Sự việc ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (HSDC), bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam, đã làm lộ nhiều góc khuất trong việc mua sắm chế phẩm Redoxy-3C, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Thanh tra “nói không sao”, công an khởi tố
Như Thanh Niên phản ánh, ngày 20.8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã bắt ông Võ Tiến Hùng để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi của ông Hùng liên quan đến việc mua sắm, quản lý và sử dụng chế phẩm Redoxy-3C của Đức để xử lý các hồ ô nhiễm tại Hà Nội.
Ai phải chịu trách nhiệm ?Trao đổi với Thanh Niên, TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), cho rằng KLTT là một văn bản hành chính. Khi cơ quan hành chính thấy văn bản đó không phù hợp, thì có thể ra một văn bản khác thay thế. “Tuy nhiên, đối với vụ việc của TP.Hà Nội, KLTT trước thì nói có sai phạm, dù sai phạm này chỉ mang tính thủ tục, chưa hẳn là đúng với bản chất sự việc mà Bộ Công an đang làm, nhưng việc kết luận sau cắt bỏ toàn bộ phần sai phạm đó, là những điều bất thường cần phải làm rõ”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, theo quy định pháp luật về thanh tra, chánh thanh tra là người ra quyết định thanh tra cũng như KLTT, phải chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật và không có quy định nào phải xin ý kiến người đứng đầu để ra KLTT. “Như câu chuyện ở Hà Nội, dư luận đặt câu hỏi có hay không việc thanh tra bị can thiệp hay bị chỉ đạo để kết luận không đúng bản chất là có cơ sở, nhưng tôi cho rằng để làm rõ vấn đề này cần phải chứng minh. Tuy nhiên, điều này tôi cho là không dễ dàng bởi nhiều tình huống họ chỉ nói miệng với nhau chứ có văn bản đâu”, ông Minh nói.
Về vấn đề thanh tra nói không nhưng công an phát hiện sai phạm, ai phải chịu trách nhiệm? Theo ông Minh, luật Phòng, chống tham nhũng quy định các cơ quan thanh tra, kiểm tra về cùng một nội dung mà không phát hiện ra, mà cơ quan khác vào cuộc phát hiện ra sai phạm, thì chính cơ quan thanh tra, kiểm tra trước đó phải chịu trách nhiệm.
“Trên thực tế cũng cần phải thấy rằng đây là vấn đề gây ra tranh cãi, bởi thanh tra làm theo luật Thanh tra, điều tra làm theo luật Tố tụng. Thanh tra thì có thời hạn của thanh tra, bên cạnh đó nghiệp vụ cũng khác điều tra… Tuy nhiên, đối với chuyện xảy ra ở Hà Nội, cơ quan thanh tra đã làm ra nhưng lại bỏ qua, đó là tình huống khác”, ông Minh nói.
|
Dù sử dụng tiền ngân sách cho dịch vụ công ích, nhưng KLTT không nêu rõ vì sao việc mua sắm chế phẩm này không qua đấu thầu. Bản KLTT này cũng hầu như không đề cập đến bất cứ sai phạm nào của cơ quan có liên quan cũng như cá nhân ông Võ Tiến Hùng, mặt khác còn khẳng định: “Trước năm 2016, nước hồ đều bị ô nhiễm, có màu đen, sủi bọt, có hiện tượng cá chết, mùi thối, hôi tanh. Sau khi được xử lý, nước hồ được cải thiện, không còn mùi, không còn hiện tượng cá chết. Chính quyền địa phương và khu dân cư đều đề nghị TP tiếp tục xử lý nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C”.
“Đục bỏ” sai phạm
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trước khi ký ban hành KLTT số 794, Chánh thanh tra TP.Hà Nội Nguyễn An Huy từng ký ban hành một KLTT khác về việc mua sắm quản lý và sử dụng chế phẩm Redoxy-3C, nhưng với nội dung khác hẳn.
Theo đó, KLTT số 555 ban hành ngày 12.2 đã nêu hàng loạt “tồn tại” của cơ quan chức năng TP.Hà Nội, trong đó có cá nhân ông Võ Tiến Hùng. Cụ thể, sau khi có kết quả thử nghiệm bước đầu và trong khi tổ công tác chưa có báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm đối với 3 hồ Hố Mẻ, Ba Mẫu, Giáp Bát; đồng thời, UBND TP.Hà Nội chưa có văn bản cho phép nhân rộng, thì ngày 26.9.2016 HSDC đã có văn bản gửi các sở Tài chính, Xây dựng và UBND TP.Hà Nội đề nghị mua 141 tấn Redoxy-3C (20 tấn bằng đường hàng không và 121 tấn bằng đường biển) để xử lý ô nhiễm 81 hồ nội thành “là nóng vội”; mặc dù đến ngày 31.10.2016, sau khi tổ công tác có báo cáo đánh giá, UBND TP.Hà Nội có văn bản chấp thuận cho nhân rộng, HSDC mới thực hiện ký hợp đồng mua chế phẩm Redoxy-3C. “Thiếu sót này thuộc trách nhiệm của ông Võ Tiến Hùng, là người ký văn bản”, KLTT số 555 nêu.
Cũng tại KLTT số 555, Thanh tra TP.Hà Nội kiến nghị UBND TP.Hà Nội thông báo bằng văn bản yêu cầu Sở Tài chính, Sở Xây dựng tổ chức rút kinh nghiệm đối với các lãnh đạo sở, phòng, ban trực thuộc do “thiếu thận trọng” khi có văn bản đề nghị HSDC đàm phán, thỏa thuận ký hợp đồng mua 141 tấn Redoxy-3C. Đồng thời cho rằng, lãnh đạo của 2 sở này đã “lạc đề” khi HSDC đề nghị xem xét thay đổi giá mua do biến động tỷ giá, thì 2 sở này lại báo cáo UBND TP.Hà Nội, trong đó viện dẫn điều 1, điều 22 của luật Đấu thầu năm 2013.
Chỉ 14 ngày sau khi ký ban hành KLTT số 555, ông Nguyễn An Huy ký ban hành KLTT số 794, trong đó nêu rõ “kết luận này thay thế kết luận số 555/KL-TTTP-PCTN ngày 12.2.2020”, mà không nêu rõ bất cứ lý do nào.
Thanh Niên đã nhiều lần liên lạc với ông Nguyễn An Huy để làm rõ vì sao một vụ việc lại có 2 KLTT, vì sao KLTT số 794 đã “đục bỏ” toàn bộ phần tồn tại..., nhưng không nhận được phản hồi.
Diễn biến của vụ việc này đã và đang đặt ra hàng loạt câu hỏi, bởi lẽ UBND TP.Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C trong giai đoạn 2016 - 2019 có sự chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Công ty Arktic do người thân của ông Nguyễn Đức Chung có đóng góp cổ phần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ông Nguyễn Đức Chung bị Ban Bí thư và Thủ tướng ra quyết định tạm đình chỉ công tác Đảng và chính quyền (90 ngày) để phục vụ điều tra của Bộ Công an.
Bình luận (0)