Vì sao 'Tết Trung thu nghèo' thường khó quên?

28/09/2020 21:05 GMT+7

Nhiều người trẻ thế hệ 8X, 9X mỗi khi nhắc về ký ức Tết Trung thu là cảm xúc ùa về. Dẫu miếng bánh hồi đó không mấy thơm ngon, chiếc lồng đèn đơn sơ..., nhưng tất cả lại trở thành một vùng ký ức khó quên...

“Ngày xưa, ba mẹ khó khăn lắm. Mỗi dịp Tết Trung thu là phải…”, đó là khởi đầu câu chuyện quen thuộc của rất nhiều bạn trẻ thế hệ 8X, 9X đời đầu khi làm cha mẹ kể lại cho con. Những em bé mắt tròn xoe nghe cha mẹ kể về cách làm lồng đèn từ vỏ hộp xà phòng, xâu hạt bưởi vào dây thép phơi khô để đốt tạo ra tiếng nổ, chờ đợi mãi để được ăn một miếng bánh nướng cứng vì toàn bột ít nhân. Mọi thứ quá xa lạ với những đứa trẻ năm 2020, khi bánh nướng bánh dẻo đủ vị, đủ hình thù, đồ chơi điện tử không thiếu, những chiếc đèn nhấp nháy chạy pin thay cho đèn ông sao thắp nến (đèn cầy).
Cách thức đón Tết Trung thu khác nhau, nhưng tinh thần của ngày lễ này với trẻ em thì chưa bao giờ khác đi. Sự háo hức của mỗi em nhỏ trước ngày được phá cỗ trông trăng, gặp “chú Cuội chị Hằng” có thể quan sát được ở mỗi trường học trong khoảng thời gian cận kề Tết Trung thu, ở “phố lồng đèn” Lương Nhữ Học và ở nhiều nhà sách.

Kỷ niệm Tết Trung thu in dấu trên trang sách

Tối chủ nhật, 27.9, nhà sách Kim Đồng trên đường Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM trước trung thu đông vui hơn hẳn ngày thường. Đèn lồng, đèn ông sao được treo lên cao. Những cuốn sách về tết trung thu, sự tích chú Cuội, chị Hằng… được những người trẻ nơi này bày ra vị trí dễ nhìn nhất. Chị Nguyễn Kim Phượng, 39 tuổi, phụ huynh có con học lớp 6, Trường THCS Trí Đức, Q.1, cho biết quà tặng trung thu chị tặng cho các con là sách.
“Mỗi con được mua 3 cuốn sách mà các con thích nhất. Mỗi dịp lễ, tết, tôi thích tặng sách cho các con. Ở trang đầu tiên, các con sẽ ghi kỷ niệm của mình, để sau này khi mở ra sẽ nhớ lại những kỷ niệm đã có. Ví dụ, khi lớn lên, con mở cuốn Dế mèn phiêu lưu ký và thấy ghi “TP.HCM Tết Trung thu 2020 cùng với mẹ và em gái”, nó sẽ đánh thức trong con nhiều điều thú vị”, chị Phượng chia sẻ.

Không khí Tết Trung thu tràn ngập trong một nhà sách

Ảnh Bảo Vy

Tết Trung thu năm nào, nhà chị Phượng cũng có một mâm cỗ nhỏ ở ban công để cả nhà cùng uống trà, ăn bánh. Sự đoàn tụ, ấm áp của gia đình đôi khi không phải được dạy qua những lời khuyên “các con phải thế này, các con không được thế khác”. Tinh thần giữ gìn mái ấm này, nó được lan tỏa từ một bàn trà có đông đủ 4 thành viên.

