Vì sao thai nhi 'đá banh' trong bụng mẹ?

Kiều Oanh
Kiều Oanh
12/12/2018 10:24 GMT+7

Giật mình bởi những cú "đá banh" của thai nhi là trải nghiệm thường thấy của các bà mẹ mang thai, nhất là ở những tháng cuối. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi tại sao em bé lại thích đá đến thế?

Vận động của em bé trong bào thai là đề tài thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu từ lâu nhưng hiểu biết về nó vẫn còn hạn chế.

Một cuộc nghiên cứu gần đây được đăng tải trên báo Scientific Reports cho thấy hoạt động "sút" của các thai nhi giúp thai nhi cảm nhận được bản thân, xác định mình trong không gian, cùng lúc giúp thai nhi phát triển.
Ở giai đoạn khoảng 9-10 tuần, vận động của thai nhi còn rời rạc, không thường xuyên nhưng khi sản phụ bước sang tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ, các hoạt động của thai nhi bắt đầu nhịp nhàng hơn.
Các bà mẹ bắt đầu cảm nhận được những "cú đá" của thai nhi kể từ tuần thứ 15 nhưng cũng có nhiều trường hợp trễ hơn.
Khi não bộ của thai nhi càng phát triển sau đó thì thai nhi càng đá nhiều và phản ứng nhiều với các hoạt động trong não, với sự thay đổi tư thế cũng như âm thanh, nhiệt độ và các kích thích khác...
Giáo sư Scott Sullivan của Đại học Y khoa South Carolina (Mỹ) cho biết những cú đá của thai nhi phục vụ cho nhiều mục tiêu, trong đó bao gồm mục tiêu... tập thể dục. Rất nhiều cú đá là vì phản ứng trước kích thích và theo như kết quả nghiên cứu kể trên, những lần thai nhi khua chân cũng để giúp não bộ cảm nhận được vị trí của mình trong không gian.
Hiện giới chuyên môn cũng không hiểu rõ tại sao một số thai nhi thì "đấm đá" nhiều hơn, số khác lại thụ động hơn. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, những cái chết của thai nhi đến sau quá trình giảm dần hoạt động trong bụng mẹ.
Chính vì vậy, nếu thai phụ phát hiện thấy sự giảm hoạt động đáng kể của thai nhi thì cần phải đến bác sĩ để kiểm tra.
Tuy nhiên cần phải so sánh tần suất hoạt động trong cùng một thời điểm trong ngày, chẳng hạn cùng là buổi tối vì tình trạng thai nhi tích cực vào một thời điểm nào nó mà thụ động vào lúc khác là bình thường.
Ngoài ra, dẫu mọi thai nhi khỏe mạnh đều vận động trong bụng mẹ nhưng sự cảm nhận ở mỗi bà mẹ là mỗi khác. Chính vì vậy, thai phụ cần bình tĩnh và quan sát, so sánh mới có thể hiểu được phần nào tình trạng sức khỏe của đứa con trong bụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.