Rất dễ nhiễm bệnh
Năm 2023, Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế) ghi nhận các ca bệnh bạch hầu tại Điện Biên, Hà Giang, trong đó có các trẻ 3 - 5 tuổi.
Hầu hết các ca bệnh bạch hầu đều không rõ tiền sử tiêm chủng hoặc không có bằng chứng đã được tiêm chủng đầy đủ. Bệnh viện Nhi T.Ư vừa qua cũng tiếp nhận một số bệnh nhi mắc bệnh bạch hầu có biến chứng nặng.
Bạch hầu là bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc. Các tổn thương nghiêm trọng chủ yếu do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra, có thể khiến bệnh nhân tử vong trong vòng 6 - 10 ngày.
Bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, một số nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, trong đó, cần lưu ý các trẻ chưa được tiêm vắc xin bạch hầu theo lịch hoặc tiêm phòng bạch hầu chưa đầy đủ.
Các trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ khi gặp các yếu tố nguy cơ, ví dụ như trong môi trường có người lành mang trùng (ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn mà không có triệu chứng. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh).
Biến chứng thường gặp nhất do bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong thường rất cao.
Dễ bùng dịch trong môi trường lớp học
PGS Dương Thị Hồng (Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) lưu ý, môi trường đông người, tiếp xúc gần, như trong các lớp học, rất dễ lây nhiễm các vi khuẩn, virus như bạch hầu, ho gà, sởi, cúm, nếu có ca bệnh. "Các gia đình cho trẻ tiêm chủng đầy đủ là bảo vệ các con và bảo vệ cộng đồng", bà Hồng chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Nho Huy, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT), cho biết trường học là nơi tập trung nhiều trẻ em, có nguy cơ lây truyền dịch bệnh. Vì vậy, cần triển khai việc kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tiêm chủng bù liều cho trẻ em trước khi nhập học.
"Để bảo vệ trẻ nhỏ, kiểm soát nguy cơ dịch bệnh trong trường học, 2023 là năm đầu tiên Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT triển khai rà soát tiền sử tiêm chủng và tiêm bù liều cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học, qua đó tăng tỷ lệ bao phủ các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng ở nhóm trẻ này, chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm có vắc xin", bà Hồng cho hay.
Tại các địa phương, các trường học và cơ quan y tế đang trong giai đoạn hoàn tất việc rà soát các trẻ, nhu cầu các vắc xin cần tiêm bù liều.
Theo chia sẻ của đại diện CDC Hải Phòng, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận thông tin từ các gia đình để có thông tin cụ thể về các mũi tiêm mà trẻ còn thiếu, cần tiêm bù; các trạm y tế xã, phường cũng đã chủ động rà soát trên hệ thống để cùng đánh giá về nhu cầu vắc xin tiêm. Các trẻ ngoại tỉnh sinh sống tại địa phương khi nhập học sẽ được tiêm bù, nếu chưa tiêm chủng đầy đủ.
Tại H.Bá Thước (Thanh Hóa), qua rà soát trên hệ thống thông tin tiêm chủng Trạm Y tế xã Ban Công, trung bình khoảng 7% trẻ trong độ tuổi mầm non, tiểu học cần được tiêm bù liều. Trong đó, 6/89 trẻ mầm non và 10/78 trẻ tiểu học cần tiêm bù.
Trong năm 2023, việc kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tiêm chủng bù liều cho các trẻ nhập học mầm non, tiểu học thí điểm triển khai tại 12 tỉnh, thành ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Năm 2024 mở rộng đến 30% các tỉnh, thành và sẽ triển khai trên cả nước từ 2025.
Các bệnh được chú trọng tiêm bù: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm não Nhật Bản B, sởi - rubella, bại liệt.
Bộ Y tế đảm bảo nguồn cung vắc xin tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho trẻ nhỏ.
Bình luận (0)