Dạy trẻ giá trị của đoàn viên

Anh Nguyễn Quốc Bảo, 29 tuổi, mới lập gia đình, ngụ hẻm 28 Phan Chu Trinh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, rất nhớ những ngày trung thu còn thiếu thốn của mình ngày thơ ấu. Nhưng, theo anh Bảo, sự thiếu thốn của dĩ vãng có khi lại là may mắn, nó giúp anh khó quên chúng hơn, dù đã hơn 20 năm.
“Chúng ta thường khó quên quá khứ của mình, hoặc vì khổ quá, hoặc vì sung sướng quá. Ngày còn nhỏ, những trung thu thiếu thốn chưa bao giờ được nhìn với con mắt của những đứa trẻ khổ hạnh. Chúng tôi đều thấy việc được ăn bánh, rước đèn, trêu đùa nhau trong tiếng trống múa lân là một hạnh phúc tuyệt vời”, anh Bảo chia sẻ.

Những cuốn sách về trung thu cho em nhỏ

Ảnh Bảo Vy

Theo anh Bảo, dù ngày nay, Tết Trung thu hiện đại hơn, trẻ nhỏ không còn thiếu thốn món ăn, đồ chơi như thế hệ anh về trước, nhưng nó vẫn là dịp tuyệt vời để cả nhà cùng ngồi lại với nhau. “Nói với con về những ký ức trung thu. Để con trẻ thấy rằng đoàn viên là giá trị tuyệt vời của mỗi gia đình. Tôi cũng nghĩ rằng, món quà trung thu ý nghĩa nhất là cho con một tuổi thơ đúng nghĩa, được sống gần hơn với thiên nhiên, cây cỏ, đồng ruộng giống như cha mẹ, ông bà của chúng đã từng”, anh Bảo nói.
“Để trẻ cảm nhận không khí của gia đình”, đó là bài học lớn nhất mà Đào Đình Đức, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường THPT Marie Curie, Q.3, người từng mang quà tặng trung thu cho các em nhỏ ở Bệnh viện Nhi đồng ở TP.HCM bộc bạch.

Bánh và trà trong ngày Tết Trung thu

Ảnh Kiều Oanh

Theo Đào Đình Đức, một ngày TếtTrung thu không dài nhưng đủ để người lớn dạy trẻ hiểu biết thêm về nguồn cội qua những câu chuyện chị Hằng và chú Cuội. Ngoài ra không khí sum vầy mỗi dịp này cũng là một bài học mà trẻ có thể cảm nhận, học được khi đúng vào đêm trung thu cả gia đình quây quần bên nhau.
“Không còn những đêm về muộn của bố hay đống bài tập mà mỗi đứa trẻ phải làm đến tận khuya. Giây phút đó có thể sẽ khác nhau giữa thành thị và nông thôn. Nhưng chung quy lại, trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương gia đình thêm gắn kết. Cũng như, các khoảnh khắc cùng nhau rước đèn, ăn bánh trung thu cũng mang đến cho trẻ kiến thức về phong tục truyền thống”.

Kể chuyện truyền thống từ chiếc nhân bánh nướng

Phạm Kiều Oanh, 26 tuổi, sáng lập Freshever Bakery, trú đường Vũ Tông Phan, Q.Thanh Xuân, Hà Nội rất nhớ những Tết Trung thu ngày cô 10 tuổi ở khu phố. Sau “nghi thức” khen thưởng các học sinh giỏi với bút, sách và hiệu lệnh được phép phá cỗ từ bác tổ trưởng dân phố, lũ trẻ ùa vào thưởng thức những món bánh nướng, bánh dẻo ngon nhất trong năm. Cho đến bây giờ, khi đã là một người thợ làm bánh, Oanh vẫn duy trì bánh nướng truyền thống với nhân từ các loại hạt, mỡ đường, lạp xưởng…
Oanh nói: “Tôi nghĩ rằng một trong những khoảnh khắc ấm áp nhất của một gia đình vào ngày Tết Trung thu là được ngồi quây quần quanh bàn trà, nói những chuyện vui, ăn miếng bánh truyền thống. Từ miếng bánh nướng, có thể kết nối các thế hệ, từ ngày trước nghèo khó, tới hôm nay khá giả hơn, để mỗi người đều yêu thêm tổ ấm của mình, phải chăng là rất hạnh phúc hay sao?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.