Theo các chuyên gia chống độc, methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau trong công nghiệp như làm sơn, dung môi… Chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như cồn thực phẩm ethanol.
Trong trường hợp uống phải, methanol vào cơ thể hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Bản thân chất methanol tác dụng giống ethanol (các biểu hiện kiểu “say rượu”), nhưng sau đó, methanol chuyển hóa thành a xít formic, rồi thành formate, gây độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác, khiến bệnh nhân suy tạng đa tạng, tổn thương thần kinh.
Khi trong rượu uống có cả ethanol và methanol thì chuyển hóa gây độc của methanol xuất hiện chậm hơn và biểu hiện nhiễm độc muộn, bệnh nhân và thầy thuốc có thể chỉ chú ý đến ngộ độc kiểu ethanol lúc đầu và dễ bỏ sót giai đoạn ngộ độc thực sự về sau của methanol. Ngộ độc methanol thường nặng, dễ tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực.
Nguyên nhân ngộ độc do uống rượu pha từ cồn công nghiệp, methanol (các loại rượu không rõ nguồn gốc) hoặc uống các dung môi, cồn công nghiệp, cồn sát trùng,
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc do Bộ Y tế ban hành tháng 8.2015, với trường hợp ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) việc thực hiện điều trị bằng phương pháp lọc máu cơ thể có tính quyết định. Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân ngộ độc methanol ở người nghiện rượu, bất kể nồng độ methanol trong máu...
Ngoài ra, hướng dẫn cũng nêu rõ một trong những thuốc giải độc đặc hiệu với ngộ độc methanol là ethanol, giúp ngăn cản việc methanol chuyển hóa thành các chất độc (a xít formic và format); methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, ethanol (có trong rượu, bia) hiệu quả, rẻ tiền nhưng có một số tác dụng phụ (tác dụng trên thần kinh, hạ đường huyết, rối loạn nước điện giải). Quá trình điều trị cần lưu ý theo dõi nồng độ ethanol máu; theo dõi tri giác, nôn, uống thuốc, tình trạng hô hấp, mạch, huyết áp, đường máu, điện giải máu và cần đảm bảo bệnh nhân được cung cấp đủ glucose, vì hạ đường huyết cũng gây nên nguy hiểm cho bệnh nhân.
Khi dùng ethanol đường uống trong điều trị ngộ độc methanol phải là sản phẩm đảm bảo an toàn và có ghi rõ độ cồn (%). Liều dùng duy trì trong và sau khi lọc máu là 250 - 350 mg/kg/giờ (1,3 - 1,8 ml/kg/giờ), uống hoặc qua sonde dạ dày.
Mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đã truyền qua đường tiêu hóa gần 5 lít bia cho một bệnh nhân ngộ độc rượu có chứa methanol để kéo dài thời gian lọc máu và đã cứu sống người này.
Bình luận (0)