Bình Phước). Lãnh đạo địa phương xem đây là dự án đáng để tự hào, là mô hình để "khoe" khi có các đoàn khách đến tham quan. Huy, giám đốc Công ty P.A, luôn hào phóng với tất cả những người xung quanh, bởi thương hiệu đã được khách hàng nước ngoài biết đến, nguồn thu nhập từ xuất khẩu khá ổn định. Nhưng từ năm 2018, tình hình tiêu thụ điều thô trên thế giới bắt đầu biến động, giá điều thô nhập khẩu cao trong khi giá bán nhân điều lại không được điều chỉnh tương ứng. "Xù" hợp đồng thì mất uy tín, trong khi cắn răng thực hiện đúng cam kết thì lỗ nặng. Năm đó Công ty P.A của Huy bắt đầu nếm mùi thua lỗ, chỉ vài năm sau nhà máy đã phải bán tống bán tháo để trả nợ ngân hàng.
Ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, người có kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành kinh doanh hạt điều, nhìn nhận: "Ngành điều VN có một quá trình phát triển hàng chục năm, từ con số 0 đến nay đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD là sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng DN. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi có quá nhiều công ty tham gia, nhiều cơ sở chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, thậm chí đi lên từ các lò chẻ thủ công. Vốn ít, DN điều chỉ cần vài cơn sóng gió là phá sản nhưng lần lượt hết người này đến người khác, ngành điều vẫn thu hút khá nhiều DN lao vào kinh doanh. Điều đó khiến lợi nhuận thật sự của ngành điều càng ngày càng giảm sút. Cụ thể, trong khi các ngành khác lợi nhuận bình quân 10% thì ngành điều dù cho quản trị tốt thì lợi nhuận 2 - 3% là giỏi lắm rồi".
Theo Hiệp hội Điều VN (VINACAS), năm 2023, xuất khẩu điều nhân của VN đạt 645.316 tấn, tăng 24,33% so với 2022. Đây là kỷ lục mới trong lịch sử ngành điều VN (trước đây, lượng điều nhân xuất khẩu cao nhất là vào năm 2021 với 609.260 tấn). Đây là một sự tăng trưởng vượt bậc trong chế biến. Tuy nhiên, theo lãnh đạo VINACAS, điều đáng nói là đằng sau sự tăng trưởng về lượng ấy, nhiều DN càng làm càng lỗ. Nguyên nhân các DN khi mua điều thô thì tranh nhau mua vì nghĩ rằng mua sớm chất lượng tốt, đến khi chế biến nhân mang đi bán thì lại cạnh tranh nhau để bán, vì vậy giá điều nhân giảm sâu. Người mua chỉ cần nhìn động thái là biết ngay lúc nào VN buộc phải bán để ép giá. Hậu quả, trong năm 2023, có hàng trăm DN ngành điều phải từ giã cuộc chơi, đóng cửa tạm ngừng sản xuất hoặc thông báo phá sản.
Châu Phi nổi lên, thị phần VN bị thu hẹp
Không chỉ mua bán rủi ro như "đi trên dây", các DN ngành điều còn đối mặt với những vụ thưa kiện quốc tế và truy tố hình sự vì tội trốn thuế. Ông Vũ Thái Sơn nhận định, ngành điều thế giới đang thay đổi khi có sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các nước châu Phi. Trước đây, thị trường điều nhân thế giới chủ yếu được cung cấp bởi VN và Ấn Độ, trong đó VN chiếm hơn 80%. Nhưng gần đây đã nổi lên các nguồn cung khác, nhất là từ một số nước châu Phi, khiến thị phần của VN trên thị trường điều nhân toàn cầu giảm đi.
