Vì sao phim về sử Việt chưa 'hút' khán giả?

09/08/2023 08:00 GMT+7

Các phim đề tài lịch sử đang là 'kho vàng' đối với các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc… khi có thể mang về doanh thu khủng, thúc đẩy du lịch. Nhưng ở Việt Nam, nó lại là bài toán khó. Thực tế cho thấy những dự án truyền hình - điện ảnh thuộc thể loại này chưa thật sự ấn tượng về cả số lượng lẫn chất lượng.

Phim về đề tài lịch sử thua lỗ

Cách đây không lâu, Huyền sử vua Đinh trở thành đề tài bàn tán khi thất bại thảm hại về doanh thu phòng vé. Tác phẩm tái hiện chân dung vua Đinh Tiên Hoàng từ thuở thiếu thời đến lúc dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế, chỉ thu về 42 triệu đồng sau 10 ngày ra rạp. Đây cũng là một trong những bộ phim có doanh thu thấp nhất lịch sử và vấp phải không ít tranh cãi. 

Với dung lượng 78 phút, tác phẩm phơi bày sự non nớt về khâu kịch bản, bối cảnh lẫn những pha hành động, khiến người xem ngán ngẩm vì một tác phẩm về lịch sử lại làm hời hợt, kém chất lượng.

Vì sao phim về lịch sử Việt Nam chưa ‘hút’ khán giả? - Ảnh 1.

Huyền sử vua Đinh thất bại thảm hại về doanh thu phòng vé khi chỉ thu về 42 triệu đồng sau 10 ngày công chiếu

T.L

Theo đạo diễn Anthony Võ, mục đích ban đầu khi làm Huyền sử vua Đinh là để chiếu giới thiệu cho học sinh, mang lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ. Anh thừa nhận tác phẩm của mình còn nhiều hạn chế và việc phải nhận ý kiến trái chiều cũng là dấu hiệu cho thấy mọi người còn quan tâm đến phim cũng như lịch sử nước nhà. "Khi mình đã đưa bộ phim ra rạp thì phải chấp nhận khán giả có quyền nhìn ở góc độ của họ", nhà làm phim cho biết.

Huyền sử vua Đinh không phải phim lịch sử đầu tiên ở Việt Nam nếm mùi thất bại tại phòng vé. Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, Thiên mệnh anh hùng - tác phẩm vịn vào một sự kiện có thật về thảm án Lệ Chi Viên khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc từng nhận được những phản hồi tích cực của khán giả về nội dung, võ thuật... Dự án điện ảnh có sự góp mặt của Vân Trang, Midu, Khương Ngọc nhận về không ít giải thưởng danh giá, song ngậm ngùi nhận doanh thu vài tỉ đồng, trong khi mức đầu tư lên đến con số 25 tỉ.

Loạt phim như Sống cùng lịch sử, Mộ gióĐam mê cũng chung số phận khi phải ngừng chiếu vì không bán nổi vé. Điều đó cũng đồng nghĩa con số thu về không đạt được như mong đợi. Trong đó, Sống cùng lịch sử của đạo diễn - NSND Thanh Vân đầu tư lên đến 22 tỉ đồng nhưng ghế vẫn trống rạp.

Vì sao phim về lịch sử Việt Nam chưa ‘hút’ khán giả? - Ảnh 2.

Tác phẩm Phượng khấu quy tụ dàn diễn viên chất lượng song cũng không thể cứu vãn được phim

Chụp màn hình

Không chịu áp lực về doanh thu vì phát trên nền tảng trực tuyến, dự án Phượng khấu của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nhận về không ít tranh cãi. Được xem là phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam kể về cuộc đời của Từ Dụ thái hậu, tác phẩm từng được công chúng kỳ vọng là một dự án khởi sắc về đề tài phim lịch sử vì trang phục đẹp, diễn viên thực lực… Tuy nhiên sau mùa đầu tiên, Phượng khấu nhận không ít ý kiến trái chiều về cả nội dung lẫn kỹ xảo. Thậm chí, những ồn ào bên lề của phim cũng khiến khán giả thất vọng.

