Vì sao tranh Đông Dương liên tục bị làm giả?

Ngọc An
Ngọc An
25/05/2020 06:46 GMT+7

Vừa qua, nhà đấu giá lớn của Pháp Drouot tiến hành phiên đấu giá online Art du Vietnam ( Nghệ thuật Việt Nam).

Trong số đó có 2 bức tranh đề tên họa sĩ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tiến Chung lập tức bị nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ trong nước phát hiện là tranh giả.
Bức tranh thuộc lot 99 có tên Le fauchage du riz (tạm dịch: Cắt lúa) được ghi là của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, kích thước 64 x 122 cm, chất liệu sơn mài, sáng tác năm 1970, mức giá khởi điểm 6.000 - 8.000 euro (khoảng 153 - 203 triệu đồng). Bức tranh còn lại thuộc lot 75 có tên Acteurs du chèo (Diễn viên chèo) được ghi của họa sĩ Bùi Xuân Phái, kích thước 19,5 x 14,5 cm, chất liệu bột màu trên giấy, sáng tác năm 1972, mức giá khởi điểm 1.500 - 2.000 euro (khoảng 38 - hơn 50 triệu đồng).
Khi nhìn thấy hai bức tranh này, họa sĩ Lê Huy Tiếp không chỉ giật mình vì tranh giả, mà còn vì nét vẽ giả quá tệ. Ông phải thốt lên: “Sao lại đưa lên nhà đấu giá nổi tiếng, làm xấu tên tuổi các họa sĩ VN”.

Bức tranh Acteurs du chèo (Diễn viên chèo) được ghi của họa sĩ Bùi Xuân Phái được nhà đấu giá Drouot đấu giá online

Tranh Đông Dương ngày càng có giá

“Tôi đã liên lạc với nhà đấu giá trên để nói rằng hai bức tranh này không phải tranh thật”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (hiện sinh sống tại Pháp) nói. Sau đó, ông Khôi nhận được hồi đáp rằng, người bán bức tranh đề tên họa sĩ Nguyễn Tiến Chung đã cố gắng thuyết phục nhà giám định của Drouot bằng tờ giấy xác nhận từ nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông, nơi bức tranh này được bán ra trước đó. “Đây là lỗi của các nhà đấu giá với nhau”, ông Khôi nhìn nhận. Còn về bức tranh đề tên họa sĩ Bùi Xuân Phái, điều “thuyết phục” nhà đấu giá là do người bán bức tranh này đã sở hữu tác phẩm từ lâu. “Họ đã không có đủ chuyên môn để thẩm định”, nhà nghiên cứu này nhận xét.

Giải “nạn” tranh giả

Từ những năm 1970, khi công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến được giao nhiệm vụ đi mua tranh của nhiều họa sĩ Đông Dương, cũng như có nhiều cơ hội tiếp xúc trực tiếp với họ. Bà vẫn mong muốn những tư liệu của các họa sĩ từ thông tin tác phẩm đến phong cách nghệ thuật, chữ ký… có ngày sẽ được lưu trữ một cách hệ thống hoặc được số hóa. “Kho” dữ liệu này sẽ là phần cơ bản để có thể căn cứ phân biệt tranh thật hay tranh giả.
Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, các nhà sưu tập tranh cần đồng lòng, thấy tranh giả phải loại ngay thì dần dần sẽ tạo nên cuộc chiến chống lại tranh giả. Ngay cả những người thẩm định tranh cũng cần có tâm sáng để không bị đồng tiền mua chuộc.
 
