Vì sao tôm hùm bông Việt Nam tắc đường vào Trung Quốc?

Chí Nhân
Chí Nhân
25/11/2023 11:23 GMT+7

Việt Nam có 46 cơ sở bao gói tôm hùm được phía Trung Quốc cấp phép nhưng chưa có vùng nuôi nào có mã số; tôm hùm giống được khai thác từ tự nhiên cũng vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã của Trung Quốc.

Ngày 25.11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức hội nghị "Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam". Một trong những nội dung được tập trung tại hội nghị này là giải bài toán xuất khẩu tôm hùm, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Quy định nào của Trung Quốc ngáng đường tôm hùm bông Việt Nam? - Ảnh 1.

Sẽ mất nhiều thời gian và công sức để đưa tôm hùm bông trở lại thị trường Trung Quốc

CTV

Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), thông tin: Trung Quốc chiếm đến 98 - 99% thị phần tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam; các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan chỉ chiếm 1 - 2%. Tuy nhiên trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt hơn 95 triệu USD, giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022.

Đáng nói, tháng 5.2023, Trung Quốc ban hành luật về bảo vệ động vật hoang dã và danh mục các loài động vật hoang dã cần được bảo vệ và tôm hùm bông nằm trong danh sách này. Đến tháng 8.2023, việc xuất khẩu tôm hùm bông bị ngưng trệ do hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.

Cụ thể, Trung Quốc không cho phép nhập khẩu tôm hùm bông khai thác tự nhiên, chỉ nhập khẩu tôm hùm bông nuôi và phải chứng minh được cơ sở nuôi được cấp phép từ phía chính quyền của nước xuất khẩu và được cả cơ quan chức năng Trung Quốc đồng ý (giống như mã số vùng trồng với sầu riêng - PV). Con giống cũng phải được sinh sản nhân tạo. Nếu con giống được khai thác từ tự nhiên đưa vào nuôi thì cũng bị xem là sản phẩm tôm hùm tự nhiên.

"Nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu tôm hùm bông phải xin giấy phép Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc), nhưng hiện tại theo tôi biết vẫn chưa có giấy phép nào được cấp", ông Bá Anh thông tin thêm.

Theo các đại biểu, đây là rào cản lớn rất khó để vượt qua vì hiện tại Việt Nam chưa có cơ sở nuôi tôm hùm nào được cấp phép, cấp mã số. Thứ hai là việc cho tôm hùm sinh sản nhân tạo để có con giống nuôi thương phẩm là chưa thực hiện được kể cả nhiều nước khác trên thế giới. Vì thế, Việt Nam cần nhanh chóng quy hoạch không gian biển, quy hoạch vùng nuôi, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất tôm hùm giống... Trước mắt, tôm hùm xanh vẫn được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc nên nghiên cứu chuyển sang đẩy mạnh xuất khẩu tôm hùm xanh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Muốn xuất khẩu thành công thì nguyên tắc đầu tiên phải đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hiện tại dù có nhiều khó khăn nhưng chúng ta phải quyết tâm khắc phục để đưa sản phẩm trở lại thị trường. Thứ trưởng Tiến đề nghị các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc để đáp ứng tốt yêu cầu thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.