Dỡ lệnh cấm, nới lỏng quy định siết cây trồng biến đổi gen
Theo ghi nhận của CropLife Việt Nam, năm 2022 là một năm có nhiều quốc gia ban hành chính sách “mở cửa” đối với giống cây trồng, nông sản biến đổi gen.
Trung Quốc đã lên kế hoạch công nhận nhiều giống ngô biến đổi gen để phục vụ ngành chăn nuôi trong nước |
Croplife |
Điển hình nhất là Kenya, ngày 3.10, Tổng thống William Ruto thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với giống cây trồng và cho phép nhập khẩu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ thực vật biến đổi gen sau 10 năm cấm cản.
Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống William Ruto, nước này huỷ bỏ quyết định ban hành ngày 8.11.2012 về việc cấm canh tác cây trồng biến đổi gen và nhập khẩu thực phẩm và thức ăn chăn nuôi được tạo ra nhờ các tiến bộ của công nghệ sinh học.
Quyết định “mở cửa” đối với cây trồng biến đổi gen được đưa ra sau khi nước này xem xét các báo cáo chuyên môn và kỹ thuật khác nhau về việc áp dụng công nghệ sinh học.
Cụ thể là báo cáo của Cơ quan An toàn sinh học quốc gia Kenya (NBA); Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Tổ chức Nông lương (FAO); Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA).
Đậu tương biến đổi gen được trồng rộng rãi ở Nigeria |
Croplife |
Sau Kenya, Chính phủ Ghana mới đây cũng nới lỏng các quy định, mở ra nhiều triển vọng đối cây trồng biến đổi gen. Cụ thể, Cơ quan an toàn sinh học quốc gia Ghana đã có hướng dẫn, quy định về giới hạn sử dụng, thử nghiệm đồng ruộng hạn chế, phóng thích ra môi trường, thương mại hoá và vận chuyển các giống cây trồng biến đổi gen.
Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu nông nghiệp Savanna (SARI) thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIR) đã sử dụng công nghệ sinh học để phát triển hai loại cây trồng: lúa tiết kiệm đạm nước và đậu đũa biến đổi gen hay còn được gọi là đậu đũa kháng sâu đục quả. Dù các giống cây trồng đã trải qua nhiều quy trình đánh giá an toàn và khảo nghiệm đồng ruộng nhưng đơn đăng ký của SARI về đậu đũa đang chờ Cơ quan An toàn sinh học quốc gia phê duyệt.
Argentina là quốc gia đầu tiên cho phép trồng lúa mì biến đổi gen |
Croplife |
Trung Quốc, Indonesia quyết đưa giống biến đổi gen vào sản xuất
Cũng theo CropLife Việt Nam, trong tháng 6 năm nay, Ủy ban phê duyệt giống cây trồng quốc gia Trung Quốc ban hành 2 tiêu chuẩn nhằm tạo cơ sở cho việc canh tác cây trồng biến đổi gen ở quốc gia này gồm “chứng nhận an toàn” và “công nhận giống”. Đây là mảnh ghép pháp lý còn thiếu liên quan đến quy định cho phép canh tác thương mại hoá ngô và đậu tương biến đổi gen tại Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thừa nhận, quốc gia này đang phải nhập khẩu một khối lượng rất lớn ngô và đậu tương biến đổi gen để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng trên thực tế, cây trồng biến đổi gen vẫn bị cấm trồng. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc khẳng định đã có kế hoạch phê duyệt nhiều giống ngô biến đổi gen hơn.
Giống bông biến đổi gen được trồng tại Kenya |
Croplife |
Còn tại Indonesia, trong tháng 9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Syahrul Yasin Limpo đã chỉ đạo sớm triển khai hoạt động nhập khẩu và phát triển giống đậu tương biến đổi gen phục vụ cho nhu cầu canh tác và sử dụng trong nước.
Theo ông Kasdi Subagyono, Tổng thư ký Bộ Nông nghiệp, lệnh cấm phát triển cây trồng biến đổi gen ở Indonesia là không công bằng bởi đậu tương nhập khẩu thực chất đều là sản phẩm biến đổi gen và hoàn toàn an toàn để sử dụng. “Hàng năm, chúng tôi nhập khẩu và tiêu thụ đậu tương biến đổi gen nhưng lại không được trồng và phát triển các giống cây này. Bước tiến pháp lý này là một cách tiếp cận mới của Indonesia để đưa các giống biển đổi gen vào sản xuất”, ông Kasdi nói.
Lúa mì biến đổi gen “lên ngôi” ở Argentina, Nigeria
Tháng 5 năm nay, Argentina là quốc gia đầu tiên cho phép trồng lúa mì biến đổi gen. Sau khi Bộ Nông nghiệp Argentina ra tuyên bố cho phép thương mại hóa hạt giống, các sản phẩm và sản phẩm phụ có nguồn gốc từ giống lúa mì HB4. Giống lúa mì do Tập đoàn sinh học Bioceres phát triển và có ưu thế thích nghi tốt với điều kiện hạn hán, có khả năng kháng thuốc diệt cỏ glufosinate-amoni.
Argentina đang là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và năm 2020 là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sản xuất lúa mì biến đổi gen trên cơ sở thử nghiệm. Đến năm 2021, Brazil - nước nhập khẩu nhiều nhất lúa mì của Argentina đã phê duyệt giống lúa mì này.
Mới đây, Cơ quan quản lý An toàn sinh học quốc gia (NBMA) Nigeria cho biết, đang tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để cho phép nhập khẩu lúa mì biến đổi gen từ Agrentina. Theo thống kê, Nigeria mỗi năm tiêu thụ khoảng 4,5 - 5 triệu tấn lúa mì nhưng chỉ sản xuất được 60.000 tấn. Nigeria nhập khẩu phần lớn lúa mì từ Nga và các nước khác xung quanh Biển Đen nhưng xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine khiến giá lúa mì tăng cao. Theo đó, Nigeria đang chuyển sang sử dụng sản phẩm công nghệ sinh học để thích ứng với biến đổi khí hậu và giúp bổ sung sản lượng cũng như hạ giá lúa mì.
Bình luận (0)