Nguyên nhân tranh Đông Dương (tranh của những họa sĩ được đào tạo từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) bị làm giả liên tục, một phần vì giá tranh rất cao.
“Thông thường tranh Đông Dương là những tranh có giá trị cao, hơn nhiều so với tranh VN đương đại”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nói. Theo ông, lý do tranh Đông Dương được săn đón là bởi tranh thời kỳ này được vẽ rất kỹ lưỡng. “Khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, mỗi năm họ chỉ tuyển khoảng 10 - 11 người học từ nhiều người ứng tuyển. Quá trình đào tạo trong 5 năm rất nghiêm khắc và kỹ càng”, ông Khôi cho hay. Ông cũng là cháu ngoại của họa sĩ Nam Sơn, người đã cùng họa sĩ người Pháp Victor Tardieu lập nên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, việc Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập đã mở toang cánh cửa để những nghệ sĩ phương Đông tiếp xúc với văn hóa, văn minh phương Tây (cụ thể là Pháp) qua mỹ thuật. Những nghệ sĩ VN dần dần từ bỏ cái nhìn của Nho giáo, tiếp nhận những cái nhìn mới từ châu Âu sớm nhất trong khu vực. Những năm 1930 - 1945 cũng là giai đoạn bừng nở của thơ, văn, nhạc, họa cho thấy sự tiếp xúc với nền văn hóa, văn minh mới. “Chính sự tiếp xúc này khiến cho những tác phẩm của các họa sĩ thời kỳ đó tạo nên sự khác biệt, giao thoa giữa Đông và Tây tạo nên sự lôi cuốn đặc biệt”, bà Yến giải thích.

Tranh giả làm “mất giá” tranh thật

Trước kia, nhiều người Pháp sưu tầm tranh Đông Dương. “Họ mua từ những cuộc triển lãm thuộc địa, hoặc triển lãm của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được tổ chức tại Paris (Pháp). Khi ấy, tác phẩm của những họa sĩ Đông Dương đã gây tiếng vang lớn, được báo chí Pháp nhắc đến. Nhiều người thích sự lạ đã mua tranh với giá không đắt lắm. Qua thời gian dài, nhiều người mang tranh ra bán và dần nhận thấy tranh Đông Dương có giá trị lớn”, ông Ngô Kim Khôi cho hay. Còn bây giờ, những người “săn” tranh Đông Dương chủ yếu là nhà sưu tập VN. “Họ nghĩ rằng việc đầu tư này rất có lợi. Thêm nữa, bản thân họ cũng muốn đưa tranh VN trở về nước. Những nhà sưu tập càng có nhiều tranh Đông Dương thì bộ sưu tập của họ lại càng quý giá”, ông Khôi lý giải.
Ở khía cạnh khác, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, từ vụ việc “17 bức tranh từ châu Âu trở về” bị phát hiện tranh giả trước đây có thể thấy không ít người có xu hướng “đánh bóng”, tạo nên giá trị mù mờ qua việc đưa tác phẩm từ châu Âu về để người không hiểu biết tin là tranh thật, nâng “ảo” giá trị tranh.
Theo nhiều người trong giới, những người làm tranh giả chủ yếu là người vẽ trong nước. “Người nước ngoài khó có thể vẽ được. Chẳng hạn như vẽ suối tóc của người con gái, hay nếp áo dài... thì chỉ có người Việt mới vẽ được chính xác bởi họ đã quen mắt”, bà Yến nhận định. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi thẳng thắn nhìn nhận: “Chính người Việt hại người Việt mình. Bởi thông thường chỉ có người Việt mới vẽ được tâm hồn người Việt trong tranh mà người nước ngoài không vẽ được”.
Chính việc tranh giả xuất hiện nhiều tại các cuộc đấu giá quốc tế, theo ông Khôi, đã khiến giá tranh thật chưa đạt được giá trị tương xứng. “Tôi cho rằng kỷ lục bức tranh Khỏa thân của Lê Phố được bán với giá 1,4 triệu USD (hơn 32 tỉ đồng) tại Christie’s Hồng Kông năm 2019 thế nào cũng bị phá vỡ. Bởi tranh Đông Dương có giá trị nhiều hơn thế, nhưng sở dĩ chưa đạt được mức cao nhất là vì tranh giả quá nhiều”, ông Khôi bày tỏ. N.A
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.