Vì sao người bệnh tiểu đường cần theo dõi đường huyết thường xuyên?

Lê Cầm
Lê Cầm
15/09/2022 11:20 GMT+7

Bệnh nhân L.M.H (65 tuổi, ngụ tại Bình Tân, TP.HCM) được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Dược (BVĐHYD TP.HCM) cấp cứu trong tình trạng hôn mê.

Theo thông tin từ người nhà, chị H. mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) loại 2 và được điều trị từ đầu năm 2021 cho đến nay. Thời gian gần đây, chị H. thường xuyên có các biểu hiện như hồi hộp, khó thở, chân tay run, vã mồ hôi,...

Tại Khoa Nội tiết, BVĐHYD TP.HCM, sau khi đánh giá sức khỏe tổng thể, bác sĩ xác định nguyên nhân hôn mê của chị H. là do hạ đường huyết. Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị song song phục hồi chức năng, chị H. và người thân đã được hướng dẫn phương pháp tự theo dõi đường huyết tại nhà. Đến nay, tình trạng người bệnh đã được kiểm soát.

Vì sao người bệnh đái tháo đường nên theo dõi đường huyết thường xuyên

Ngày 15.9, ThS-BS Trần Viết Thắng, Phó trưởng Khoa Nội tiết, BVĐHYD TP.HCM, cho biết bệnh đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm đối với người bệnh. Bằng cách tự theo dõi và kiểm soát đường huyết ở mức ổn định, người bệnh vừa có thể tránh được biến chứng vừa nâng cao hiệu quả điều trị và phục hồi.

Đầu tiên, theo dõi đường huyết giúp làm giảm các biến chứng do tăng/hạ đường huyết. Theo đó, khi chỉ số phản ánh lượng đường trung bình trong máu (HbA1C) giảm được 1% thì tỷ lệ nguy cơ tử vong do đái tháo đường giảm 21%; nguy cơ biến chứng mạch máu nhỏ giảm 37%; nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 14%. Song song đó, thói quen này còn giúp người bệnh phát hiện sớm và có cách xử trí phù hợp khi rơi vào tình trạng hạ đường huyết.

Thứ hai, theo dõi đường huyết giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Chế độ ăn uống, vận động, thuốc điều trị hoặc căng thẳng có mối quan hệ mật thiết với lượng đường huyết trong máu. Bằng cách tự theo dõi, người bệnh có thể xác định được những yếu tố nào làm tăng hoặc giảm lượng đường huyết. Dựa vào đó điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp cũng như lập kế hoạch sinh hoạt khoa học.

Cuối cùng, theo dõi đường huyết giúp tối ưu phương pháp điều trị. Thông qua chỉ số HbA1C, người bệnh có thể đánh giá được mức độ hiệu quả của các phương pháp điều trị đái tháo đường. Đồng thời, chỉ số này cũng giúp các bác sĩ đưa ra những quyết định điều trị thích hợp như điều chỉnh liều thuốc hạ đường huyết và insulin.

ThS-BS Trần Viết Thắng thăm khám cho người bệnh

bvcc

Những lưu ý khi theo dõi đường huyết ở người bệnh đái tháo đường

Theo bác sĩ Viết Thắng, muốn kiểm soát đường huyết tốt, người bệnh cần tuân thủ cũng như có sự phối hợp giữa chế độ ăn uống, vận động thể lực và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là duy trì thói quen tự theo dõi đường huyết mỗi ngày.

Tần suất đo đường huyết mỗi ngày tùy thuộc vào loại bệnh (loại 1, loại 2, thai kỳ), tình trạng người bệnh, tình trạng mức đường huyết mục tiêu, phác đồ điều trị của bác sĩ hoặc tùy thuộc vào điều kiện của người bệnh mà bác sĩ có thể đề xuất cho người bệnh số lần theo dõi đường huyết thích hợp. Trong trường hợp nhận thấy các triệu chứng hạ đường huyết, bị bệnh, chấn thương hoặc thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, người bệnh đái tháo đường nên tăng số lần thử đường huyết.

Song song với tần suất, thời điểm đo đường huyết cũng là một phần quan trọng ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả đo. Bác sĩ Thắng cho biết có 4 thời điểm chính bao gồm: Đo đường huyết đói (trước khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều); Đo đường huyết sau ăn (cách 2 giờ sau khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều); Trước khi ngủ; Trước hoặc sau khi tập thể dục.

Người bệnh đái tháo đường cần giữ đường huyết ở mức ổn định. Chỉ số HbA1C mục tiêu là 7.0% (có thể thay đổi tùy theo đặc điểm của người bệnh). Trong đó, đường huyết trước ăn dao động từ 4.0 - 7.0 mmol/l và dưới 10 mmol/l thời điểm 2 giờ sau ăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.