Vì sao nhiều người trẻ dễ cáu gắt với người thân hơn người ngoài?

14/05/2023 15:35 GMT+7

Nhiều người trẻ thường tỏ ra thân thiện với những mối quan hệ xung quanh, nhưng lại dễ cáu gắt, nóng tính với người thân của mình. Đâu là lý do của sự khác biệt này và làm sao để khắc phục?

Không kiềm chế được cảm xúc khi đối diện với người thân

‏Việc cân bằng cảm xúc là cần thiết và vô cùng quan trọng. Thế nhưng, không ít người trẻ đã từng rơi vào trường hợp, thân thiện với các mối quan hệ khác nhưng lại dễ cáu gắt, lớn tiếng với người thân. ‏

‏Nhớ lại khoảng thời gian từng ở trong tình cảnh nêu trên, Võ Thị Thanh Ngân, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chia sẻ: "Khi đi làm thì mình lắng nghe, hướng dẫn đồng nghiệp rất tỉ mỉ, mình kiên nhẫn nhiều hơn. Nhưng khi gọi điện về nhà, nếu như ba mẹ có góp ý, hỏi gì về chuyện của mình mà chưa đúng ý hoặc không muốn trả lời thì mình rất dễ bị bực, ức chế và tỏ thái độ khó chịu với họ".‏

‏Ngân cho biết cảm xúc đó xảy ra một cách bộc phát và bản thân không ý thức được. "Mình đã dành rất nhiều năng lượng để làm việc, giao thiệp và giữ tinh thần, cảm xúc một cách chuẩn mực cho công việc, người ngoài, nhưng làm sao gò ép mình như vậy quá lâu được. Khi nói chuyện với người thân thì mình dùng cảm xúc nhiều hơn, mình xả những điều không hài lòng ra một cách không kiểm soát. Sau khi ổn định lại, mình mới thấy bản thân vô lý và tệ. Vì nhận thức rõ hành động, lời nói đó không đúng nên mình đã tìm cách khắc phục", Ngân nói. 

Vì sao nhiều người trẻ dễ cáu gắt với người thân hơn người ngoài?  - Ảnh 1.

Người trẻ cảm thấy "an toàn" hơn khi thể hiện cảm xúc với người thân

TUYẾT CẨM

‏Tương tự, Lê Thị Kiều Na, sinh viên Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), cho hay: "‏‏Khi làm việc ở cửa hàng bán thời gian, mình luôn niềm nở, vui vẻ với đồng nghiệp, quản lý và khách hàng. Nhưng về nhà, mình lại dễ cáu gắt với chị gái. Mình luôn cằn nhằn vì chị nấu ăn không hợp khẩu vị hay nếu chị ấy có quên tắt đèn phòng tắm sau khi sử dụng, mình cũng tỏ thái độ ra mặt mà không phải nhẹ nhàng nhắc nhở".‏

‏Khi được hỏi về nguyên nhân, Na cho biết: "Có lẽ do tính mình ỉ lại. Ngay tại thời điểm đó, mình đã không nhận ra lời nói của mình sẽ làm tổn thương chị, mà luôn nghĩ vì chị mãi mãi là người thân của mình và mối quan hệ đó không thể nào thay đổi nên chị sẽ tha thứ cho mọi lỗi lầm của mình. Còn những mối quan hệ bên ngoài là những người xa lạ, nếu mình cáu gắt thì họ sẽ không chơi hay làm việc chung…".‏

‏Hồ Văn Thiên (22 tuổi), ngụ 74 Đỗ Đăng Tuyển, P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng, cũng bày tỏ: "Khi nói chuyện với người ngoài, mình luôn lịch sự, nhẹ nhàng dù có đang bực bội trong người. Tuy nhiên, khi mình đang bực mà bị ba mẹ hỏi những chuyện không vừa ý là mình rất dễ cáu, mình không kiềm chế cảm xúc được". ‏

Đâu là giải pháp?

‏Lý giải về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thế Huy, Chi hội trưởng Hội Tâm lý học TP.HCM,‏‏ cho biết đây là vấn đề phổ biến trong xã hội chứ không riêng gì ở người trẻ. Nguyên nhân của sự khác biệt này đến từ "mức độ thân thuộc". "Bởi với người thân, chúng ta thường có một mức độ quen thuộc lớn hơn và có thể cảm thấy thoải mái hơn khi thể hiện cảm xúc của mình. Điều này có thể dẫn đến việc chúng ta thường không kiềm chế bản thân như khi ở bên ngoài. Còn đối với người ngoài, mức độ thân thuộc và gắn kết ít hơn, vì vậy mà việc thoải mái thể hiện cảm xúc có thể mang lại nhiều hậu quả nặng nề. Ví dụ, đi làm thì có thể bị đuổi việc, đi học thì bị chỉ trích, bạn bè có thể tẩy chay…", thạc sĩ Huy cho hay. 

Theo thạc sĩ Huy, nếu việc dễ cáu gắt được lặp đi lặp lại nhiều lần, bản thân người trẻ không nhìn nhận lại mà "lướt qua" những việc này, sẽ dễ tạo thành "hành vi củng cố" cho những sai lầm tiếp theo trong tương lai. "Điều này cũng để lại một số hậu quả tiêu cực như suy yếu mối quan hệ gia đình, tác động tiêu cực đến tâm lý của cả người cáu gắt và người bị cáu gắt… Cả hai bên có thể trở nên căng thẳng, lo lắng và không hài lòng về mối quan hệ gia đình, ảnh hưởng đến tinh thần chung và chất lượng cuộc sống. Cảm giác không được chấp nhận hoặc không thể hiểu, chia sẻ cảm xúc có thể làm tăng cảm giác xa lạ và tách biệt trong môi trường gia đình", thạc sĩ Huy phân tích. 

Vì sao nhiều người trẻ dễ cáu gắt với người thân hơn người ngoài?  - Ảnh 2.

Mỗi thành viên trong gia đình đều có những khía cạnh riêng và không ai hoàn hảo cả

TUYẾT CẨM

‏Để giải quyết vấn đề này, thạc sĩ Huy gợi ý một số cách: Bản thân mỗi người nên học cách kiểm soát cảm xúc của mình trong những tình huống căng thẳng, tập trung thở sâu, nhìn nhận lại vấn đề thật kỹ thay vì phản ứng tức giận một cách tức thì. Các bạn trẻ cũng cần hiểu rằng mỗi thành viên trong gia đình đều có những khía cạnh riêng và không ai hoàn hảo cả. Do đó hãy có lòng kiên nhẫn và thông cảm khi đối diện với những khác biệt và nhược điểm của nhau, hãy tạo điều kiện để cùng nhau hỗ trợ và phát triển. ‏

‏Cũng theo thạc sĩ Huy, đôi khi cảm giác bị áp lực trong môi trường gia đình có thể làm gia tăng sự căng thẳng và xung đột, do đó khuyến khích bạn trẻ nên tạo không gian riêng. Việc này giúp mỗi thành viên trong gia đình có không gian thư giãn, tái tạo năng lượng và tìm thấy sự cân bằng cá nhân. Nếu tình hình trong gia đình vẫn tiếp tục căng thẳng và không thể tự giải quyết, hãy xem xét tìm sự giúp đỡ ngoại vi từ những người thân khác trong gia đình hoặc tìm đến các chuyên viên, chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.‏‏

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.