Hiện hai dự án được kỳ vọng là Quỳnh hoa nhất dạ do siêu mẫu Thanh Hằng thủ vai thái hậu Dương Vân Nga và Trưng Vương - tác phẩm huyền sử về cuộc đời Hai Bà Trưng vẫn "án binh bất động" dù được công bố từ năm 2019. Chính điều đó khiến không ít khán giả đặt dấu chấm hỏi lớn về khả năng phát triển của dòng phim lịch sử trong tương lai.

Nguyên nhân do đâu?

Với 4.000 năm dựng nước và giữ nước, lịch sử Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho điện ảnh. Trong đó, Ngô Quyền, thái hậu Dương Vân Nga, vua Lê, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nam Phương hoàng hậu… được xem là những nhân vật lịch sử có thể khai thác thành những tác phẩm phim truyền hình, điện ảnh tầm vóc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thị trường điện ảnh Việt ra mắt hàng chục tác phẩm mỗi năm, nhưng vì sao số lượng phim về đề tài lịch sử đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay?

PGS-TS Lưu Văn Quyết, Trưởng khoa Lịch sử (Trường đại học Khoa học Xã hội Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) lý giải lý do vì sao phim về lịch sử Việt Nam chưa "hút" khách: "Nội dung và chất liệu để làm phim về lịch sử Việt Nam thì còn nhiều điều thú vị. Chỉ tiếc rằng do công nghệ và sự đầu tư chưa tới. Thực tế có nhiều vấn đề để mình khai thác, đặc biệt là các triều đại, các nhân vật lịch sử và kể cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này. Chất liệu thì nhiều nhưng cách thức khai thác còn hàn lâm, mang tính chất tuyên truyền nên chưa thu hút được giới trẻ. Từ trước đến nay chúng ta có nhiều bộ phim lấy chủ đề về lịch sử nhưng thành công thì chưa nhiều. Phim điện ảnh và truyền hình về lịch sử của một số nước khác hay lắm. Xét về chất liệu, rõ ràng chúng ta không thua kém gì. Nhưng do công nghệ, cách khai thác của chúng ta chưa tới, còn hạn chế". 

Còn theo nhận định của thạc sĩ Văn Thị Cẩm Hiên, giảng viên bộ môn lịch sử Trường quốc tế Á Châu thì lịch sử Việt Nam có nhiều chất liệu hay để làm nên một bộ phim, tuy nhiên chưa được khai thác xứng tầm. "Có thể vì chưa nghiên cứu kỹ nên một số bộ phim còn hời hợt khiến người xem chưa cảm thấy thu hút. Thực tế lịch sử Việt Nam quá hay, nhưng khi lên màn ảnh lại chưa truyền tải hết và có nhiều chi tiết chưa đúng. Đôi khi về trang phục, lựa chọn diễn viên chưa phù hợp làm giới trẻ chưa hứng thú. Nếu như đúng với giá trị của nó chắc chắn phim lịch sử sẽ được tiếp nhận nhiều", giảng viên Cẩm Hiên nói.

Những khó khăn khi làm một tác phẩm phim về đề tài lịch sử là câu chuyện cũ song vẫn chưa có cách giải quyết. Nhìn vào con số có thể thấy để thực hiện một bộ phim về đề tài này, nhà sản xuất phải bỏ ra kinh phí không hề nhỏ, trong khi khả năng thu hồi vốn là mong manh. Càng muốn tác phẩm chỉn chu thì càng tốn kém cho bối cảnh, phục trang, máy móc, diễn viên quần chúng… nên không ngoa khi có một số ý kiến cho rằng đây không phải là sân chơi cho những nhà sản xuất nghiệp dư như nhận định của NSƯT - đạo diễn Công Ninh: "Tôi nghĩ có thể không phải nhà sản xuất Việt không biết cách làm mà là do kinh phí thấp quá nên phải "bó tay". Để bỏ ra số tiền tương xứng với yêu cầu của phim lịch sử thì kinh khủng lắm. Mà với thị hiếu của khán giả hiện tại, nhà sản xuất cũng không dám bỏ tiền ra để đầu tư".

