Đèo Bảo Lộc là cung đường huyết mạch nối TP.HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ với tỉnh Lâm Đồng. Đèo Bảo Lộc có nhiều khúc quanh co nguy hiểm, nhiều đoạn qua vực sâu, trông... lạnh người.
Liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông trên đèo Bảo Lộc
Đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đèo Bảo Lộc (đèo nối giữa H.Đạ Huoai và TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng).
|
Từ hình ảnh vụ TNGT xảy ra vào chiều 24.2 trên đèo Bảo Lộc được camera ghi lại cho thấy, tài xế điều khiển ô tô 7 chỗ ngồi chở vợ và 2 con nhỏ đổ đèo với tốc độ cao. Sau khi vào một khúc cua gấp đã không làm chủ được tay lái nên xe tông thẳng vào lan can bê tông tại khúc cua trên đèo Bảo Lộc khiến xe biến dạng. Vụ tai nạn làm bé trai 7 tuổi tử vong và 3 người còn lại trong gia đình trên đều phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị thương rất nặng.
Hai ngày sau, vào chiều tối 26.2, xe container chở alumin cũng đang đổ đèo Bảo Lộc với tốc độ cao đã gây ra vụ tai nạn kinh hoàng với 5 ô tô khác và 1 xe máy. Vụ tai nạn liên hoàn tạo ra cảnh hỗn loạn trên đèo Bảo Lộc làm 6 ô tô bị hư hỏng nặng và khiến giao thông tại đèo ách tắc, xe cộ nối đuôi nhau kéo dài nhiều km.
Theo CSGT chốt đèo Bảo Lộc, 2 vụ TNGT nói trên và hầu hết các vụ TNGT trên đèo Bảo Lộc xảy ra phần lớn đều do người điều khiển phương tiện giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn đường… vi phạm các quy định của luật Giao thông đường bộ khi qua đèo.
|
Những “điểm đen” chết người
Tình hình TNGT xảy ra trên đèo Bảo Lộc là đáng báo động và gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người điều khiển phương tiện giao thông khi qua đèo này. Ghi nhận cho thấy, hơn 2/3 đường đèo Bảo Lộc thuộc địa phận H.Đạ Huoai và có hàng chục khúc cua gấp uốn lượn nguy hiểm. Đây cũng là nguyên nhân khiến hầu hết các vụ TNGT trên đèo Bảo Lộc đều xảy ra trên địa phận đường đèo thuộc TT.Đạ M’ri (H.Đạ Huoai).
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2013 đến nay, 7 vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đèo Bảo Lộc làm 14 người chết đều thuộc địa phận TT.Đạ M’ri (H.Đạ Huoai). Theo đó, tại nhiều khúc của ở các vị trí như Km 97, Km 98, Km 101, và Km 103 là những “điểm đen” thường xuyên xảy ra TNGT. Các vụ TNGT xảy ra tại những “điểm đen” này nhẹ thì va chạm, lật xe làm người bị thương, phương tiện hư hỏng; nặng thì xe lao xuống vực, tông vào vách núi, tai nạn liên hoàn, các phương tiện tông nhau trực diện làm chết người.
|
Ông Phạm Quốc Hùng (ngụ TP.Bảo Lộc), cho hay: “Tôi sinh ra và lớn lên ở TP.Bảo Lộc. Bà con của tôi ở TP.HCM và Đồng Nai cũng nhiều nên tôi thường xuyên đi qua đèo Bảo Lộc. Trước đây, mỗi lần về TP.HCM tôi thường đi xe khách và khi xe qua đèo Bảo Lộc về đêm là tôi không dám ngủ vì sợ. Tôi biết đèo này thường xuyên xảy ra TNGT nên không dám ngủ, cố gắng tỉnh táo để đề phòng bất trắc khi xảy ra chuyện không may còn kịp có cách xử lý”.
