Thị trường ô tô Việt Nam ngày càng đang dạng mẫu mã khi các nhà sản xuất lần lượt tung ra thị trường nhiều mẫu xe mới thuộc nhiều phân khúc khác nhau. Tuy nhiên, có một thực tế dễ nhận thấy, ô tô số sàn phân phối trên thị trường ngày càng ít hơn so với ô tô số tự động. Hướng đến sự tiện nghi thoải mái cho người lái, nhiều mẫu mã ô tô đã bị nhà sản xuất loại bỏ bản số sàn, nhưng bên cạnh đó để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng mua xe chạy dịch vụ taxi, vận chuyển hành khách… một số mẫu mã như xe sedan, bán tải... vẫn còn giữ lại bản số sàn.
Ô tô số tự động có giá cao hơn bản số sàn
So với các phiên bản số sàn, ô tô số tự động có cùng mẫu mã thường có giá bán cao hơn. Mức chênh lệch có thể từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Thậm chí, nhiều bản ô tô số tự động có trang bị, tính năng không khác nhiều so với bản số sàn, nhưng giá bán vẫn cao hơn hàng chục triệu đồng.
Đơn cử như trường hợp của Hyundai Accent, phiên bản số sàn của mẫu sedan hạng B này có giá 439 triệu đồng, trong khi bản số tự động tiêu chuẩn - Accent 1.5AT (489 triệu đồng) không có khác biệt quá lớn về trang bị, tính năng nhưng giá bán vẫn cao hơn bản số sàn 50 triệu đồng. Tương tự, bản Mitsubishi Attrage CVT (465 triệu đồng) cũng có giá bán cao hơn bản Attrage MT (380 triệu đồng) lên tới 85 triệu đồng dù cả hai đều nhập khẩu từ Thái Lan và khác biệt không quá lớn về trang bị.
Ngoài trang bị, tính năng điều gì khiến ô tô số tự động có giá cao hơn bản số sàn?
Ngoài một số trang bị, tính năng tiện nghi hay công nghệ thường được các nhà sản xuất tập trung trên các bản ô tô số tự động, trong khi bản số sàn chỉ trang bị cơ bản. Cấu tạo hộp số cũng là một trong những yếu tố dẫn đến sự chênh lệch giá giữa ô tô số tự động so với bản số sàn cùng kiểu loại xe.
Theo Drive - chuyên trang thông tin về ô tô, giá xe số tự động cao hơn xe số sàn có liên quan đến linh kiện cấu tạo hộp số. Ô tô số sàn có cấu tạo hộp số đơn giản hơn so với ô tô số tự động. Các linh kiện và kết cấu đơn giản hơn giúp giá bán xe số sàn thấp hơn.
Trên thị trường hiện này, ô tô số tự động thường được các nhà sản xuất trang bị một số loại hộp số tự động khá phổ biến như hộp số tự động thông thường, hộp số tự động vô cấp biến thiên liên tục (CVT) và hộp số tự động ly hợp kép (DCT). Về cơ bản, cả ba loại hộp số tự động này dựa vào cảm biến máy tính và một số bộ phận khác so với hộp số tay.
Trong đó, hộp số DCT là một loại hộp số tự động với cấu tạo chính bao gồm 2 ly hợp như số sàn. Trong đó, mỗi bộ ly hợp chịu trách nhiệm dãy số chẵn hoặc lẻ. Chúng hoạt động độc lập với nhau, đến số nào, ly hợp sẽ tự động đóng và chuyển số. Cơ chế hoạt động này giúp động cơ xe giảm độ trễ tối đa khi sang số. Các số chẵn, lẻ luôn ở trạng thái sẵn sàng kết nối. Đây là nguyên nhân góp phần khiến giá hộp số tự động tăng cao.
Hộp số CVT (Continuously Variable Transmission) còn có tên gọi "hộp số có tỷ số truyền biến thiên vô cấp". Hộp số vô cấp CVT có cấu tạo và nguyên lý làm việc đơn giản hơn so với các loại hộp số khác. Không giống như hộp số DCT và hộp số tự động thông thường, hộp số CVT không có bánh răng. Hộp số vô cấp CVT hoạt động dựa hoàn toàn vào hệ thống dây đai truyền và luôn đảm bảo có đủ 3 bộ phận chính gồm: bộ truyền đai với 2 bánh Pulley chủ và bị động; bộ điều khiển hộp số cùng các thiết bị chấp hành để thay đổi đường kính của 2 bánh Pulley và cơ cấu đảo chiều chuyển động hộp số. Ngoài ra, hộp số vô cấp còn có các bộ vi xử lý và bộ phận cảm biến.
Trong khi đó, hộp số ở xe số sàn lại đơn giản hơn rất nhiều. Về cơ bản hộp số sàn chỉ là một bộ bánh răng kim loại đặt trong một vỏ ngập trong dầu. Chính sự khác biệt này khiến ô tô số tự động, nếu chưa bàn về trang bị, tính năng… cũng đã có giá bán cao hơn so với các bản số sàn.
Bình luận (0)