Vì sao nhà của tỉ phú Đông Dương xưa đang treo cảnh báo 'nguy hiểm không đến gần'?

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
18/09/2020 19:35 GMT+7

Nằm giữa trung tâm Q.1 (TP.HCM, khu biệt thự đẹp, xây dựng theo kiến trúc Pháp sơn màu vàng đất bắt mắt - từng là nhà của tỉ phú Đông Dương của đất Sài Gòn xưa - lại đang treo biển cảnh báo “nguy hiểm không đến gần”.

Vài ngày gần đây, du khách đến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (số 97A Phó Đức Chính, Q.1) và người dân xung quanh rất bất ngờ khi thấy treo biển in dòng chữ to tướng: “Cảnh báo khu vực nguy hiểm, xin vui lòng không đến gần”, trong khi tòa nhà từng của tỉ phú Đông Dương, hiện đang là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP, với ba mặt tiếp giáp đường Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm và Nguyễn Thái Bình.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thời gian gần đây, ngôi nhà có lối kiến trúc đẹp, từng thể hiện cho quyền uy và sự giàu có tỉ phú Đông Dương ở Sài Gòn liên tiếp xuất hiện nhiều vết nứt, cả trong các khối nhà chính, hàng rào, cũng như trên nền sân. Một số phù điêu ở phía trước tòa nhà cũng bị nứt cùng với những vết rạn của tường ngày càng rộng, kéo dài từ nền lên trần nhà.

Ba khối nhà hiện là di tích cấp TP đếu có hiện tượng nứt tường, các đường nứt xuất hiện nhiều

Việc xây dựng các cao ốc bên cạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu tòa nhà trung tâm

Lối đi lên khu nhà chính bên trái bị nứt

Bên phải cũng chung số phận

Ảnh: Quỳnh Trân

Phần tường rào phía Lê Thị Hồng Gấm lún nghiêng về phía công trình đang thi công

Ảnh: Quỳnh Trân

Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM: “Do tuổi đời của tòa nhà đã quá cao, lại trải qua mưa nắng bào mòn của thời gian, kết hợp khí hậu ẩm thấp nên tòa nhà trước đây đã bị xuống cấp, thì giờ tiếp tục bị tác động của việc thi công cao ốc ngay khu tứ giác Bến Thành (của chủ đầu tư SDMC),  nên càng …hư hỏng nhiều hơn”.
Trong báo cáo gửi Sở VH – TT TP.HCM, Phòng Quản lý di sản và Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lịch sử, văn hóa TP.HCM, lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật nêu rõ hiện trạng thực tế đang xảy ra tình trạng lún nứt mặt sân khuôn viên, mặt sàn, tường của cả ba khối nhà. Theo đó, tòa nhà 1 bị ảnh hưởng nặng nhất, nhà bảo vệ ở cổng số 1 đường Lê Thị Hồng Gấm nứt lớn, trần nhà bị bong tróc rơi xuống. Nghiêm trọng hơn, từng xảy ra tình trạng phù điêu “cá hóa long” ở đầu mỗi ống thoát nước từ tầng mái xuống bị nứt, rơi xuống.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Trần Thanh Bình cho biết: “Ngay sau xảy ra các hiện tượng nêu trên, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã có báo cáo với cấp trên, đồng thời chủ động phới hợp với nhà thầu Coteccons sửa chữa, khắc phục sự cố rớt phù điêu, gia cố lại nhà bảo vệ. Tuy nhiên khi công trình tiếp tục thi công các tầng cao tiếp tục làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cầu tòa nhà ngày càng nghiêm trọng hơn”.
 

Mặt tiền có hiện tượng nút nẻ tường

Trần nhà bị bong tróc nham nhở

Nhiều vết nứt chạy dài khiến ai chứng kiến cũng cảm thấy lo lắng cho công trình kiến trúc nghệ thuật bị xuống cấp

Hiện nay, quan sát bằng mắt thường rất dễ nhận thấy sự xuống cấp rất đáng lo của khu biệt thự từng của tỉ phú Đông Dương ở Sài Gòn. Ba tòa nhà đều có hiện tượng nứt tường, các đường nứt xuất hiện nhiều. Phần sân sát với trục Lê Thị Hồng Gấm bị lún làm nứt và bung phần gạch lát bề mặt. Hàng rào dọc trục đường Lê Thị Hồng Gấm bị nghiêng về phía công trình xây dựng. Đặc biệt khối nhà bảo vệ, các phòng tranh (đã từng được sửa chữa gia cố do ảnh hưởng khi công trình bên bắt đầu xây dựng) đã hư hỏng nặng, phần tường nhà và cổng ra vào có độ nghiêng lớn, khiến cho hai cánh cổng không thể mở được.

Nhà bảo vệ ở cổng số 1 đường Lê Thị Hồng Gấm nứt nẻ lớn

Tường vết nứt chạy dài từ dưới lên trên

Mặt sân cũng chạy dài các vết nứt

Cổng ra vào có độ nghiêng lớn không thể mở được.

Ảnh: Quỳnh Trân

Ngày 17.9, đoàn công tác của Sở Xây dựng TP.HCM đã đến khảo sát toàn bộ công trình và làm việc với lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để tìm giải pháp khắc phục, bảo vệ tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật, một công trình để đời của chú Hỏa - một tỉ phú Đông Dương cho Sài Gòn - TP.HCM.
Theo các tư liệu cũ thì chú Hỏa được nhiều người Sài Gòn - Gia Định gọi thân mật là chú chệt Hui Bon Hoa, người gốc Phúc Kiến (Trung Quốc). Lúc mới khởi nghiệp, hai cha con chú Hỏa chỉ có một đôi quang gánh và vài đồng bạc dắt lưng, lầm lũi từ quê hương sang đất Nam kỳ làm nghề thu mua ve chai. Nhờ siêng năng, cần cù mà…chắt bóp dành dụm nên chỉ ít năm sau, chú Hỏa mua được một căn phố ở gần cầu Ông Lãnh làm... “địa điểm tập kết” ve chai cho bạn bè đồng hương qua mưu sinh chung. Thời gian sau, chú Hỏa mua thêm mấy căn phố bên cạnh để mở cửa hàng. Nhiều người đồn thổi, rằng chú Hỏa thu mua ve chai  trúng... tấm mền cũ trong đó cất giấu mấy chục nén vàng nên đã giàu càng giàu to, chẳng mấy chốc trở thành tỉ phú Đông Dương.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.