Vì sao Trung Quốc tặng 1 triệu liều vắc xin Covid-19 cho Campuchia?

16/01/2021 13:40 GMT+7

Sau một loạt viện trợ cả về quân sự lẫn kinh tế, Trung Quốc sắp tặng 1 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho Campuchia.

Hôm nay 16.1, AFP dẫn lời ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia, cho biết nước này sẽ được Trung Quốc tặng 1 triệu liều vắc xin của Sinovac để ngừa Covid-19. Viết trên Facebook ngày 15.1, ông Hun Sen chia sẻ: “Người bạn Trung Quốc đang giúp chúng tôi với 1 triệu liều vắc xin”.

Tiêm chủng cho 500.000 người

Theo đó, số vắc xin này sẽ được dùng để tiêm chủng cho khoảng 500.000 người Campuchia. Nhóm ưu tiên được chích ngừa ở Campuchia sắp tới bao gồm các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, giáo viên, binh sĩ, vệ sĩ của Thủ tướng và các quan chức cấp cao.

Vắc xin ngừa Covid-19 của Sinovac đã được thử nghiệm ở một số nước

Reuters

Đến nay, vắc xin Covid-19 của Sinovac đã được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ và thử nghiệm cho thấy đạt tỷ lệ hiệu quả khoảng 91,25%. Nhưng các thử nghiệm loại vắc xin này ở Brazil cho hiệu quả chỉ khoảng 50%, thấp hơn rất nhiều so với các loại vắc xin của Moderna, Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca. Còn tại Indonesia, thử nghiệm vắc xin của Sinovac đạt hiệu quả với tỷ lệ khoảng 65,3%.

Ngoài Campuchia, Myanmar mới đây cũng được Trung Quốc cam kết viện trợ 300.000 liều vắc xin ngừa Covid-19.

Liên tục hỗ trợ kinh tế lẫn quân sự

Không quá khó hiểu khi Bắc Kinh đưa ra quyết định viện trợ trên, bởi quan hệ Trung Quốc - Campuchia thời gian qua không ngừng được thắt chặt. Ngay trong giai đoạn đầu bùng nổ Covid-19, trong khi hầu hết các nước đều đóng cửa biên giới với Trung Quốc, thì chỉ có Campuchia vẫn “rộng mở”. Thậm chí, giữa bối cảnh đại dịch, Thủ tướng Hun Sen hồi tháng 2.2020 còn công du Bắc Kinh và gặp ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, để thể hiện tình đoàn kết.

Campuchia cũng liên tục tiếp nhận viện trợ quân sự lẫn kinh tế từ Trung Quốc khá nhiều trong những năm gần đây. Đầu tháng 10.2020, tờ The Phnom Penh Post đưa tin quân đội Campuchia vừa tiếp nhận 75 xe quân sự do Trung Quốc tài trợ. Ông Hun Manet, Phó tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia - con trai ông Hun Sen, đã đăng tải hình ảnh buổi tiếp nhận trên Facebook.

Các khí tài trong số 75 xe quân sự do Trung Quốc bàn giao cho Campuchia vào tháng 10.2020

Ảnh: Facebook ông Hun Manet

Đầu năm 2020, tờ South China Morning Post dẫn một thống kê cho thấy Bắc Kinh là nhà đầu tư lớn nhất của Phnom Penh với con số lên đến 5,3 tỉ USD từ năm 2013 - 2017. Vào năm 2017, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc đã cho Campuchia vay khoảng 2 tỉ USD kể từ năm 2004.

Cùng giai đoạn, Trung Quốc đã xây dựng 70% các tuyến quốc lộ và cầu ở Campuchia. Cụ thể hơn, tổng chiều dài các con đường ở Campuchia do Trung Quốc xây dựng lên đến hơn 2.000 km, bên cạnh đó còn có 7 cây cầu lớn. Đài CGTN của Trung Quốc cũng khẳng định Phnom Penh là đối tác quan trọng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á trong chương trình Vành đai - Con đường.

Phục vụ chiến lược án ngữ Indo - Pacific

Bên cạnh đó, một báo cáo năm 2019 của tờ The Wall Street Journal dẫn thông tin từ một số quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng Campuchia và Trung Quốc đạt được thỏa thuận hợp tác quân sự ở căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville, Campuchia. Sau đó, Phnom Penh bác bỏ thông tin của tờ báo trên.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào đầu tháng 2.2020

Ảnh: CGTN

Cuối năm 2020, Campuchia thừa nhận đã san phẳng một cơ sở do Mỹ tài trợ ở căn cứ Ream. Hành động này bị Lầu Năm Góc cáo buộc là nằm trong thỏa thuận quân sự giữa Bắc Kinh với Phnom Penh. Campuchia tiếp tục bác bỏ cáo buộc của Lầu Năm Góc.

Cùng năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lệnh trừng phạt nhằm vào UDG với cáo buộc các dự án do tập đoàn này tham gia ở tỉnh Koh Kong (Campuchia), nằm ở vịnh Thái Lan - phía nam Biển Đông, bao hàm cả mục đích quân sự, dẫn đến nguy cơ đe dọa an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Giới quan sát nhận định, Bắc Kinh đang muốn tranh thủ sự ủng hộ của Campuchia nhằm phục vụ cho chiến lược án ngữ ở phía nam Biển Đông - khu vực cửa ngõ kết nối Indo-Pacific, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang đẩy mạnh chiến lược Indo-Pacific để đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Xem thêm:

Người nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ có thể được miễn dịch trong 5 tháng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.