Vì sao văn học mạng Trung Quốc được đầu tư, khuyến khích?

Thế Sang
Thế Sang
17/07/2024 16:00 GMT+7

Trong hội thảo quốc gia Trung Quốc về văn học mạng (diễn ra từ ngày 12 - 14.7), các số liệu được tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) đưa ra về thị trường 'màu mỡ' này gây nhiều bất ngờ.

Hội thảo vừa kết thúc ở Bắc Kinh mang tên The China Online Literature + Conference, là chuỗi dài các sự kiện, các buổi bàn luận xung quanh ngành văn học mạng (online literature). Đây là lần thứ 7 sự kiện này được diễn ra để bàn luận về chủ đề "văn học mạng và vấn đề hiện thực xã hội". 

Trong vệt dài các sự kiện thuộc khuôn khổ đó, có 4 buổi nói chuyện bàn tròn về việc văn học mạng đã được mua bản quyền và chuyển thể sang hình thức phim điện ảnh và truyền hình. Ban tổ chức chọn ra 18 tác giả tiêu biểu để chia sẻ trải nghiệm sáng tạo, viết lách của họ tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc). 

Những con số "khủng"

Vì sao văn học mạng Trung Quốc được đầu tư, khuyến khích? - Ảnh 1.

Ở rể, phim truyền hình gây "sốt" màn ảnh nhỏ xứ Trung, là phim tiêu biểu chuyển thể từ tiểu thuyết mạng

CHINA DAILY

Trong nhiều năm trở lại đây, truyền thông Trung Quốc đã có những bài viết với nhiều điểm nhìn về sức tác động của đời sống văn học mạng đến ngành công nghiệp giải trí - phim ảnh đại lục. Đơn cử, hồi năm 2021, bộ phim Ở rể (tựa Hán: 赘婿), chuyển thể từ tiểu thuyết mạng cùng tên ra mắt trước đó 10 năm, trở thành "hiện tượng truyền hình" xứ Trung, có tác động lớn đến khán giả, nhất là khán giả nữ. 

Năm rồi, có tổng cộng 550 triệu tài khoản mạng tiêu thụ các nội dung văn học mạng, trong khi đó, trên các nền tảng dùng để sáng tác văn học mạng, có hơn 29,29 triệu tác giả. 

Ông Hou Xiaonan, CEO và Chủ tịch của Công ty China Literature - "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp văn học mạng, đồng thời là nhà sản xuất phim, nói với Hoàn cầu Thời báo rằng con số 550 triệu tài khoản ghi nhận trong năm rồi là "đỉnh cao mới". Nếu quy ra bình quân theo tỷ lệ dân số Trung Quốc hiện nay, theo ông, hơn một nửa người Trung Quốc đang dùng mạng đều đọc văn học mạng nước này. 

Trong năm 2023, các tác phẩm văn học mạng xứ Trung đã được dịch sang hơn 20 ngôn ngữ ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc (các nước Đông Nam Á, Bắc Mỹ, châu Âu và châu Phi). Thị trường văn học mạng Trung Quốc nếu tính doanh thu bên ngoài đại lục trong năm rồi đạt 4,35 tỉ tệ (tương đương 598,8 triệu USD).

Văn học mạng viết gì mà được Trung Quốc đầu tư, khuyến khích? 

Vì sao văn học mạng Trung Quốc được đầu tư, khuyến khích? - Ảnh 2.

Giao diện trang chủ của app đọc sách QQ Reading, được quản lý bởi China Literature

BLOOMBERG

Yao Yu, chuyên gia trong ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa Trung Quốc, nói với Hoàn cầu Thời báo rằng Trung Quốc thúc đẩy sự phát triển văn học mạng vì "nhiều chủ đề trong các sáng tác này đã phác họa nên những câu chuyện lịch sử, văn hóa Trung Quốc thông qua các kênh số hóa". 

Ông Hou Xiaonan nói, mảnh đất văn học mạng Trung Quốc đã được "hà hơi", lấy cảm hứng rất nhiều từ chất liệu văn hóa Trung Quốc, trong đó có các truyền thuyết cổ đại, đạo Khổng, đạo Phật, đạo Lão. Ông nhấn mạnh, "văn hóa không chỉ có lịch sử, mà còn có cả yếu tố đương đại". 

Tính đến cuối năm 2023, có tổng cộng 72.674 tác phẩm văn học mạng Trung Quốc (tính chung các thể loại) được chuyển thể sang các loại hình giải trí/hình thức khác như hoạt hình, phim điện ảnh và truyền hình, sách giấy... Trong đó, mảng hoạt hình được các chuyên gia nhìn nhận là đầy hứa hẹn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.