Có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực
|
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Đức, nhận định: “Ưu điểm khi học lĩnh vực kinh tế, tài chính, luật là dễ dàng tìm việc trong tất cả các doanh nghiệp, trong cơ quan nhà nước vì tính linh hoạt của nó rất cao. Khác với lĩnh vực kỹ thuật công nghệ hay y - dược... phải chuyên sâu mới làm việc được, nhóm ngành kinh tế giúp các em có rất nhiều cơ hội việc làm với nhiều vị trí khác nhau”…
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thông tin, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này chỉ đứng sau nhóm ngành kỹ thuật công nghệ khi chiếm tỷ trọng tới hơn 30% từ nay đến năm 2025.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng cho rằng hiện nay đầu tư nước ngoài tại VN ngày càng cao, mỗi năm hàng trăm doanh nghiệp mới được thành lập, kinh tế hội nhập… vì vậy cơ hội việc làm cho sinh viên khối ngành này trong tương lai luôn cao.
Ở một góc độ khác, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng điều thú vị khi học lĩnh vực này là vấn đề khởi nghiệp. “Một doanh nghiệp khởi nghiệp phải cần ít nhất 2 người học kinh tế, một người học kỹ thuật, do đó cơ hội việc làm luôn cao. Các em ra trường có thể đi làm hoặc tự tạo việc làm, đây là xu thế của thế giới”, tiến sĩ Hải chia sẻ.
Học kinh tế có cần giỏi toán ?
Rất nhiều HS theo dõi chương trình đã gửi thắc mắc cần có những tố chất nào để có thể học tốt nhóm ngành này. Chẳng hạn học ngành marketing có cần giỏi tiếng Anh hay không? Học tài chính - ngân hàng - kế toán cần giỏi môn toán? Bên cạnh đó, học luật thì ngoài luật sư ra còn có thể làm công việc gì khác và có thể hỗ trợ công việc kinh doanh của gia đình hay không...
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, lưu ý: “Không chỉ ngành marketing mà tất cả các ngành học hiện nay đều chú trọng khả năng tiếng Anh, vi tính. Vì thị trường lao động hội nhập, các doanh nghiệp trong nước đa số đều làm việc với đối tác nước ngoài, chưa kể đang có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở VN. Nếu các em giỏi tiếng Anh thì cơ hội việc làm nhiều hơn… Tiếng Anh vẫn là một lợi thế giúp các em thành công, có thu nhập cao. Vì vậy các trường luôn cố gắng giúp sinh viên đạt được chuẩn đầu ra tiếng Anh để đáp ứng được yêu cầu của thực tế”.
Theo tiến sĩ Minh Hà, nếu muốn học kế toán, kiểm toán, tài chính ngân hàng thì thí sinh cần học giỏi môn toán. Nếu điểm toán không cao thì thí sinh có thể chọn ngành quản trị kinh doanh, marketing, luật…
Tuy nhiên, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng môn toán trong chương trình phổ thông và bậc ĐH sẽ khác nhau. Khi học kinh tế thì sẽ học toán ứng dụng thay vì các nguyên lý, nguyên tắc như bậc phổ thông. Do vậy thí sinh chỉ cần đạt điểm chuẩn theo các tổ hợp môn mà các ngành này yêu cầu là có thể theo học.
Giải đáp về ngành luật, thạc sĩ Bùi Văn Thời, Phó khoa Quản trị - Luật Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Học luật các em cần có tư duy logic, khả năng thuyết trình, hùng biện, tính cẩn thận, chính xác, khách quan… Tốt nghiệp, các em có thể làm chuyên viên pháp lý trong các doanh nghiệp, làm thư ký tòa, công chứng viên…, hoặc muốn khởi nghiệp thì thành lập các công ty luật riêng...”.
Các ngành học mới
Trường ĐH Mở TP.HCM mở thêm ngành marketing chương trình đại trà và kinh tế học chương trình chất lượng cao.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đào tạo thêm ngành luật học. Năm nay, ngoài 2 phương thức xét tuyển như các năm (điểm thi THPT quốc gia và học bạ), trường còn có phương thức mới là xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sắp tới dự kiến đào tạo thêm một số ngành mới như: logistics và quản lý chuỗi cung ứng…
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Năm 2019, trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển gồm: kết quả kỳ thi THPT quốc gia; kết quả học bạ và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Trường dự kiến mở thêm ngành ngôn ngữ Trung Quốc, logistics, điều dưỡng và xét nghiệm y học.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn năm nay mở thêm ngành luật - kinh tế quốc tế (100 chỉ tiêu).
|
Bình luận (0)