Sẽ giảm thủ tục kiểm dịch cho doanh nghiệp chế biến hạt điều

29/09/2023 06:52 GMT+7

Nhiều vướng mắc về lĩnh vực kiểm dịch thực vật đã được lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật giải đáp cho doanh nghiệp trong buổi đối thoại, phổ biến quy định pháp luật diễn ra tại TP.HCM chiều nay 28.9.

Sẽ giảm thủ tục kiểm dịch cho doanh nghiệp chế biến hạt điều  - Ảnh 1.

Việc kiểm dịch thực vật bắt buộc đối với mặt hàng điều nhân đã qua chế biến xuất khẩu là không cần thiết

Q.T

Ngày 28.9, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức buổi đối thoại phổ biến tuyên truyền quy định kiểm dịch thực vật. Như Thanh Niên đã phản ảnh, hiện nay quy trình kiểm dịch lô hàng thực vật nhập khẩu, nhất là trong ngành hàng hạt điều đang gặp nhiều trở ngại do nhân sự của lực lượng chức năng không đủ đáp ứng. 

Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước bức xúc: Quy trình kiểm dịch thực vật hiện nay với tất cả các container điều nhân xuất khẩu là không phù hợp. Thời điểm kiểm định lô hàng là trước khi xuất khẩu, trùng thời gian với cơ quan kiểm dịch thực vật cũng đi lấy mẫu, kiểm tra mối mọt, côn trùng các lô hàng xuất tại các nhà máy. Như vậy, hiện có 2 đơn vị thực hiện giám định cùng chỉ tiêu, cùng thời gian, cùng mục đích đối với một lô hàng xuất khẩu, trong khi đơn vị giám định độc lập đang thực hiện quy trình giám định kỹ hơn rất nhiều so với cơ quan kiểm dịch thực vật. Cụ thể, tỷ lệ lấy mẫu nhiều hơn, kiểm tra phân tích mẫu kỹ hơn, chịu trách nhiệm cao hơn. Vì vậy, việc cơ quan kiểm dịch thực vật giám định lô hàng một lần nữa là không cần thiết. Hơn nữa, do biên chế nhân sự kiểm dịch của cơ quan bảo vệ thực vật khá mỏng nên việc đi lấy mẫu cho các lô hàng điều xuất khẩu rất mất thời gian.

Đối với ý kiến này, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, mặt hàng điều thô nhập khẩu từ châu Phi có một số đối tượng dịch hại cần phải được kiểm soát, quy định kiểm dịch bắt buộc phải thực hiện ngay tại cảng, việc đưa hàng nhập khẩu vào sâu trong nội địa trước khi kiểm dịch là cách làm chưa chuẩn xác. 

Đối với mặt hàng nhân điều chế biến, ông Lê Sơn Hà khẳng định nguy cơ nhiễm dịch hại rất thấp, gần như không có, do đó quy trình kiểm dịch hiện nay là không cần thiết. Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết sẽ tiếp thu kiến nghị, xem xét để đề xuất lên Bộ NN-PTNT đưa mặt hàng nhân điều sơ chế và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu khác ra khỏi danh mục bắt buộc kiểm dịch nếu thấy không cần thiết, không có nguy cơ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Tại hội nghị, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng đã giải đáp các khâu then chốt trong công tác kiểm dịch thực vật như kiểm tra kiểm dịch hàng hóa xuất khẩu; cấp các loại giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu/ tái xuất khẩu; cấp thông báo an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật xuất khẩu cho hàng xuất khẩu; kiểm soát việc xuất khẩu các loài thực vật quý hiếm; ngăn chặn xuất khẩu các lô hàng không đáp ứng quy định kiểm dịch của nước nhập khẩu, và hỗ trợ làm thủ tục xuất khẩu nhanh chóng cho hàng hóa đủ điều kiện. Đặc biệt, đối với các sản phẩm rau củ quả tươi như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, thạch đen và khoai lang xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE… vì đây là yêu cầu bắt buộc của các thị trường nhập khẩu và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc.

 



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.