Vì sao sinh viên giỏi 'ngại' làm nhà nước?

07/02/2023 05:08 GMT+7

Thông tin cơ quan nhà nước tại TP.HCM không tuyển được bất kỳ sinh viên (SV) xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nào trong suốt 5 năm qua một lần nữa phần nào phản ánh chính sách thu hút người tài chưa sát thực tế.

Trước đó, chính sách của thành phố về thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt cũng không như kỳ vọng.

Thực tế, TP.HCM là địa phương tập trung nhiều trường đại học nhất cả nước với hàng chục trường công lập, dân lập, học viện, đồng thời chất lượng đào tạo được xếp vào hạng "xịn sò". Điều đó cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường đại học cung cấp cho thị trường lao động rất dồi dào.

Thế nhưng, vì sao SV xuất sắc lại không nộp hồ sơ vào khu vực công? Một trong những lý do mà người viết tìm hiểu được là: chính sách tiền lương vẫn áp dụng theo hệ số, SV tốt nghiệp là 2,34, nếu có trình độ tiến sĩ thì nhận 3,0 và hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương, thời gian hưởng không quá 5 năm. Với mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng, họ sẽ nhận được khoảng 7 - 9 triệu đồng/tháng. Khoản lương trên tương đương thu nhập của công nhân lành nghề làm việc trong các nhà máy.

Trong khi đó, SV mới ra trường đa số chưa vững vàng về tài chính, toàn bộ chi phí sinh hoạt phụ thuộc vào lương, là công chức nên ít có điều kiện làm thêm công việc khác để cải thiện thu nhập. Người trẻ cũng có nhiều mối quan hệ bạn bè, trong tương lai gần cũng tính đến chuyện kết hôn, sinh con, nhà cửa, lo cho cha mẹ ở quê… Những khoản tiền không tên cộng lại, nếu chỉ trông chờ vào đồng lương công chức như trên thì khó mà cáng đáng nổi.

Các sinh viên xuất sắc, nếu đầu quân cho doanh nghiệp tư nhân, họ sẽ luôn được trải thảm đỏ mời gọi với đãi ngộ hậu hĩnh cùng môi trường làm việc năng động, hứa hẹn thăng tiến nhanh mà không phụ thuộc vào quy hoạch, tiêu chuẩn, trình độ chính trị.

Người trẻ sẵn sàng cống hiến và cảm thấy tự hào phục vụ trong cơ quan nhà nước, nhưng trước hết cần đảm bảo cho họ cuộc sống không phải đau đầu lo nghĩ "thiếu trước, hụt sau".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.