Trò chuyện với PV Thanh Niên tại Hội nghị điều quốc tế lần thứ 13 do VINACAS tổ chức tại Quảng Bình ngày 27.2, chị Trần Lê Xuân Diệp, phụ trách kinh doanh cho một công ty của Nigeria, cho biết: "Công ty của tôi đã nhập khẩu toàn bộ máy móc chế biến của VN, xây dựng nhà máy tại Nigeria và hiện nay đã có sản phẩm hoàn chỉnh, xuất khẩu sang châu Âu với giá rẻ hơn của VN. Mặc dù chưa có nhiều nhà máy như vậy ở châu Phi nhưng xu hướng mở rộng đang tăng lên, vì sản xuất ngay tại vùng nguyên liệu sẽ có giá thành rẻ hơn và vận chuyển cũng gần hơn".
Là DN đứng ở top đầu của ngành điều, ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty Cao Phát, thừa nhận: "Năm 2023 thực sự là khó khăn. Mặc dù đã hợp lý hóa sản xuất đến mức tối đa nhưng DN điều vẫn không hiệu quả. Có quá nhiều nhà máy nhỏ ở VN tham gia chế biến, mua quá nhiều điều thô và khả năng tài chính hạn hẹp đã buộc họ phải bán rẻ nhân điều dù thua lỗ, càng làm cho thị trường liên tục xuống giá thấp". Theo ông Uy, các nước châu Phi gần đây đã có thể tự chế biến nhân điều và xuất khẩu. Với lợi thế nguồn nguyên liệu, có khách hàng ở châu Âu đánh giá châu Phi đang chế biến ra sản phẩm tốt hơn VN, giá cạnh tranh hơn. Thực tế hiện nay trình độ chế biến của châu Phi chưa bằng được VN, tuy nhiên chất lượng chế biến của châu Phi tốt hơn do họ ở ngay vùng nguyên liệu.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS, nhìn nhận: "Nhà máy chế biến nhân điều VN phát triển quá "nóng" trong thời gian qua, công suất chế biến vượt nhu cầu tiêu thụ khiến giá bán giảm, trong khi nhiều DN vẫn phải mua dự trữ điều thô. Từ đó, sản xuất kinh doanh của DN và toàn ngành hiệu quả thấp. Thậm chí, không ít DN càng làm càng lỗ".
Tại Hội nghị điều quốc tế lần thứ 13, hầu hết các đại biểu, diễn giả quốc tế đều thừa nhận ngành điều đang đối mặt thách thức rất lớn đến từ nguồn nguyên liệu tăng nhanh của châu Phi, Campuchia. Khuyến cáo hiện nay là các nước trồng điều cần giảm sản lượng, hạn chế mở rộng diện tích trồng điều cho đến khi thị trường tiêu thụ ổn định trở lại.
Niềm hy vọng cho ngành điều VN hiện nay chính là thị trường Trung Quốc. Bà Chen Ying, Tổng thư ký Hiệp hội Hạt Trung Quốc, chia sẻ: "Sản lượng điều nhập vào Trung Quốc có biểu hiện giảm trong những năm gần đây, nhưng tương lai có tiềm năng phát triển rất lớn. VN là trung tâm chế biến hạt điều, rất gần với Trung Quốc nên có thể vận chuyển dễ dàng. Tỷ lệ tiêu dùng hạt ăn được của Trung Quốc đang ở mức thấp, chỉ khoảng 0,5 kg/người/năm, vì vậy tiềm năng còn tăng lên trong thời gian tới. Vấn đề hiện nay là DN VN cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch và tạo dựng thương hiệu, uy tín và đảm bảo chất lượng".
Ngoài Trung Quốc đang nổi lên là một trong những thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều nhân hàng đầu thế giới, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bắt đầu chuyển mạnh sang mua nhân điều của VN vì có chất lượng tốt, giá hợp lý. Trong năm 2024, nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng nhập khẩu hạt điều trở lại, nên ngành điều hy vọng sẽ khởi sắc hơn.
Nghịch lý ở chỗ, VN là trung tâm chế biến điều nhân nhưng lại không có vùng nguyên liệu; vùng trồng điều trong nước đang ngày càng thu hẹp và không còn sản lượng bao nhiêu. Đây chính là mấu chốt khiến các nhà máy phải cạnh tranh mua điều thô từ châu Phi, còn giá bán ra thì lại bị o ép.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS
Bình luận (0)