Vì sao tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT 4 năm qua cao?

07/05/2024 06:05 GMT+7

Từ năm 2020 - 2023, kỳ thi tốt nghiệp THPT theo luật Giáo dục 2019. Trong hai năm đầu, việc tổ chức thi gặp khó khăn rất lớn, thế giới và VN trải qua khủng hoảng đại dịch Covid-19. Từ năm 2022, kỳ thi này đi vào ổn định, tăng minh bạch, giảm tiêu cực đáng kể.

KHẲNG ĐỊNH MỤC TIÊU CHÍNH LÀ TỐT NGHIỆP THPT

Đầu năm 2020, nhiều ý kiến trái chiều về việc nên giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phía đề xuất bỏ thi cho rằng: Thi tốt nghiệp hằng năm gây ra tốn kém, căng thẳng cho cả triệu học sinh (HS), trong khi chỉ để tìm ra 1 - 2% HS dự thi hỏng tốt nghiệp.

Học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngược lại, phía Bộ GD-ĐT và các chuyên gia giáo dục cho rằng cả nước tổ chức một kỳ thi chung cho HS hoàn thành chương trình THPT là rất cần thiết, nhằm đạt nhiều mục đích quan trọng: Đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh. Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT chung tạo ra sự công bằng trong tuyển sinh ĐH, vì HS ở các vùng khó khăn chủ yếu lấy kết quả thi để xét tuyển ĐH, ít có điều kiện tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH. Đồng thời, kết quả kỳ thi này có thể sử dụng để đối sánh chất lượng giáo dục của các địa phương trong từng năm.

Mặt khác, thi tốt nghiệp THPT đã được luật hóa, khoản 3 điều 34, luật Giáo dục 2019 khẳng định: "HS học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT".

Với những giải trình như trên của Bộ GD-ĐT, xã hội đã đồng thuận về sự cần thiết tổ chức thi tốt nghiệp THPT với mục đích chính là tốt nghiệp THPT.

NĂM 2020 2021: KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT THÀNH HAI ĐỢT

Năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 diễn ra hết sức tàn khốc, hàng tỉ người bị nhiễm, nhiều nước xác định bỏ thi THPT và chuyển sang xét tốt nghiệp. Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2020, ở VN bùng phát hai đợt dịch, đợt thứ nhất từ ngày 23.1 - 24.7. Trong đợt này có 415 ca nhiễm dịch bệnh, toàn VN phải cách ly khoảng 1 tháng, không có người chết. Đợt dịch thứ hai từ ngày 25.7.2020 - 27.1.2021, có 1.136 ca nhiễm và 35 người chết. Đà Nẵng, Quảng Nam và Đắk Lắk bị dịch khá nặng, nhiều HS là F1 và F2. Bộ GD-ĐT đã có giải pháp giảm tải chương trình giáo dục các cấp.

Năm 2020 kỳ thi tốt nghiệp THPT chia làm hai đợt: đợt 1 ngày 9 - 10.8 cho các vùng an toàn. Và đợt 2, ngày 3 - 4.9 cho các thí sinh chưa dự thi đợt 1.

Năm 2021, có hai đợt dịch bùng phát, đợt 1 từ ngày 28.1 - 26.4 và đợt 2 từ ngày 27.4 đến năm 2022. Đây là đợt dịch nghiêm trọng nhất, TP.HCM và các tỉnh phía nam có hàng chục ngàn người chết. Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường chuyển qua học trực tuyến. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, chia làm hai đợt: đợt 1 ngày 7 - 8.7 cho các vùng an toàn. Và đợt 2 vào các ngày 3 - 4.9 cho các thí sinh chưa dự thi đợt 1.

Giải pháp quyết liệt trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi chia làm hai đợt của VN là linh hoạt và là nỗ lực của ngành giáo dục và toàn xã hội.

TỶ LỆ TỐT NGHIỆP SAU 2020 CAO HƠN GIAI ĐOẠN 2015 - 2019 GẦN 4%

Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, ngành GD-ĐT đã có 9 năm đổi mới thi tốt nghiệp THPT.

Giai đoạn 2015 - 2019, tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng cho xét tuyển ĐH. Thí sinh phải thi bắt buộc 3 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ, và tự chọn các môn/tổ hợp môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Đề thi có sự phân hóa cao và khó hơn, nên tỷ lệ tốt nghiệp dao động từ 91 - 97%, bình quân 5 năm là 94,71%. Mỗi năm trung bình có 914.011 thí sinh dự thi và có 661.953 em đăng ký xét tuyển ĐH, đạt tỷ lệ 72,4%, có khoảng 28% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp.

