Vì sao sinh viên năm cuối có nguy cơ bị khủng hoảng tâm lý trước tốt nghiệp?

15/03/2023 11:41 GMT+7

Sinh viên năm 3, 4 có nguy cơ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý trước tốt nghiệp bởi nhiều yếu tố.

Chương trình học dồn dập

Năm 3 ở ĐH được cho là thời điểm căng thẳng nhất khi sinh viên phải học nhiều môn chuyên ngành cùng một lúc. Một số trường ĐH còn có quy định sinh viên phải nộp bằng ngoại ngữ mới đủ điều kiện lên năm 3. Đó là một trong những lý do khiến sinh viên rơi vào trạng thái căng thẳng.

Chẳng hạn, Nguyễn Trọng Quốc, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết anh vừa quay trở lại giảng đường sau một thời gian chữa trị trầm cảm. Nam sinh viên chia sẻ anh phải trị liệu do rơi vào trạng thái mất định hướng, dù từng là một người năng nổ, tham gia nhiều hoạt động Đoàn Đội và giành học bổng khuyến khích học tập.

Còn Lê Mỹ Thanh, sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cảm thấy áp lực khi thời gian nộp chứng chỉ ngoại ngữ để xét tốt nghiệp gần tới nhưng chưa hoàn thành. “Chưa kể, điểm trung bình của tôi trong 3 năm qua cũng không quá cao nên mình lo ngại trước nguy cơ không thể tốt nghiệp đúng hạn và khó cạnh tranh với những bạn khác khi tìm việc làm”, Thanh nói.

Là sinh viên có định hướng nghề nghiệp rõ ràng nhưng Lê Ngọc Hà, sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, rơi vào tình trạng căng thẳng bởi lịch học dày đặc. “Lịch học mỗi tuần khá nhiều và bài tập cũng thế. Dù cố gắng hết sức nhưng tôi cũng không đủ thời gian hoàn thành. Điều này khiến năng suất học tập và điểm số nhiều sinh viên ngày càng đi xuống”, nữ sinh viên chia sẻ.

Vì sao sinh viên năm cuối có nguy bị khủng hoảng tâm lý trước tốt nghiệp? - Ảnh 1.

Lịch học dồn dập là nguyên do khiến nhiều sinh viên mệt mỏi

LAN ANH

Mơ hồ trong định hướng nghề nghiệp

Trong khi các bạn đồng trang lứa đối mặt lịch học dày đặc, Võ Thị Như Tiên, sinh viên năm cuối ngành Luật kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, cho hay bản thân từng cảm thấy mơ hồ trong định hướng nghề nghiệp ở năm 3. “Lúc đó, không ít bạn cùng lớp tìm được công việc bán thời gian liên quan đến chuyên ngành thì mình lại lạc lõng khi chưa tìm được công việc chuyên môn”, nữ sinh viên kể.

Đến năm 4, Như Tiên bắt đầu khám phá các thế mạnh của bản thân và tìm ra một vị trí việc làm phù hợp. “Tôi rút ra kinh nghiệm là sinh viên nên rèn luyện các kỹ năng tìm việc càng sớm càng tốt; không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, kỹ năng học cách trình bày nội dung đơn xin việc”, Như Tiên nói.

Là người vượt qua bệnh trầm cảm, Trọng Quốc cho rằng sinh viên nếu có dấu hiệu mắc các triệu chứng hoảng loạn, rối loạn tâm lý, thậm chí trầm cảm nên chủ động đi tìm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý. “Trong những buổi trị liệu, bác sĩ, chuyên gia giúp bệnh nhân khơi gợi nguồn lực bên trong, tìm ra nguyên nhân rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý để đưa ra liệu trình điều trị phù hợp”, Trọng Quốc chia sẻ thêm.

Vì sao sinh viên năm cuối có nguy bị khủng hoảng tâm lý trước tốt nghiệp? - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho rằng việc hướng nghiệp phải thực hiện suốt đời, kể trong quá trình học ĐH

ĐÀO NGỌC THẠCH

Áp lực là một phần của cuộc sống

Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho rằng sinh viên năm 3, 4 đang trong giai đoạn chuyển hướng từ thời kỳ được thụ hưởng sang tự làm chủ cuộc đời.

“Trong giai đoạn ‘bước ngoặt cuộc đời’ này, sinh viên bắt đầu đặt ra các câu hỏi tôi là ai, tôi sẽ làm gì. Chính điều này gây căng thẳng về mặt tâm lý. Tuy nhiên, đôi khi căng thẳng là liều thuốc kháng sinh, khi chúng ta vượt qua được thì sẽ tự tin và hoàn thiện hơn”, tiến sĩ Điệp chia sẻ.

Theo tiến sĩ Điệp, cách tốt nhất để giải quyết khủng hoảng là có một góc nhìn khác về những áp lực. Chuyên gia cho rằng: “Sinh viên năm 3, 4 cần nhìn nhận khó khăn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời, từ đó suy nghĩ và bắt đầu chấp nhận. Để làm được điều này, các bạn cần tìm nguồn tư vấn tâm lý từ người thân, bạn bè và trung tâm tham vấn tâm lý”. Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Điệp, khủng hoảng tinh thần là khó khăn bất cứ ai cũng phải trải qua nên sinh viên năm cuối cần có thái độ nhìn nhận tích cực để vượt qua giai đoạn này.

Đối với sinh viên năm cuối bị mất định hướng nghề nghiệp, tiến sĩ Điệp cho rằng các bạn nên tự rèn giũa các kỹ năng để tự tạo ra cho mình nhiều cơ hội. “Hiện nay, giáo dục ĐH là theo hướng khai phóng. Nhận một tấm bằng ĐH nhưng sinh viên tốt nghiệp có thể làm nhiều ngành nghề khác nhau. Vậy nên, sinh viên nên chủ động tìm kiếm và trải nghiệm các công việc khác nhau, từ đó sẽ sớm tìm ra công việc phù hợp với năng lực bản thân”, tiến sĩ Điệp lưu ý.

Nên phân bổ các môn học trong chương trình đào tạo phù hợp

Kết quả khảo sát với 134 sinh viên năm cuối ngành Dược tại tỉnh Đồng Nai cho thấy, 16,4% sinh viên biểu hiện stress, 29,8% biểu hiện lo âu và 38,8% có dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Với những sinh viên chưa có định hướng việc làm sau khi tốt nghiệp thì mức độ lo âu và trầm cảm càng tăng, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học và Công nghệ-ĐH Đà Nẵng vào tháng 10.2020.

Vì thế, hai tác giả nghiên cứu Nguyễn Thanh Trúc và Nguyễn Thị Bích Tuyền (Trung tâm Tham vấn tâm lý trị liệu Thiên Ân và Bệnh viện tâm thần Trung ương 2) đề xuất nhà trường nên phân bổ các môn học trong chương trình đào tạo phù hợp, phân chia hợp lý các kỳ thi, đồng thời tăng cường dạy kỹ năng mềm cho sinh viên. Bên cạnh đó, công tác định hướng nghề nghiệp cũng cần được đẩy mạnh để đảm bảo nghề nghiệp tương lai của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.