Vì sao Tuấn Tài trở thành mũi tấn công nguy hiểm nhất của U.23 Việt Nam?

07/06/2022 12:26 GMT+7

Ghi dấu giày vào 3 bàn thắng của U.23 Việt Nam từ đầu giải, rất khó tin khi chỉ số này lại thuộc về hậu vệ cánh trái, mới lần đầu ra sân chơi châu lục như Phan Tuấn Tài.

U.23 châu Á đang trở thành giải đấu đáng nhớ với U.23 Việt Nam cùng cá nhân Phan Tuấn Tài. Hậu vệ thuộc biên chế CLB Viettel đã in dấu giày vào cả 3 bàn thắng của đội nhà từ đầu giải, gồm 1 bàn thắng và 2 kiến tạo.

Nếu cú sút xa vào lưới U.23 Thái Lan có phần may mắn khi bóng đập chân trung vệ đối phương đổi hướng, cả 2 bàn kiến tạo cho Nguyễn Văn Tùng và Vũ Tiến Long lập công đều mang dáng hình của đẳng cấp. Tuấn Tài di chuyển tốt, quan sát nhanh và chỉ cần một đường chuyền để loại bỏ toàn bộ hàng thủ Thái Lan lẫn Hàn Quốc.

Tuấn Tài (số 2) chơi tập trung và bản lĩnh.

PHÚC THẮNG

So với SEA Games 31, Tuấn Tài đang thể hiện được tầm ảnh hưởng ở giải đấu khó hơn, trước những đối thủ mạnh hơn.

Để tạo nên màn tỏa sáng của Tuấn Tài, trước tiên phải kể đến yếu tố chiến thuật. Tại SEA Games 31, Tuấn Tài được HLV Park Hang-seo luân phiên sử dụng ở hai vị trung vệ lệch trái và cầu thủ chạy cánh trái. Cầu thủ 21 tuổi chủ yếu tham gia ở khâu hỗ trợ phòng ngự và phát triển bóng. Triết lý ưu tiên phòng ngự của thầy Park không cho phép Tuấn Tài được thường xuyên đẩy cao phối hợp, thậm chí xâm nhập vòng cấm để ghi bàn.

Tuy nhiên, HLV Gong Oh-kyun lựa chọn chiến thuật 4-1-4-1, với xu hướng tấn công tăng cao rõ rệt. Nếu sơ đồ 3-5-2 của HLV Park chỉ có 2 cầu thủ chạy biên, thì sơ đồ của Gong Oh-kyun có tới 4 cầu thủ chia đều ở hai cánh. Nhờ số lượng cầu thủ đá biên đông đảo, Tuấn Tài có thêm đồng đội để phối hợp nhóm, leo biên và tạo sức ảnh hưởng trên mặt trận tấn công.

Tuấn Tài được triệu tập lên U.23 Việt Nam đá giải Dubai Cup 2022.

PHÚC THẮNG

Ngoài ra, triết lý của Gong Oh-kyun là mở rộng đội hình khi tấn công, tức là các cầu thủ đá biên phải di chuyển rất rộng để kéo giãn hàng thủ đối phương, đồng thời phối hợp đập nhả, thay vì thuần túy nhận bóng rồi tạt vào. Lối chơi này phù hợp với U.23 Việt Nam hiện tại, khi HLV Gong Oh-kyun có nhiều cầu thủ tạo đột biến ở hai biên.

Pha kiến tạo của Tuấn Tài cho Văn Tùng ghi bàn là minh chứng. Lê Minh Bình, cầu thủ đá tiền đạo trái, đã lùi ra biên, mở ra khoảng không để Tuấn Tài di chuyển vào trung lộ, rồi thực hiện đường chuyền ở vị trí không ai theo kèm. Tuấn Tài rất khó có tình huống di chuyển thoải mái như thế nếu U.23 Việt Nam không ưu tiên tấn công biên.

Bên cạnh đó, lối đá pressing tầm cao, chủ động đẩy đội hình tấn công của U.23 Việt Nam cũng giúp Tuấn Tài, Tiến Long có nhiều hơn cơ hội tiếp cận vòng cấm. Bởi khi các tiền vệ, tiền đạo bị theo kèm, các hậu vệ biên sẽ có khoảng trống để xuyên phá nhờ những pha di chuyển tự do và khó lường.

Tuy nhiên, vượt lên những yếu tố chiến thuật và sắp xếp nhân sự của HLV Gong Oh-kyun, Tuấn Tài rực sáng bởi nỗ lực của tự thân cầu thủ này. Không chỉ rèn luyện để có cổ chân trái cực dẻo, cầu thủ thuộc biên chế Viettel còn rèn những mảng miếng không phải hậu vệ cánh nào cũng có, đó là phối hợp một chạm, di chuyển tìm khoảng trống và dứt điểm từ xa.

Nhờ những pha chạy chỗ và tạt bóng khôn ngoan của Tuấn Tài, hành lang trái luôn là "điểm nổ", khi tạo ra cả 3 bàn cho U.23 Việt Nam ở giải này.

Vũ Tiến Long ở biên phải cũng là mũi tấn công đáng chú ý.

PHÚC THẮNG

Tuấn Tài còn điểm yếu cần khắc phục, như khả năng giữ vị trí và phối hợp trong phòng ngự, tiêu biểu là tình huống để hổng Cho Young-wook của U.23 Hàn Quốc ở trận trước. Nhưng trong bóng đá, mọi hậu vệ khi tập trung phát triển tấn công đều phải chấp nhận rủi ro thiếu sót về kỹ năng phòng ngự, ngay cả những cầu thủ hàng đầu. Tuấn Tài còn trẻ, có rất nhiều thời gian để hoàn thiện mình.

Quan trọng là cầu thủ 21 tuổi cần được tạo cơ hội ở những giải đấu lớn, ra sân liên tục tại cấp độ CLB, nếu không muốn những tiềm năng hôm nay sớm bị "thui chột".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.