Giai đoạn 2020 - 2023, kỳ thi THPT theo luật Giáo dục 2019, thí sinh phải thi bắt buộc 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ và tự chọn tổ hợp môn khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hay khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân) phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Đề thi vẫn đảm bảo có sự phân hóa nhưng dễ hơn, nên tỷ lệ tốt nghiệp bình quân giai đoạn này là 98,6% (cao hơn giai đoạn trước 3,9%). Mỗi năm có 985.050 thí sinh dự thi (cao hơn giai đoạn trước 70.000), trong đó có 678.417 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, đạt tỷ lệ 68,93% (giảm 3,5% so với giai đoạn trước).

Xu hướng chọn con đường khác ngoài ĐH ngày càng gia tăng, trong đó năm 2022 tỷ lệ này là 38,5% và năm 2023 là 35,6%. Đây là một xu hướng tốt trong phân luồng HS sau THPT. Có 6 lý do dẫn đến xu hướng này, đó là: tìm việc làm ngay sau tốt nghiệp; học trường quốc tế ở VN hoặc du học; xuất khẩu lao động; sợ thất nghiệp sau tốt nghiệp ĐH; học phí ĐH tăng và học nghề rồi liên thông lên ĐH.

Vì sao tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT 4 năm qua cao?- Ảnh 2.

Nguồn: Số liệu công bố của Bộ GD-ĐT và tính toán của tác giả


ĐIỂM TOÁN VÀ NGOẠI NGỮ VÙNG KHÓ KHĂN RẤT THẤP

Nhằm từng bước minh bạch và cải tiến chất lượng giáo dục, từ năm 2020, Bộ GD-ĐT tiến hành đối sánh nhiều chỉ số khác nhau. Kết quả đối sánh cho thấy các địa phương có điều kiện KT-XH phát triển có chất lượng thi tốt nghiệp THPT cao hơn, đặc biệt là điểm các môn ngoại ngữ.

Năm 2023, môn ngoại ngữ, TP.HCM (xếp thứ 1; với 6,76 điểm), Bình Dương (2; 6,72), Hà Nội (3; 6,191), Bà Rịa-Vũng Tàu (4; 6,19), Đà Nẵng (5; 6,1), Hải Phòng (6; 6,05), Vĩnh Phúc (7; 5,99), Bắc Ninh (8; 5,87), Nam Định (9; 5,84) và Ninh Bình (10; 5,77). Mười địa phương thấp nhất gồm: Hậu Giang (54; 4,4), Hòa Bình(55; 4,381), Trà Vinh (56; 4,38), Lai Châu (57; 4,37), Đắk Nông (58; 4,36), Bắc Kạn (59; 4,35), Cao Bằng (60; 4,26), Sơn La (61; 4,14), Điện Biên (62; 4,1), Hà Giang (63; 3,83).

Kết quả đối sánh này trong nhiều năm cho thấy nếu ngoại ngữ là bắt buộc sẽ thiệt thòi cho HS vùng khó. Vì vậy, Bộ GD-ĐT chọn phương án thi sau năm 2025 gồm 4 môn, trong đó hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn và hai môn tự chọn trong số các môn lý, hóa, sinh, tin học, công nghệ, ngoại ngữ, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật.

TỶ LỆ TỐT NGHIỆP KHÁ ĐỒNG ĐỀU GIỮA CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Tuy nhiên, về tỷ lệ tốt nghiệp lại có sự cân bằng hơn, một số địa phương khó khăn nhưng có tỷ lệ tốt nghiệp cao. Minh chứng cho điều này, năm 2023, có 5 địa phương tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp trên 99%, gồm Bình Dương (99,76%), Sơn La (99,68%), Hòa Bình (99,61%), Cà Mau (99,2%), trong đó, vùng khó khăn có 4 địa phương.

Ngoài tỷ lệ tốt nghiệp, điểm thi các môn học khác (trừ toán và ngoại ngữ), HS các vùng khó khăn vẫn đạt mức điểm ngang ngửa với các vùng thuận lợi. Từ đó, cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH đã được giảm dần, nhưng xã hội vẫn đồng tình.

Mức độ điểm ưu tiên giảm dần, cho thấy khoảng cách chất lượng giáo dục vùng miền ngày càng giảm. Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm, giai đoạn 2004 - 2017, nhiều nhất là 1,5 điểm và từ 2018, nhiều nhất là 0,75 điểm. Từ năm 2023, trong tuyển sinh ĐH, Bộ GD-ĐT quy định cộng điểm ưu tiên khu vực giảm tuyến tính từ mức tổng điểm là 22,5 trở lên và giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn đối với tất cả tổ hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.