(TNO) Theo thông tin được Công ty An ninh mạng Bkav công bố trên diễn đàn hacker mũ trắng whitehat.vn, “ông chú ở Viettel” là một trong 3 chiêu lừa phổ biến nhất trên Facebook tại Việt Nam năm 2014.
Dãy số bí mật để xác thực là “nhân viên của Viettel” thực chất là số điện thoại của kẻ xấu - Ảnh: whitehat.vn |
Ngày 8.1, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP.Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn nhận có “ông chú ở Viettel”.
Hai chiêu lừa phổ biến “ông chú ở Viettel”
Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Bkav, kẻ xấu có hai chiêu lừa phổ biến liên quan đến “ông chú ở Viettel” trong năm 2014. Cả hai hình thức này đều lợi dụng sự cả tin và lòng tham của người dùng.
Đầu tiên, thông qua mạng xã hội facebook, kẻ xấu tung tin về việc có “ông chú” làm ở Viettel tiết lộ thông tin về chương trình khuyến mại đặc biệt gấp 10, gấp 20 lần...
Ở chiêu lừa đảo thứ nhất, kẻ xấu hướng dẫn người dùng bấm cú pháp nạp thẻ, trong đó dãy số bí mật để xác thực là “nhân viên của Viettel”. Tuy nhiên đây chính là số điện thoại của kẻ xấu. Khi thao tác theo cú pháp, người dùng chờ đợi “mòn mỏi” thay đổi đến với tài khoản của mình mà không hay rằng số tiền đã nạp được chuyển thẳng đến số điện thoại nói trên.
Theo ông Ngô Tuấn Anh, chiêu lừa này diễn ra công khai, kẻ xấu thậm chí còn đăng cả tin nhắn lừa đảo vào các hội, nhóm có hàng nghìn thành viên trên facebook hoặc tag vào facebook của người nổi tiếng để tăng “hiệu quả”. Ngoài ra, kẻ xấu còn hack tài khoản của người khác, sau đó gửi tin nhắn quảng cáo tới danh sách bạn bè của người đó để trục lợi.
Kẻ xấu lập ra các website nạp thẻ giả mạo có logo của các nhà mạng nhằm tăng độ tin cậy - Ảnh: whitehat.vn
|
Đơn cử, trong vụ việc PC50 của Công an Hà Nội xử lý vừa qua, các đối tượng lừa đảo đã lập ra trang web: bugthecao.com; napthe3s.com và thecao3s.com, rồi đăng các thông tin về việc nạp thẻ cào điện thoại qua trang web này sẽ nhận được tiền gấp 10 lần giá trị thẻ nạp.
Theo đại diện Bkav, kẻ xấu cũng rất có “nghiệp vụ” khi thiết kế các website lừa đảo có giao diện giống website của các nhà mạng. Một số website thậm chí còn đưa màn hình giả mạo chụp truy vấn tài khoản người dùng trước và sau khi nạp tiền để tăng độ tin cậy. Nhiều người tiêu dùng khi thấy màn hình hiện tài khoản trước khi nạp là 50.000 đồng nhưng sau khi nạp có 500.000 đồng lại càng tin tưởng, không biết tiền của mình đã “đi về nơi xa lắm”.
Khách hàng ham khuyến mại dễ bị lừa
Theo ông Ngô Tuấn Anh, kẻ xấu đã lợi dụng sự cả tin của người tiêu dùng trước các thông tin khuyến mại. Bên cạnh đó, do tâm lý khi mất 20.000, 50.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng là những khoản tiền không lớn với từng cá nhân nên hầu như ít người báo công an khi bị lừa đảo bằng hình thức này. Các website lừa đảo hầu hết đều đăng kí tên miền quốc tế (.com; .net) đồng thời cũng thuê hosting ở nước ngoài, nên việc điều tra, xử lý đòi hỏi nhiều công sức, thời gian.
Viettel đã phải đưa ra thông báo tới khách hàng khẳng định không có chương trình khuyến mại đặc biệt gấp 5, gấp 10 nào như “các cháu” spam tràn lan trên Facebook. Nhà mạng cũng khuyến cáo người dùng có thể gọi điện lên tổng đài để xác thực khi gặp các trường hợp nghi vấn lừa đảo.
Tuy nhiên, các thông báo này không phải người tiêu dùng nào cũng nắm được. Theo ông Ngô Tuấn Anh, các nhà mạng cần chú ý đến vấn đề này hơn và có những hình thức cảnh báo qua tin nhắn để giúp khách hàng nâng cao cảnh giác.
“Chúng ta cần nhớ rằng không có chương trình khuyến mại nào lại tặng gấp 10, 20 lần giá trị như vậy cả. Theo luật hiện hành cũng chỉ được phép khuyến mại 50% mà thôi”, ông Ngô Tuấn Anh khuyến cáo.
Bình luận (0)