Đối mặt áp lực công việc
Do đặc thù nghề nghiệp, nhân viên y tế thường phải đối mặt với áp lực công việc, dễ dẫn đến kiệt quệ về thể chất và tinh thần.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phụ trách khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi T.Ư, nhiều nghiên cứu cho thấy bác sĩ, điều dưỡng có nguy cơ bị stress, trầm cảm, lo âu, kiệt sức cao hơn nhiều lần so với các ngành nghề khác.
Stress nghề nghiệp gây tổn thương hệ thần kinh, tăng tỷ lệ bệnh tim mạch, cơ xương khớp, loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, tăng tỷ lệ nghỉ hưu sớm. Do vậy, cần có những chính sách, giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, giúp bảo vệ sức khỏe của các nhân viên y tế, những người chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Đánh giá "quản lý căng thẳng là điều cần thiết để giúp nhân viên y tế vượt qua nhiều thách thức trong công việc", bác sĩ Hương nhìn nhận, bước đầu tiên là nhận diện được những căng thẳng và nguồn gốc căng thẳng tại các đơn vị khác nhau trong bệnh viện. Căng thẳng và áp lực cần do chính các cá nhân tại các đơn vị xác định, dựa trên tác động của căng thẳng đó lên bản thân. Từ đó, tập thể và cá nhân có thể đưa ra những giải pháp để quản lý căng thẳng.
Cần linh hoạt về giờ làm việc, có thời gian nghỉ ngơi
Bác sĩ Mai Hương chia sẻ, đặc thù của ngành y là nhân viên y tế thường phải làm việc theo ca kíp, trực đêm, tham gia những ca cấp cứu hoặc phẫu thuật trong nhiều giờ. Do đó, giờ nghỉ ngơi không phải lúc nào cũng được đảm bảo, có thể gây ra tình trạng quá tải và kiệt sức. Vì vậy, việc xem xét đưa ra giờ làm việc linh hoạt, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý có thể mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên y tế, giúp tăng năng suất, sự sáng tạo và hài lòng về công việc.
Theo bác sĩ Hương, nhân viên y tế cũng có những nhu cầu riêng. Việc họ được chăm sóc tốt về tinh thần và vật chất cũng là một thành tố cần thiết trong những nỗ lực cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất của hệ thống y tế. Cần đảm bảo nhân viên y tế có thể tiếp cận dễ dàng với những hoạt động và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần như tham vấn, khám chuyên khoa.
Việc nhận ra những giai đoạn sớm của kiệt sức là rất quan trọng nhằm duy trì sự thoải mái về tinh thần và thể chất. Mặc dù kiệt sức có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người, tuy nhiên, một số dấu hiệu thường gặp là: giảm năng lượng hoặc mất động lực, khó khăn hơn trong việc ra quyết định, giảm hiệu suất công việc và có những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực về công việc hoặc đời sống cá nhân.
60% dân số toàn cầu đang làm việc
"Sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc" là chủ đề của Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10.10 năm nay.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang hợp tác với các đối tác để nhấn mạnh mối liên hệ quan trọng giữa sức khỏe tâm thần và công việc. Môi trường làm việc an toàn, lành mạnh có thể đóng vai trò là yếu tố bảo vệ sức khỏe tâm thần.
Các điều kiện không lành mạnh bao gồm kỳ thị, phân biệt đối xử và tiếp xúc với các rủi ro như quấy rối và các điều kiện làm việc kém khác có thể gây ra những rủi ro đáng kể, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống nói chung và do đó là sự tham gia hoặc năng suất làm việc.
WHO đánh giá, với 60% dân số toàn cầu đang làm việc, cần có hành động khẩn cấp để đảm bảo công việc ngăn ngừa rủi ro đối với sức khỏe tâm thần và bảo vệ cũng như hỗ trợ sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.
Bình luận (0)