Sau hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm và nghị án, chiều 11.4, TAND TP.HCM tuyên án tử hình đối với Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về 3 tội danh tham ô tài sản, đưa hối lộ và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, tòa tuyên mức án tử hình tội tham ô tài sản, 20 năm tù tội đưa hối lộ và 20 năm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt đối với Trương Mỹ Lan là tử hình.
Bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu hơn 673 tỉ đồng án phí dân sự sơ thẩm.
84 bị cáo được xác định có vai trò đồng phạm giúp sức Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỉ đồng, cũng bị tuyên án từ 3 năm tù treo đến tù chung thân.
Theo HĐXX, tại tòa, lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau, các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án đủ cơ sở xác định Trương Mỹ Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Ngoài ra, căn cứ tài liệu và lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa, thể hiện bị cáo Lan là người tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB, là người chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB. Trương Mỹ Lan là chủ sở hữu thực sự và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB.
Từ đó, HĐXX không chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Lan và các luật sư về việc thực tế bị cáo chỉ có 15% cổ phần trong SCB.
Quá trình điều tra cũng xác định, những người đứng tên trên 75% cổ phần tại SCB đều thừa nhận đứng tên dùm Trương Mỹ Lan.
Xem nhanh 12h ngày 12.4: Số phận ‘núi’ tài sản của Trương Mỹ Lan
Không chấp nhận đề nghị chuyển 1.350 tỉ đồng khắc phục thiệt hại thay cháu gái
HĐXX cũng không chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư cho rằng, việc xử lý 2 tội danh đối với bị cáo Lan là bất lợi cho bị cáo, bởi trong 10 năm bị cáo Trương Mỹ Lan đã phạm tội tham ô tài sản, nhưng trước năm 2018, chưa xử lý tội tham ô tài sản đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước. Vì thế, Viện kiểm sát đã truy tố bị cáo ở 2 tội danh ở 2 giai đoạn trước và sau ngày 1.1.2018 là phù hợp.
Theo HĐXX, bị cáo Lan đã chỉ đạo tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức cho 304 khách hàng vay 368 khoản, còn dư nợ tổng số tiền hơn 132.000 tỉ đồng. Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo nên hành vi của Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỉ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay hơn 67.600 tỉ đồng.
Trong giai đoạn từ ngày 1.1.2018 đến ngày 7.10.2022, Trương Mỹ Lan chỉ đạo tạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn để rút và chiếm đoạt tiền của SCB. Đến ngày 17.10.2023, các khoản vay này còn dư nợ gốc hơn 415.600 tỉ đồng, dư nợ lãi hơn 129.300 tỉ đồng.
Trong giai đoạn này, Trương Mỹ Lan và đồng phạm liên quan phạm tội tham ô tài sản. Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay xác định Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt hơn 304.000 tỉ đồng dư nợ gốc, và gây thiệt hại hơn 129.000 tỉ đồng là lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt nói trên.
Đối với hành vi đưa hối lộ của Trương Mỹ Lan, HĐXX đánh giá, trong thời gian SCB bị thanh tra, Trương Mỹ Lan gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước), chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) đưa cho Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD nhằm che giấu thực trạng tại SCB.
SCB đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong Đoàn thanh tra, cao nhất là 390.000 USD và thấp nhất là 40 triệu đồng.
HĐXX đánh giá, việc đưa tiền cho các bị cáo trong Đoàn thanh tra, tổ giám sát ngân hàng nhằm che giấu, không báo cáo đầy đủ các sai phạm để SCB không bị đưa vào kiểm soát đặc biệt dẫn đến Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho SCB. Hành vi của Trương Mỹ Lan đủ dấu hiệu tội đưa hối lộ.
HĐXX cũng không chấp nhận đề nghị của Trương Mỹ Lan chuyển 1.350 tỉ đồng do Nguyễn Cao Trí (54 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) và 1 người khác chuyển trả sang cho bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột của Trương Mỹ Lan) để khắc phục thiệt hại. HĐXX lý giải bị cáo Lan có nghĩa vụ bồi thường rất lớn, tài sản của bị cáo cũng chưa đủ để khắc phục.
Bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho SCB 673.849 tỉ đồng
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn 677.000 tỉ đồng, tương đương dư nợ của 1.284 khoản vay. Đáng lẽ các bị cáo bồi hoàn toàn bộ, tuy nhiên, bản chất số tiền thất thoát là do bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng, chỉ đạo sử dụng, các bị cáo khác nghe theo chỉ đạo của bị cáo Lan để thực hiện hành vi sai phạm.
"Thực chất bản chất 1.284 khoản vay này SCB thực hiện không đúng quy định, số hợp đồng vay này là phương thức, thủ đoạn để bị cáo Lan rút tiền SCB sử dụng. Vì vậy, tòa chỉ buộc bị cáo Lan bồi hoàn tiền lãi, toàn bộ dư nợ 1.284 khoản vay được xác định chiếm đoạt, gây thiệt hại 677.000 tỉ đồng cho SCB", chủ tọa nhận định.
Theo HĐXX, tính toán khấu trừ phần nghĩa vụ của bị cáo Nguyễn Cao Trí, Dương Tấn Trước (cựu Tổng giám đốc Công ty Tường Việt)... đã hoàn trả cho Trương Mỹ Lan, số tiền mà Trương Mỹ Lan còn phải khắc phục là 673.849 tỉ đồng.
Xem nội dung cơ bản của bản án sơ thẩm mà TAND TP.HCM tuyên vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát tại đây.
Bình luận (0)