Còn theo anh Trần Đức Hải, ngụ TP.Bảo Lộc, 4 năm nay, hằng tuần anh đều chạy xe tải từ Bảo Lộc về H.Đạ Huoai bán cá khô từ sáng sớm và đến chiều quay về. Hầu hết những lần đổ đèo hay lên đèo Bảo Lộc, anh đều chứng kiến nhiều tài xế điều khiển xe tải, xe khách, xe đầu kéo và xe con lấn làn vượt ẩu khi qua đèo Bảo Lộc. “Lúc lái xe xuống đèo còn đỡ, nhưng khi lên đèo thì sợ lắm. Hầu như lúc nào tôi lái xe lên đèo cũng gặp các xe lấn làn, vượt ẩu. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều vụ TNGT xảy ra trên đèo Bảo Lộc, tất cả đều rất khủng khiếp. Vì thế, để bảo đảm an toàn cho bản thân và người khác, tôi luôn chạy đúng tốc độ và tuân thủ các quy định khi lái xe qua đèo”, anh Hải chia sẻ.
|
Gắn camera, phạt nguội thật nặng xe chạy ẩu khi qua đèo Bảo Lộc
Như nói ở trên, đèo Bảo Lộc là cung đường đèo nguy hiểm do có độ dốc lớn, với hàng chục khúc cua uốn lượn theo kiểu “cùi chỏ” và bên cạnh là những vực sâu lạnh người. Cùng với đó, nhiều người điều khiển phương tiện giao thông qua đèo thường phóng nhanh, lấn làn, vượt ẩu… không tuân thủ các quy định đảm bảo ATGT là những nguyên nhân gây nên các vụ TNGT trên đèo Bảo Lộc.
Để góp phần giảm thiểu tai nạn, đảm bảo ATGT trên đèo Bảo Lộc, chính quyền và các ngành chức năng từ địa phương đến trung ương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực như sửa chữa, nâng cấp mặt đường, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng và lắp đặt thêm biển cảnh báo, gương cầu lồi trên đèo, tốn rất nhiều kinh phí. Đồng thời, công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT trên đèo cũng luôn được chú trọng, tặng cường… Tuy nhiên, TNGT trên đèo Bảo Lộc vẫn không giảm thiểu được là bao.
Nói về những nguy hiểm trên đèo Bảo Lộc, một lãnh đạo CSGT chốt đèo Bảo Lộc cho biết: “Tại các khúc cua thường xuyên xảy ra TNGT trên đèo Bảo Lộc đã trở thành “điểm đen” đáng báo động. Tại một số khúc cua trên đèo, từ lâu đã xuất hiện người dân buôn bán, kinh doanh tự phát nên xe cộ hay ra vào cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT. Thời gian qua, ngoài công tác tuần tra, kiểm soát, chúng tôi cũng đã có nhiều giải pháp và đề xuất các phương án đảm bảo ATGT tại các khúc cua có người kinh doanh, buôn bán nhưng không khả thi”.
Còn theo Ban ATGT H.Đạ Huoai (Lâm Đồng), thời gian qua, địa phương cũng đã kiến nghị và triển khai nhiều biện pháp ATGT trên đèo Bảo Lộc. Tuy nhiện, đường đèo do Bộ Giao thông Vận tải quản lý trực tiếp, nên mọi biện pháp đầu tư, nâng cấp các hạng mục công trình từ nhỏ đến lớn đều do Bộ quyết định. Do vậy, các biện pháp mà địa phương thực hiện cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền và kiến nghị.
Nhiều người hay qua đèo Bảo Lộc cho rằng, cơ quan chức năng cần triển khai nhiều biện pháp đảm bảo ATGT trên đèo Bảo Lộc. Ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT, thì cần lắp đặt camera an ninh trên đèo để giám sát và xử lý, phạt nguội thật nặng tài xế, chủ xe khi qua đèo phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn ở những đoạn nguy hiểm.
Anh Thanh (ở TP.HCM) bức xúc: "Mỗi lần qua đèo Bảo Lộc, tôi luôn chứng kiến ô tô tải, hoặc xe khách to, dài nhưng tài xế cố tình cho xe vượt cực ẩu ở những vị trí gần khúc cua. Rất nguy hiểm, nếu xe chạy ở làn chiều ngược lại không tránh kịp thì chắc chắn tai nạn sẽ xảy ra. Do vậy, cần lắp camera ở suốt tuyến đèo Bảo Lộc để phạt nguội thật nặng, tước bằng lái, giam xe... để trị các tài xế coi mạng sống người khác không ra gì!"
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở GTVT Lâm Đồng, cho biết: “Liên quan đến 2 vụ TNGT gần đây nhất xảy ra trên đèo Bảo Lộc, Sở đã kiến nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ TNGT; đồng thời, chỉ đạo, đề xuất các cơ quan chức năng kiểm tra thực trạng an toàn trên đèo, đặc biệt là các “điểm đen” về TNGT. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân các vụ TNGT và mức độ đảm bảo ATGT trên đèo Bảo Lộc để đề xuất các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, khắc phục”.
Bình luận (0)