Vì sao Trung Quốc gây khó Singapore trong vụ xe bọc thép?

29/11/2016 15:20 GMT+7

Chín chiếc xe bọc thép của Singapore bị tạm giữ tại Hồng Kông đang trở thành câu chuyện được quan tâm, đó không còn là vấn đề giữa Singapore và Hồng Kông mà là giữa Trung Quốc với Singapore.

Hôm 23.11, hải quan Hồng Kông thu giữ lô hàng gồm 12 container “khả nghi”, sau đó được xác định là 9 xe bọc thép cùng nhiều thiết bị quân sự của Singapore. Những chiếc xe này đang trên đường vận chuyển về Singapore, sau thời gian “thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự của Singapore ở Đài Loan”.
Dù lô hàng được Bộ Quốc phòng Singapore giải thích “không chứa vũ khí hay thiết bị nhạy cảm”, nhưng chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông không "trả" lô hàng, dấy lên những đồn đoán rằng có sự can thiệp của Trung Quốc.
Câu chuyện đồn đoán có phần hợp lý khi Bắc Kinh ngày 28.11 lên tiếng phản đối Singapore. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo thường kỳ cho biết Bắc Kinh đã gửi kháng thư phản đối Singapore vì “có quan hệ hợp tác quân sự” với Đài Loan. Theo ông Cảnh Sảng, Singapore vi phạm nguyên tắc “Một Trung Quốc” khi vừa có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vừa “hợp tác quân sự” với lãnh thổ Đài Loan.
Giới quan sát đặt câu hỏi vì sao Trung Quốc phản ứng mạnh trước sự kiện “xe bọc thép” trong khi “quan hệ quân sự” giữa Singapore và Đài Loan đã có từ những năm 1970. Trong hàng chục năm qua, có nhiều sự kiện cho thấy mối quan hệ quân sự giữa Singapore và Đài Loan tồn tại, nhưng Trung Quốc không phản ứng gì. Theo South China Morning Post, ngay cả khi giới truyền thông nhắc đích danh Đài Loan, Bắc Kinh vẫn “làm ngơ”.
Trong bài viết đăng trên South China Morning Post ngày 28.11, nhà báo chuyên về quốc phòng David Boey, thành viên của Hội đồng tư vấn Bộ Quốc phòng Singapore cho rằng nguyên nhân khiến Bắc Kinh lên tiếng sau bốn thập niên “im lặng” là do mối quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore có nhiều rạn nứt, xuất phát từ vấn đề Biển Đông.
Cùng quan điểm với ông Boey, nhà nghiên cứu Lee Chih-hong tại Viện phát triển và chiến lược Longus của Singapore phát biểu: “Trung Quốc đang cố gây khó khăn cho Singapore vì Bắc Kinh không hài lòng với lập trường của Singapore về Biển Đông”.
Singapore có lập trường khá rõ ràng trong vấn đề Biển Đông dù không có tranh chấp ở vùng biển này. Chính phủ Singapore ủng hộ quan điểm “tự do hàng hải” và kêu gọi Mỹ “xoay trục về châu Á” để làm đối trọng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.
Hồi tháng 9.2016, một vụ tranh cãi dữ dội cũng đã xảy ra giữa Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Lo và tờ Hoàn Cầu thời báo, phụ san của tờ Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc. Vụ tranh cãi liên quan đến phán quyết của Toà trọng tài về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
"Không nên làm phức tạp vụ việc"
Ông Ian Chong, giáo sư chính trị tại đại học Quốc gia Singapore, nhận định đây là vụ “đối đầu mới” giữa Trung Quốc và Singapore. "Từ lâu việc huấn luyện quân sự của Singapore tại Đài Loan không được thảo luận công khai, nhưng giờ trở thành tin nổi bật", ông Chong nói với BBC.
"Chính phủ Trung Quốc đang cho thấy một cách rõ ràng rằng họ sẽ dùng sự kiện này để gây áp lực mạnh đối với Singapore trong vấn đề huấn luyện quân sự của Singapore ở Đài Loan”, ông Chong nói tiếp.
Trong khi đó, South China Morning Post dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh muốn gây khó khăn cho Singapore, một đồng minh của Mỹ ở châu Á, nhất là trong bối cảnh chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump được cho là sẽ ít quan tâm đến châu Á. Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm “rất thích hợp”.
“Trung Quốc có thể "lèo lái" vụ xe bọc thép theo hướng mà họ muốn, bất kể đó là trả, thu giữ hay thậm chí trừng phạt Đài Loan hoặc Singapore”, chuyên gia quân sự Ni Lexiong tại Thượng Hải nói. South China Morning Post lý giải rằng thẩm quyền về ngoại giao và quốc phòng ở đặc khu hành chính Hồng Kông nằm trong tay Bắc Kinh.
Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong ở Macau cho biết xe bọc thép đang bị tạm giữ ở Hồng Kông là loại AV-81, loại thiết giáp chở quân tiên tiến nhất của Singapore.
Tuy vậy cũng có ý kiến khác. Thiếu tướng về hưu Xu Guangyu của Quân đội Trung Quốc cho rằng không cần thiết làm cho vụ việc trở nên nghiêm trọng. "Cá nhân tôi không nghĩ chúng ta nên làm phức tạp hoá vụ việc đơn giản này. Nó chỉ nên được giải quyết theo quy định của luật hàng hải có liên quan", ông Xu phát biểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.