Đơn cử là câu chuyện của Phượng khấu. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói với chúng tôi rằng để thực hiện tác phẩm này với một nguồn kinh phí khoảng 10 tỉ đồng là quá ít. Bởi theo nam đạo diễn, anh và ê kíp gần như phải chạy đua với thời gian để đảm bảo không bị hao hụt, điều đó khiến khâu sản xuất còn nhiều cập rập, thiếu sót. "Vì không có kinh nghiệm sản xuất phim lịch sử nên có những phát sinh ngoài ý muốn. Trong khi chúng tôi là gương mặt mới còn đề tài này cũng rất khó. Nếu đề tài này dễ thì mọi người đã bắt tay thực hiện từ lâu rồi", anh thẳng thắn.

Vì sao phim về lịch sử Việt Nam chưa ‘hút’ khán giả? - Ảnh 3.

Quỳnh hoa nhất dạ đang trong quá trình sản xuất

NVCC

Huyền sử vua Đinh được xem là một ví dụ điển hình. Tác phẩm kể về vua Đinh Bộ Lĩnh bị nhận xét phù hợp để chiếu mạng hơn là ra rạp, bởi nó bộc lộ nhiều điểm yếu như bối cảnh sơ sài, trang phục thiếu đầu tư, hóa trang thiếu chân thật… Anh Tài - diễn viên đóng vai chính trong phim thừa nhận: "Một bộ phim làm đề tài lịch sử nhưng tôi biết kinh phí của đoàn hạn chế. Thời điểm sản xuất bộ phim, cả đoàn khó khăn trăm bề. Nếu khi ấy tôi đặt vấn đề cát sê lên nữa thì khó khăn lại chồng chất lên và mọi người phải chờ đợi thêm".

Mặt khác, kịch bản cũng là điểm yếu của phim Việt nói chung và phim về đề tài lịch sử nói riêng. Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, nếu được làm lại, anh sẽ tập trung vào khâu kịch bản nhiều hơn để tác phẩm có thể chỉn chu hơn. "Phim phải hay từ khâu kịch bản cái đã. Trách nhiệm cuối cùng vẫn là đạo diễn nhưng mình thừa nhận là chưa tốt. Lúc đó tôi còn mới quá, trong khi không có nhiều kinh phí nên không thể kiểm tra các khâu", anh thừa nhận.

Từng có ý kiến cho rằng làm phim lịch sử "rủi nhiều hơn may" bởi chỉ tình yêu dành cho lịch sử thôi là chưa đủ. Nó đòi hỏi người sáng tạo phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi bắt tay thực hiện. Đó là chưa kể đến việc phải đối diện với nhiều tranh cãi khi phim lên sóng. Thực tế, phim về đề tài lịch sử không phải là sân chơi cho những nhà sản xuất nghiệp dư hay các hãng phim tư nhân như đạo diễn Đinh Thái Thụy chia sẻ: "Có một thực tế là các nhà đầu tư, đạo diễn, biên kịch vẫn rất "rén" khi khai thác đề tài này. Đặc biệt là các hãng phim tư nhân vì tính rủi ro khá cao".

Khi được hỏi về cái nhìn đối với phim lịch sử, khán giả M.D (26 tuổi, Bình Định) thẳng thắn: "Tôi rất khao khát Việt Nam có những bộ phim chất lượng, khắc họa được lịch sử nước nhà một cách đầy đủ, kiêu hùng nhất. Giống như việc mình hay nhiều người từng say mê xem cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc… Nếu một ngày chất lượng phim Việt vượt xa hơn cả vậy, thì chuyện ủng hộ là điều hiển nhiên. Mình không e dè phim sử, mình chỉ đang chờ đợi và hy vọng vào một tương lai người Việt cũng có thể yêu lịch sử bằng điện ảnh".

Thực tế, khán giả không quay lưng với phim lịch sử song họ vẫn đang chờ đợi một tác phẩm xứng tầm. Cũng giống như việc một số bộ phim như Đêm hội Long Trì, Thăng Long đệ nhất kiếm… từng được khán giả yêu mến, ủng hộ khi ra mắt. Điều quan trọng là làm sao để giải quyết được bài toán về kinh phí, làm sao để nâng cao chất lượng và vượt qua sự e ngại về chuyện thua lỗ để sản xuất những dự án tốt, thỏa "cơn khát" phim lịch sử từ người xem.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.